Kinh tế

Giá cả thị trường

Hiệp định RCEP mở ra cơ hội xuất khẩu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Gia Lai tăng tốc xuất khẩu vào thị trường những nước thành viên.
Cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu
Hiệp định RCEP được 10 nước thành viên ASEAN ký kết với các nước đối tác gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand. Theo đánh giá, hiệp định này sẽ tạo thành một khu vực thương mại tự do với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu. Đây là thị trường mà Việt Nam đạt 25-30% tổng kim ngạch xuất khẩu và chiếm gần 70% tổng kim ngạch nhập khẩu. 
Gia Lai hiện có khoảng 98.000 ha cà phê với sản lượng hơn 257.000 tấn; 13.000 ha hồ tiêu, sản lượng gần 50.000 tấn; 88.000 ha cao su với sản lượng mủ khô hơn 117.000 tấn; mì hơn 78.000 ha, sản lượng đạt trên 1,5 triệu tấn; 21.000 ha cây ăn quả các loại và nhiều loại nông sản khác là nguồn nguyên liệu phong phú cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Toàn tỉnh có khoảng 231.000 ha cây trồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với 81 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác, trên 11.862 hộ nông dân và 42 doanh nghiệp. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: cà phê, cao su, mì lát, trái cây, hạt tiêu, sản phẩm gỗ… đã có mặt trên thị trường của hơn 40 quốc gia, trong đó, thị trường châu Á chiếm khoảng 30%.
Hiệp định RCEP mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Ảnh: Vũ Thảo
Hiệp định RCEP mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Ảnh: Vũ Thảo
Trong số hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh thì hầu hết đã tham gia vào thị trường các nước thành viên của Hiệp định RCEP. Vì vậy, việc thực thi hiệp định này với những cam kết thuận lợi cho doanh nghiệp sẽ là đòn bẩy giúp tăng trưởng kim ngạch ở các nước tham gia ký kết. Ông Phạm Trung Thành-Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ Gia Lai-cho biết: “Trong 5 tháng đầu năm nay, sản lượng hạt tiêu, cà phê nhân, điều nhân của Công ty đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 4 triệu USD. Tuy nhiên, đối với thị trường các nước thành viên Hiệp định RCEP thì sản lượng và kim ngạch chưa đạt nhiều. Việc thực thi Hiệp định RCEP sẽ tạo thuận lợi về mặt thủ tục hải quan, ưu đãi thuế quan, phí, giúp đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Hiện nay, Philippines, Myanmar, Malaysia, Indonesia là thị trường tương đối dễ tính; trong khi đó, Nhật Bản thì rất khó tính, đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Do đó, để thâm nhập thị trường này, doanh nghiệp cần hoàn thiện rất nhiều thứ”.
Còn bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) thì cho hay: Hiện nay, hoạt động xuất khẩu của Hợp tác xã chủ yếu là ủy thác qua một doanh nghiệp để làm các thủ tục khai hải quan. Hợp tác xã xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc với sản lượng trung bình mỗi tháng khoảng 100 tấn sản phẩm ruột chanh dây cấp đông. Hiện thị trường Singapore đã có đối tác tham khảo, tìm hiểu về sản phẩm trái chanh dây cấp đông của chúng tôi để ký kết hợp đồng. “Một tin vui nữa là dự kiến trong tháng 7 tới, đối tác ở New Zealand sẽ làm việc với chúng tôi về trồng và cung cấp chanh dây cho họ. Nếu xuất hàng sang được 2 thị trường mới này thì sản lượng tiêu thụ sẽ khá lớn”-bà Thơm thông tin. 
Tạo thị trường lớn
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Đào Thị Thu Nguyệt: Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 sẽ là một trong những nhân tố đẩy mạnh hoạt động xuất-nhập khẩu, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức khác nếu muốn có được thị phần, bao gồm hàng rào phi thuế quan như: hàng rào kỹ thuật (TBT), các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, tự vệ...).
Đặc biệt, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và có truyền thống sử dụng các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ thị trường trong nước. “Do đó, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao hiểu biết, năng lực sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời trang bị kiến thức liên quan để có được lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, việc hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tiếp cận với các cam kết của Việt Nam tại Hiệp định RCEP hiểu và vận dụng theo hướng có lợi nhất nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường là vấn đề hết sức quan trọng”-bà Nguyệt thông tin.
Nhà máy chế biến của Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo
Nhà máy chế biến của Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Diễn-chuyên gia hội nhập kinh tế quốc tế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-Chi nhánh Đà Nẵng-cho biết: Hiệp định RCEP có một điều rất quan trọng đó là tập trung vào việc thống nhất quy tắc xuất xứ. Trước đây, các FTA ASEAN+ mỗi nước sẽ áp dụng các quy tắc xuất xứ khác nhau, trong khi Hiệp định RCEP có chung một quy tắc xuất xứ nên đỡ phức tạp cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Gia Lai có nhiều loại nông sản xuất khẩu có thể đáp ứng được yêu cầu của các nước. Việc tạo thuận lợi về hải quan, quy tắc xuất xứ, thủ tục, cộng với vận chuyển gần sẽ là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Nhằm tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp Gia Lai cần tìm hiểu những điều cơ bản của hiệp định để biến những nguồn lực của mình tạo ra sản phẩm có thể xuất đi và chọn những sản phẩm nào để nhập khẩu về cung cấp cho thị trường trong nước. Để tạo ra nguồn nông sản lớn có thể thâm nhập vào các thị trường thì rất cần có những doanh nghiệp đầu đàn trong từng ngành hàng. Vì những doanh nghiệp này mới có nguồn lực, quy mô và khả năng tạo ra nguồn hàng lớn, đảm bảo về chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Còn các hợp tác xã sẽ là vệ tinh để xây dựng nguồn nguyên liệu cung ứng cho doanh nghiệp”-ông Diễn nhấn mạnh.
VŨ THẢO
 

Có thể bạn quan tâm