Kinh tế

Nông nghiệp

Hbông gặp khó trong quản lý, bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- So với các địa phương khác, diện tích rừng và đất rừng do UBND xã Hbông (huyện Chư Sê) quản lý, bảo vệ là không lớn. Tuy nhiên, do địa bàn xa xôi, cách trở nên công tác này gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Xã Hbông được UBND huyện Chư Sê giao quản lý, bảo vệ hơn 3.891,12 ha rừng và đất rừng phòng hộ, trong đó diện tích rừng khoảng 2.100 ha phân bổ tại 7 tiểu khu.

Từ khi tiếp nhận, công tác quản lý, bảo vệ rừng của xã Hbông gặp nhiều khó khăn bởi phần lớn là rừng khộp đang tái sinh, mùa khô rất dễ cháy, diện tích rừng khu vực núi Cheng Leng địa hình chia cắt phức tạp nằm đan xen với diện tích đất sản xuất của người dân các huyện Ia Pa, Phú Thiện. Trong khi đó, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của xã chủ yếu là dân quân và Công an viên chưa qua đào tạo, không có chuyên môn về quản lý, bảo vệ rừng. Khi phát hiện vi phạm thì không đủ thẩm quyền xử lý, chủ yếu là tuyên truyền, vận động. Theo thống kê, trong 2 năm 2021-2022, tại khu vực núi Cheng Leng đã xảy ra 5 vụ xâm lấn, hủy hoại tài nguyên rừng với diện tích lên đến hàng chục héc ta.

Lực lượng dân quân tự vệ xã Hbông (huyện Chư Sê) tuần tra bảo vệ rừng tại khu vực núi Cheng Leng. Ảnh: Nguyễn Diệp

Lực lượng dân quân tự vệ xã Hbông (huyện Chư Sê) tuần tra bảo vệ rừng tại khu vực núi Cheng Leng. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Nguyễn Văn Vinh-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Hbông-chia sẻ: Khó khăn đầu tiên là mỗi lần tuần tra, lực lượng chức năng của xã phải thuê thuyền hoặc nhờ thuyền đánh cá của người dân đi qua lòng hồ Ayun Hạ. Nếu không thuê được thuyền hoặc nhờ thuyền đánh cá của người dân thì cán bộ tuần tra bảo vệ rừng phải đi đường vòng xuống huyện Phú Thiện vào Ia Pa mới vào rừng được. Bên cạnh đó, người dân canh tác chủ yếu ở 3 huyện Ia Pa, Phú Thiện và Mang Yang nên việc quản lý gặp khó. Mỗi đợt tuần tra phải có ít nhất từ 5 người trở lên mới đảm bảo an toàn. Đặc biệt, vì không có nhà ở, nước sinh hoạt, điện thắp sáng nên đối diện với nguy hiểm nếu ở lại qua đêm. “Nếu xảy ra xâm lấn, hủy hoại đất rừng hoặc cháy rừng thì từ trung tâm xã Hbông, lực lượng chức năng đến được nơi xảy ra sự vụ cũng mất gần 3 tiếng đồng hồ. Vì vậy, chúng tôi mong các cấp, ngành giao lại diện tích rừng tại núi Cheng Leng cho các xã khu vực ở gần hoặc một đơn vị có chức năng quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách”-ông Vinh bộc bạch.

Còn theo ông Bùi Văn Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Hbông: Xã không có cán bộ chuyên môn, chuyên trách mà chủ yếu lực lượng dân quân, Công an xã, cán bộ chuyên trách cùng kiểm lâm địa bàn thực hiện tuần tra, kiểm soát. Khó khăn nhất hiện nay là rừng và đất rừng tại núi Cheng Leng thuộc khu vực lòng chảo, không nhà ở, không điện thắp sáng, không có nước sinh hoạt, đường đồi dốc khó đi, phương tiện, công cụ hỗ trợ, thiết bị đo đạc cũng không, chỗ ăn ở phải nhờ lán trại của người dân. Hàng năm, xã lập kế hoạch cho các lực lượng thường xuyên phối hợp tuần tra; hàng tuần đều trao đổi giữa UBND xã, kiểm lâm địa bàn, cán bộ địa chính tuyên truyền bà con không chiếm đất rừng.

Lực lượng Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê phối hợp xã Hbông tuần tra rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp

Lực lượng Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê phối hợp xã Hbông tuần tra rừng. Ảnh: Nguyễn Diệp

Dù vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn do rừng và đất rừng nằm đan xen một số diện tích đất nông nghiệp của người dân đã được bóc tách ra khỏi 3 loại rừng hiện đang trồng bắp, mì, bí… rất dễ xảy ra cháy. Bên cạnh đó, đa số người dân canh tác nương rẫy chủ yếu ở các huyện Mang Yang, Ia Pa và Phú Thiện nên khó tiếp xúc tuyên truyền, vận động. “Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh chuyển diện tích rừng ở núi Cheng Leng giao cho đơn vị có chức năng nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn”-Phó Chủ tịch UBND xã Hbông nói.

Trao đổi với P.V, ông Thái Thượng Hải-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê-cho hay: “Khoảng 2 năm trở lại đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở xã Hbông gặp nhiều khó khăn. Nhằm khắc phục tình trạng này, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tham mưu giúp UBND huyện có kế hoạch trình các cấp thẩm quyền giao lại diện tích rừng cho các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ phù hợp với Luật Lâm nghiệp để bảo vệ phát triển rừng theo hướng bền vững”.

Có thể bạn quan tâm