Kinh tế

Nông nghiệp

Hiện thực hóa "giấc mơ sâm"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh sẽ hiện thực hóa giấc mơ đưa sâm Việt ra thế giới, giúp tạo nhiều sản phẩm từ sâm để ai cũng có thể sử dụng.

Ngày 9-6, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi 13 bộ, ngành và UBND tỉnh Kon Tum đề nghị nghiên cứu, cho ý kiến về dự thảo Chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh (sâm NL) giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, do UBND tỉnh Quảng Nam trình. Các bộ, ngành và tỉnh Kon Tum có trách nhiệm đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển sâm NL, gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 30-6 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Xuất khẩu 500 - 1.000 tấn

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, sâm NL là loại sâm quý thuộc họ nhân sâm, còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu 5, cây thuốc giấu… Đây là loài sâm đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế cao, được xếp hạng 1 trong 5 cây sâm quý nhất trên thế giới (cùng sâm Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Triều Tiên).

Theo ghi nhận của Bộ Y tế, sâm NL có 52 loại saponin, trong đó có 26 loại chưa được xác định. Trong khi hồng sâm của Hàn Quốc và Triều Tiên là 2 loại sâm thượng hạng trên thế giới nhưng chỉ chứa khoảng 25 loại saponin (sâm tươi) hoặc 32 loại saponin (sâm khô) khác nhau. Bằng chứng khoa học cho thấy giá trị sử dụng của sâm Việt Nam có tác dụng cao hơn so với các sản phẩm sâm đang lưu hành trên thị trường thế giới cũng như nhập khẩu Việt Nam.


 

Sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng nên việc mở rộng diện tích đồng nghĩa với giữ rừng
Sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng nên việc mở rộng diện tích đồng nghĩa với giữ rừng



Nhận thức được tầm quan trọng trên, năm 2015, Chính phủ thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm NL đến năm 2030. Cây sâm NL cũng đã được Thủ tướng phê duyệt là sản phẩm quốc gia, là "Quốc bảo". Tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã đưa ra nhiều chủ trương, cơ chế chính sách để bảo tồn, phát triển cây sâm NL.

Hiện nay, diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm NL tại Quảng Nam khoảng 16.000 ha, đã trồng gần 10.000 ha; gần 20 doanh nghiệp ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm NL. Tại Kon Tum, vùng chỉ dẫn địa lý sâm củ NL trải dài trên 9 xã của 2 huyện Tu Mơ Rông và Đắk Glei với diện tích gần 17.000 ha. Tỉnh này cũng quy hoạch trên 31.700 ha diện tích trồng sâm NL, cho 10 doanh nghiệp thuê đất rừng để thực hiện các dự án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu…

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển cây sâm và sản phẩm từ sâm NL chưa nằm trong một kế hoạch tổng thể, chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực. Trên thực tế, hiện cây sâm NL chỉ được trồng tại 3 huyện ở Kon Tum và Quảng Nam. Củ, lá chủ yếu để ngâm rượu, ngâm mật ong, các sản phẩm liên quan chưa nhiều, giá thành đắt đỏ, chỉ người giàu mới có điều kiện sử dụng. Ngoài ra, nạn sâm giả đang cản bước tiến của cây sâm NL. Do vậy, xây dựng, thực hiện Chương trình quốc gia phát triển sâm NL giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 là rất cần thiết.

Trong dự thảo kèm tờ trình gửi Thủ tướng, UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất phát triển sâm NL thành ngành công nghiệp sản xuất đạt thương hiệu sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam, đưa ngành sản xuất và chế biến sâm Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cao phát triển. Đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm có thể cạnh tranh ngang bằng với ngành sản xuất sâm của Hàn Quốc, hằng năm sản xuất được từ 500-1.000 tấn. Gìn giữ, bảo tồn 750.000 ha rừng tự nhiên (chủ yếu là rừng phòng hộ, đặc dụng), trồng thêm hơn 1,25 triệu ha rừng, nâng độ che phủ rừng lên 65% vào năm 2045…

Phát triển từng giai đoạn

Để hiện thực hóa giấc mơ sâm Việt, tỉnh Quảng Nam đưa ra lộ trình phát triển theo từng giai đoạn. Trong đó, quan trọng nhất là từ nay đến năm 2025, tập trung phát triển vùng sản xuất và cung ứng giống sâm NL tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, bảo đảm cho chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Ngoài đầu tư nâng cấp các trại giống, cơ sở nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, tỉnh Quảng Nam đề xuất di thực, mở rộng vùng trồng sâm NL tại 122 huyện nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn quốc, nơi có độ cao trên 1.000 m so mực nước biển.

Tới năm 2025, thu hút từ 50-60 tổ chức đầu tư phát triển sâm giống và nhà máy chế biến các sản phẩm sâm NL. Tạo ra các sản phẩm như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm, các loại dược liệu khác… Xây dựng, vận hành hệ thống kiểm soát chất lượng sâm NL từ khâu sản xuất giống, sản xuất nguyên liệu đến tiêu thụ, xuất khẩu để triệt tiêu vấn nạn sâm giả. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa, du lịch gắn với vùng sâm NL. Hằng năm thu hút 70.000-80.000 lượt người đến nghiên cứu, mua sắm và tham quan du lịch vùng sâm NL.

Đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam trở thành trung tâm giống sâm NL quốc gia, hằng năm sản xuất 5-10 triệu cây giống (trong đó trên 50% là cây giống sản xuất từ phương pháp nuôi cấy mô) để cung cấp cho thị trường; trở thành trung tâm kiểm định chất lượng giống, sâm củ và các sản phẩm từ sâm của quốc gia. Có 50-100 doanh nghiệp đầu tư trồng sâm, dược liệu và chế biến sản phẩm; đón từ 5-10 triệu lượt khách đến tham quan vùng sâm; thu nhập bình quân đầu người từ 3.000-4.000 USD/năm; có 50-100 sản phẩm từ sâm NL xuất khẩu thị trường nước ngoài...

Trong dự thảo trình Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra nhiều giải pháp cũng như tham mưu nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện Chương trình quốc gia phát triển sâm NL. Trong đó, tỉnh Quảng Nam đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm đưa cây sâm NL ra khỏi danh mục loài thực vật quý hiếm, nguy cấp.

 


Khẳng định chất lượng

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định chất lượng sâm NL là không ai bàn cãi. Nhờ sâm NL, nhiều hộ ở huyện Nam Trà My trở thành tỉ phú. Tuy nhiên, phải làm sao để mọi nhà, mọi người đều có thể sử dụng sản phẩm từ sâm NL, sản phẩm được cả thế giới công nhận và sử dụng, để nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo và làm giàu từ sâm NL...

"Chúng ta có một loại sâm thuộc hàng tốt nhất thế giới nhưng đáng tiếc hiện chỉ người giàu mới có điều kiện sử dụng. Khi chúng ta di thực thành công, tạo ra vùng nguyên liệu dồi dào, sản xuất ra nhiều sản phẩm từ cây sâm NL, không chỉ mọi người đều có thể sử dụng, xuất khẩu ra nước ngoài, giúp phát triển kinh tế mà còn giữ và phát triển rừng bền vững" - ông Hồ Quang Bửu phân tích.


Bài và ảnh: TRẦN THƯỜNG
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm