(GLO)- Biết tin tập nhạc và bài hát dân ca các dân tộc do cố Nghệ nhân Ưu tú H’Ben sưu tầm có thể ra mắt trong năm nay, lòng tôi chợt tràn đến những cảm xúc khó nói thành lời. Vậy là tâm nguyện cả đời của bà đã không bị lãng quên.
Nghệ sĩ Ưu tú H’Ben sinh ra và lớn lên ở làng Đe Dơng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Bà thuộc lứa nghệ sĩ, trí thức được đào tạo bài bản ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bản thân từng đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới.
Sau khi đất nước giải phóng, nghệ sĩ H’Ben về lại Gia Lai và được phân công làm Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên. Ngày làm công tác chuyên môn, đêm về bà miệt mài với tâm huyết sưu tầm dân ca. Sau khi nghỉ hưu, bà cùng chồng là nghệ sĩ violon Lê Đức Thịnh về lại Kông Chro dựng ngôi nhà sàn bên dòng sông Ba sống những tháng ngày thảnh thơi, song vẫn không quên cùng nhau lặn lội tìm gặp những “nghệ nhân” các làng để ghi chép, ký âm dân ca.
Sau hàng chục năm “thai nghén”, tập nhạc cũng hoàn thiện vào tháng 10-2013, được nghệ sĩ H’Ben photocopy tặng một số bạn bè, 1 bản bà đề tặng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch vào ngày 13-1-2016.
Trong lời mở đầu, bà bộc bạch: “Với lòng đam mê những làn điệu dân gian và bài hát truyền thống của dân tộc, hồi nhỏ, H’Ben hay theo cha mẹ tụ tập uống rượu cùng hàng xóm, rồi họ hát với nhau vui vẻ nghe rất hay. H’Ben ngấm ngầm hát theo trong bụng. Khi lớn lên, mỗi khi làm rẫy, khi mặt trời xuống núi là gọi bạn bên cạnh cùng về làng, miệng hát vui vẻ. Mỗi khi tiếng chiêng đánh lên bài dân ca, trái tim xôn xao, phấn chấn, H’Ben càng yêu quý những làn điệu dân gian và bài hát dân ca truyền thống của dân tộc mình…
Vì vậy, H’Ben cố gắng đi sưu tầm được một số làn điệu dân gian và một số bài hát dân ca. Ghi lại, để hát cho con cháu trong gia đình nghe và có dịp bày lại cho các cháu ở làng, vì sợ nó mất đi theo thời gian. Tóm lại họ hát thế nào thì mình ghi lại như vậy, hy vọng được đóng góp một phần nhỏ trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống…”.
Vợ chồng nghệ sĩ H’Ben-Lê Đức Thịnh lúc sinh thời. Ảnh: Phương Duyên |
Bút tích của nghệ sĩ H’Ben vẫn còn nguyên đấy, nơi những khuông nhạc bà tự tay tỉ mẩn kẻ từng dòng. Bài nào cũng ghi rõ tên người mà bà gặp để ký âm, là dân ca của dân tộc nào. Chiếm số lượng nhiều nhất là dân ca Bahnar với hơn 40 bài, tiếp đến là dân ca Jrai 12 bài, Xê Đăng 1 bài, Ê Đê 1 bài. Số còn lại là những bài dân ca đã được các nghệ nhân đặt lời mới.
Đáng chú ý, nghệ sĩ H’Ben cũng là người đặt lời mới cho gần 60 bài. Nội dung các bài hát này vô cùng phong phú. Ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu có các bài như: Nhờ có Đảng, Đảng chỉ lối, Góp lúa cho cách mạng, Đảng cho ta ấm no, Ta gùi gạo cho cách mạng, Một lòng theo Bác Hồ. Về tình đoàn kết và tình yêu quê hương, nổi bật là những bài như: Đứng trên tảng đá thác Srông, Buôn em ngày nay, Tiếng chiêng ăn lúa mới, Quê ta núi rừng bao la.
Không ít bài dân ca nói về tình yêu và sự lạc quan trong lao động như: Dãy núi anh trồng mì, Sớm mai em đi giữ rẫy, Cô gái nông trường, Mùa mưa đã đến. Còn về tình yêu đôi lứa cũng đầy sức cuốn hút với những bài như: Cảm ơn người áo trắng, Đi tìm dấu chân người ấy, Em có biết không, Người ở nơi đâu, Dệt váy chờ anh, Sao anh không nói, Đợi chờ, Em chờ anh bên suối…
Bút tích của cố nghệ sĩ H'Ben trong những bài dân ca do bà sưu tầm. Ảnh: Phương Duyên |
Từng cầm trên tay tập nhạc ấy, từng ngồi cạnh nghe nghệ sĩ H’Ben lúc sinh thời nói về niềm mong mỏi ngày tập nhạc được xuất bản, tôi hiểu nỗi đau đáu của bà với đứa con tinh thần ấy. Nhưng vì nhiều lý do, trong đó lớn nhất là kinh phí nên tập nhạc chưa thể ra mắt đông đảo công chúng. Và giờ đây, di nguyện của bà đã được thực hiện.
Trao đổi cùng chúng tôi, bà Bùi Thị Thắm-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Văn nghệ quần chúng (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) cho hay: Từ nguồn kinh phí hoạt động năm 2021, Phòng đã đề xuất Ban Giám đốc Nhà hát cân đối khoảng 90 triệu đồng để chỉnh lý, xuất bản tập nhạc này ngay trong năm nay. Với tiền đề này, đơn vị cũng đề xuất tổ chức đêm nhạc biểu diễn những bài dân ca do cố nghệ sĩ H’Ben sưu tầm. Chưa hết, đơn vị còn có kế hoạch mở những lớp truyền dạy hát dân ca tại các thôn, làng nhằm duy trì bản sắc văn hóa các dân tộc. “Biết là có nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức”-bà Thắm nêu quyết tâm.
Ông Nguyễn Khắc Phú-Trưởng đoàn nghệ thuật Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San-“học trò ruột” của cố nghệ sĩ H’Ben-nhiệt tình ủng hộ việc ra mắt tập nhạc trên. Ông chia sẻ: “Tôi ủng hộ cả 2 tay đối với dự án này. Việc trước tiên là chúng tôi về lại nhà cô H’Ben để tìm lại bản thảo gốc của tập nhạc, sau đó chỉnh lý, xuất bản. Theo tôi, đây là việc làm vô cùng ý nghĩa, là sự tri ân đối với một nghệ sĩ đã đóng góp công sức rất lớn trong việc sưu tầm, bảo tồn dân ca các dân tộc trên địa bàn”.
Vậy là, đúng như mong ước của cố nghệ sĩ H’Ben, những bài dân ca mà bà sưu tầm có chỗ đứng nhất định chứ không “mất đi theo thời gian”. Giờ đây, khi viết những dòng này, tôi vẫn chưa thể quên những lời hát dịu dàng, lãng mạn trong một bài dân ca từng được bà cất lên bằng giọng hát không tuổi: “Đừng quên chiếc nhẫn chúng ta đã trao cho nhau, đừng quên chiếc vòng chúng ta hẹn hò”. Nghệ sĩ H’Ben chấm dứt cuộc hẹn hò với cuộc sống này đã hơn 3 năm, nhưng hương hồn bà hẳn sẽ vui lắm khi biết rằng: “Trăm năm còn lại chút này…”.
PHƯƠNG DUYÊN