Sống trẻ - Sống đẹp

Sống đẹp

'Hiệp sĩ bóng đêm' ở Thủ Dầu Một

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc đến giờ làm việc của Lê Anh Tuấn, chàng trai đã thực hiện hơn 1.000 chuyến xe cứu thương miễn phí ở TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, trong hơn 5 năm qua.

Không trọn giấc ngủ nhưng trọn tấm lòng

Lê Anh Tuấn sinh năm 1997 tại P.Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một), là con một của vợ chồng ông Lê Trung Tư và bà Lê Thị Phương Mai. Học hết lớp 8, Tuấn ở nhà phụ bố mẹ bán rau. Cái nghiệp đưa nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) vào bệnh viện bắt đầu với anh vào một đêm khuya cuối năm 2018.

Tuấn chia sẻ vì đặc thù công việc bán rau nên hằng ngày anh dậy từ 2 giờ sáng, lái xe ô tô đi lấy rau ở chợ đầu mối, sau đó mang về chợ cho bố mẹ bán lẻ. Rạng sáng hôm đó, Tuấn chứng kiến một vụ TNGT, nạn nhân ngã ra đường còn người gây tai nạn đã bỏ chạy. Trên đường không một bóng người, Tuấn dừng xe lại và nghĩ rằng nếu không đưa nạn nhân vào bệnh viện ngay thì có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Anh liền khẩn trương đưa nạn nhân lên xe chở rau rồi chạy thẳng vào bệnh viện để các bác sĩ cấp cứu.

Lê Anh Tuấn đã thực hiện hơn 1.000 chuyến xe vận chuyển nạn nhân TNGT miễn phí trong hơn 5 năm qua. Tác giả cung cấp

Lê Anh Tuấn đã thực hiện hơn 1.000 chuyến xe vận chuyển nạn nhân TNGT miễn phí trong hơn 5 năm qua. Tác giả cung cấp

Thỉnh thoảng thấy con cứ đi lấy rau về muộn, trên người vã mồ hôi, mẹ Tuấn sinh nghi gặng hỏi thì Tuấn giấu không cho mẹ biết vừa đi chở nạn nhân vào bệnh viện. Mãi đến khi chở được chục chuyến thì cô Mai (mẹ Tuấn) mới phát hiện xe ô tô dính máu. Biết không giấu được mẹ, Tuấn mới đem chuyện kể lại với bố mẹ. Ban đầu, bố mẹ anh khuyên con đừng lo chuyện bao đồng, nhỡ đâu bị vạ oan rằng mình là người gây tai nạn hoặc không có kỹ năng sơ cứu có thể làm nạn nhân chấn thương nặng hơn.

Tuy nhiên, Tuấn không thể làm theo lời khuyên của bố mẹ vì mỗi khi gặp người TNGT trên đường mà không trợ giúp, anh cảm thấy lương tâm rất cắn rứt. Để không làm chấn thương của nạn nhân nặng hơn do không biết cách sơ cứu, Tuấn đã tự học hỏi kỹ năng sơ cứu nạn nhân TNGT và bắt đầu nghiệp cứu người đêm khuya.

Từ khi thấy con trai làm việc "vác tù và hàng tổng", chú Tư rất lo lắng nhưng cũng rất hạnh phúc vì Tuấn đã thay đổi tính nết, biết yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ cộng đồng. Chú kể trước kia, Tuấn cũng ham chơi, thích giao du bạn bè và hay về khuya khiến vợ chồng chú rất lo lắng.

Lê Anh Tuấn chủ yếu cứu hộ cứu nạn về đêm. Tác giả cung cấp

Lê Anh Tuấn chủ yếu cứu hộ cứu nạn về đêm. Tác giả cung cấp

"Chúng tôi đã mất một con gái 15 tuổi vì bạo bệnh nên mọi hy vọng giờ chỉ trông cậy vào Tuấn, nhỡ đâu có chuyện gì thì có lẽ chúng tôi không sống nổi. Nhưng từ khi lái xe cứu thương, Tuấn chỉ tập trung vào công việc, thậm chí tháng 8.2019, Tuấn còn dành hơn 100 triệu đồng tiền tiết kiệm để mua một chiếc xe cũ 16 chỗ, trang bị thiết bị y tế như đèn ưu tiên, cáng, nẹp, bông băng thuốc đỏ để hỗ trợ nạn nhân xuyên đêm một cách khẩn trương, an toàn nhất", chú Tư cho biết.

