Kinh tế

Giá cả thị trường

Hé lộ danh mục cổ phần hóa và thoái vốn đến 2020

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
 
Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ ngành, địa phương. 
Theo danh mục trên, tổng số doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2019 - 2020 là 93 doanh nghiệp; trong đó, có 4 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn trở lên sau khi cổ phần hóa, 62 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50 đến dưới 65% và 27 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% cổ phần hoặc Nhà nước không nắm giữ cổ phần.
Trong danh sách 4 doanh nghiệp có tỷ lệ vốn sở hữu nhà nước trên 65% sau cổ phần hóa có những cái tên đáng chú ý như Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam - Công ty mẹ và Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Còn trong danh sách 62 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% cổ phần có tên 4 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - Công ty mẹ và Tập đoàn Hóa chất - công ty mẹ. Danh sách này giữ nguyên 11 doanh nghiệp thuộc Hà Nội và tăng thêm 2 doanh nghiệp thuộc TP.HCM, đưa số doanh nghiệp trực thuộc quản lý của TP.HCM lên con số 36.
Trong danh sách 27 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, có 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương, 1 doanh nghiệp thuộc Bộ Khoa học công nghệ, 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Y tế. Ngoài ra, có 2 doanh nghiệp thuộc SCIC.
Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) thuộc Bộ Xây dựng cũng có tên trong danh sách này. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có 2 doanh nghiệp là Tổng công ty Phát điện 1 và Tổng công ty Phát điện 2. Hà Nội và TP.HCM đều “đóng góp” 2 doanh nghiệp, trong đó đáng chú ý có Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn trực thuộc TP.HCM và Tổng công ty Du lịch Hà Nội thuộc TP. Hà Nội.
Đối với đề xuất của Bộ Công thương và Bộ Thông tin Truyền thông về chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện sang SCIC để đơn vị này thực hiện phương án cổ phần hóa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp đề nghị các bộ tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp và thực hiện cổ phần hóa đến khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao.
Cũng theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch của năm 2017, 2018, các bộ, địa phương và doanh nghiệp đã có những bước chuẩn bị từ giai đoạn 2017 - 2018, do vậy, việc đưa các doanh nghiệp được kéo dài lộ trình thực hiện sáng 2019-2020 là có cơ sở và thực sự khả thi.
Liên quan danh mục thoái vốn, theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp thuộc đối tượng các bộ, địa phương tiếp tục thực hiện thoái vốn hoặc giữ lại thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại 72 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước, môi trường đô thị, công viên cây xanh, chiếu sáng đô thị, phân phối thuốc hoặc có vai trò quan trọng trong phát triển ngành kinh tế địa phương, an sinh xã hội…
Tổng hợp danh sách 72 doanh nghiệp này cùng với các doanh nghiệp còn lại phải thực hiện thoái vốn năm 2019, 2020 tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg, trong giai đoạn 2019 - 2020, cả nước sẽ có 134 doanh nghiệp thuộc các bộ ngành và địa phương phải thực hiện thoái vốn. Trong đó, đối tượng chuyển giao về SCIC là 94 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đề xuất thực hiện theo Quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ là 17.   
Hiếu Minh (ĐTCK)

Có thể bạn quan tâm