Thời sự - Bình luận

Hệ lụy từ 'sống ảo'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội (Facebook, TikTok…) liên tiếp xuất hiện hình ảnh, clip về những hành vi phản cảm như đỗ ô tô, trải thảm giữa quốc lộ dàn hàng nhảy múa, tập yoga…, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, gây bức xúc dư luận.
Nhóm phụ nữ đang nằm tập yoga ngay giữa đường nhánh Quốc lộ 37 (ảnh cắt từ Facebook).

Nhóm phụ nữ đang nằm tập yoga ngay giữa đường nhánh Quốc lộ 37 (ảnh cắt từ Facebook).

Ngày 17/5, trên mạng xã hội xuất hiện bức ảnh nhóm hơn chục phụ nữ mặc đồ tập thể thao trải bạt giữa đường rồi nằm cụm chân, hướng đầu ra phía ngoài, trong lúc các phương tiện đang lưu thông. Địa điểm mà nhóm phụ nữ nằm tập được xác định là Quốc lộ 37, đoạn qua địa bàn thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Cũng tại địa bàn huyện Kiến Xương, trên mạng xã hội còn xuất hiện clip gồm 6 phụ nữ mặc áo đỏ, quần đen trải thảm ra đường rồi thản nhiên tập thể dục để người khác quay clip.

Chưa hết, ngày 17/5, tại Ninh Gia, Đức Trọng (Lâm Đồng, một nhóm phụ nữ đỗ ô tô chiếm hẳn một làn đường rồi dàn hàng nhảy múa, quay video, gây cản trở giao thông. Sự việc diễn ra trên tuyến đường hai chiều, mỗi bên chỉ dành cho một làn xe nên buộc các xe đi phía sau phải dừng lại, vì làn ngược chiều nhiều phương tiện khác đang lưu thông.

Cũng ngày 17/5, ô tô chở 4 người do một phụ nữ điều khiển đi vào khu du lịch hồ Tuyền Lâm (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) để tham quan. Trên đường đi, người phụ nữ đã dừng ô tô ở đoạn có nhiều hoa phượng để chụp ảnh. Chưa dừng ở đó, nhóm phụ nữ còn bật loa phát nhạc và thản nhiên nhảy múa trên đường. Người phụ nữ điều khiển phương tiện cho biết, do không thấy biển cấm dừng xe trên đường, nên mới có những vi phạm nêu trên.

Còn rất nhiều video, ảnh chụp liên quan đến tập yoga, tập thể dục giữa lòng đường được đưa lên mạng xã hội với mục đích "câu view". Những hành động nêu trên bị nhiều người lên án vì tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho chính họ và những người tham gia giao thông.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện clip một đoàn xe sang rước dâu dừng giữa đường, đoạn qua địa bàn huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương để cô dâu, chú rể xuống quay phim, chụp ảnh. Sự việc khiến nhiều phương tiện đang lưu thông phải dừng lại, gây ùn tắc giao thông tại khu vực ngã ba giao nhau giữa Quốc lộ 38B và đường trục Bắc - Nam.

Theo cơ quan công an, tranh thủ đám cưới của một nhân viên cũ, có nhiều xe sang tham gia rước dâu, Phạm Đức Hải (còn gọi là “Hải Idol”, sinh năm 1996, trú tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã tranh thủ quay clip rồi đăng lên tài khoản cá nhân trên các kênh mạng xã hội. Hành vi này nhằm đánh bóng tên tuổi, tăng lượng người theo dõi và tương tác trên các kênh bán hàng của Hải.

Đối tượng Phạm Đức Hải tại cơ quan công an. Ảnh: Văn Tú/TTXVN

Đối tượng Phạm Đức Hải tại cơ quan công an. Ảnh: Văn Tú/TTXVN

Với vi phạm trên, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Đức Hải và Vương Đình Trường (sinh năm 2004, trú tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại Khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Đây cũng là bài học đắt giá cho những người thường đề cao lối “sống ảo” mà coi thường kỷ cương, pháp luật.

Những vụ việc trên cho thấy lối “sống ảo” không còn là hành vi đơn lẻ, mà trở thành một trào lưu độc hại và được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội. Đáng báo động, những trò “câu view” thiếu ý thức này lại đang được "khích lệ" trên một số nền tảng, nhất là trên Tik Tok và liên tục hiển thị tới người sử dụng mạng xã hội.

Có thể thấy, đối tượng tham gia trào lưu “sống ảo” rất đa dạng, cả người lớn tuổi, người trẻ tuổi, với nhiều thành phần xã hội, đối tượng khác nhau. Với họ, bất kể chỗ nào cũng có thể trở thành địa điểm để họ thể hiện. Đáng lên án, những hành động phản cảm, vô ý thức lại nhận được sự hưởng ứng của một bộ phận người sử dụng mạng internet.

Từ những vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến lối “sống ảo”, trào lưu "câu like” trên mạng xã hội xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây đã đặt ra vấn đề: Nếu không xử lý kiên quyết vi phạm, xem nhẹ công tác giáo dục đạo đức, lối sống, và thiếu định hướng trong sử dụng mạng xã hội của một bộ phận cư dân, sẽ là một hệ lụy lớn cho xã hội.

Có thể bạn quan tâm