Hít thật sâu khi nghe điện thoại

Ngoài chiếc xe cứu thương thì điện thoại gần như là vật bất ly thân với Tuấn và lúc nào cũng trong tình trạng pin bền, sóng khỏe. Tuấn công khai số điện thoại (0971.0971.31) trên mạng xã hội, trên thân xe và một vài nơi công cộng để mọi người gọi khi cần đến và đều ghi rất rõ "chuyến xe cứu thương miễn phí". Cũng có lần nạn nhân ngỏ ý gửi Tuấn chút tiền cảm ơn nhưng anh kiên quyết từ chối. Với Tuấn, nạn nhân qua cơn nguy hiểm là điều hạnh phúc nhất chứ anh không màng danh lợi hay muốn họ hàm ơn.

Lê Anh Tuấn (thứ 2 từ phải sang) nhận giải thưởng Thanh niên Sống đẹp 2023. Tác giả cung cấp
Lê Anh Tuấn (thứ 2 từ phải sang) nhận giải thưởng Thanh niên Sống đẹp 2023. Tác giả cung cấp

Mỗi lần có số điện thoại lạ gọi đến, Tuấn đều hít thật sâu trước khi bấm máy nghe, bởi Tuấn biết hầu hết các cuộc điện thoại từ số lạ đều nhờ trợ giúp đưa nạn nhân TNGT vào bệnh viện. Để tránh bị người nhà nạn nhân hiểu lầm là người gây ra tai nạn hoặc có hành vi hôi của, khi đến hiện trường Tuấn đều livestream suốt hành trình trợ giúp nạn nhân. Khi đưa nạn nhân đến bệnh viện, liên hệ được với người nhà, Tuấn lẳng lặng ra về trong đêm.

Suốt hơn 5 năm lái xe cứu thương về đêm, nhiều người gọi Tuấn là "Hiệp sĩ bóng đêm" hay người "từ chối giấc ngủ". Đồng hành với Tuấn còn có bố mẹ, bạn gái và hiện giờ là vợ con.

Thậm chí, để tiện cho việc cứu thương đảm bảo nhanh nhất, không để nạn nhân cầu cứu mà không được trợ giúp, Tuấn còn biến chiếc ô tô cứu thương trở thành phương tiện đi lại chính, kể cả khi đi chơi cùng bạn gái, Tuấn cũng chở cô bằng xe cứu thương để nhỡ khi có người gọi trợ giúp thì di chuyển luôn, không phải vòng về nhà lấy xe tốn thêm thời gian.

Chú Tư cho biết nhiều hôm đã khuya cả nhà đang ngủ, Tuấn nhận được điện thoại liền bật dậy đánh xe ra thì vợ chồng chú cũng dậy theo, hỗ trợ con mở cửa, chuẩn bị đồ đạc rồi lại thức trông ngóng con đến lúc về nhà an toàn. Cả gia đình đều ủng hộ Tuấn, chỉ mong anh đi cứu nạn được an toàn.

Trong đợt dịch Covid-19, Tuấn còn đi cứu hộ tận TP.HCM. "Nạn nhân gặp mâu thuẫn, ẩu đả và bị một tài xế chặt đứt bàn tay. Tôi nhận được thông tin và nhanh chóng đến hiện trường. Tuy nhiên, do cách ly xã hội nên tôi phải đi qua tới chục chốt kiểm dịch, cuối cùng cũng đến được nơi và đưa chú vào bệnh viện nối tay. Lúc đó tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc", Tuấn kể.

Anh Phan Văn Nhã, người từng được Tuấn giúp đỡ 2 lần, chia sẻ: "Hôm đó tôi đi dự tiệc cuối năm của công ty và uống quá chén nên khi về nhà lúc 12 giờ đêm có dấu hiệu say xỉn. Trên đường về tôi đã đâm thẳng vào tường, bất tỉnh. Rất may Tuấn đã xuất hiện và đưa tôi đến bệnh viện. Tôi rất biết ơn Tuấn, nếu không có em đến giúp có lẽ tôi đã mất mạng hôm đó rồi".

Hơn 5 năm trời chẳng có giấc ngủ trọn vẹn nhưng Tuấn khẳng định sẽ tiếp tục làm công việc lái xe cứu thương thiện nguyện đến khi nào sức khỏe không còn cho phép. Đã không ít đêm Tuấn thực hiện liên tiếp 2 - 3 chuyến đưa nạn nhân vào bệnh viện lấy trọn đi cả một giấc ngủ khiến đôi mắt thêm thâm quầng, khuôn mặt hốc hác đi nhưng anh vẫn không từ chối bất kỳ cuộc gọi cầu cứu nào. Với hơn 1.000 chuyến xe đã thực hiện, chàng trai ngày càng thuần thục trong cách sơ cứu, vận chuyển nạn nhân, hạn chế tối đa thương tích cho nạn nhân.

Giờ đây, khi đã kết hôn và có thêm gia đình nhỏ Tuấn vẫn không từ bỏ công việc. Ban ngày anh miệt mài đi bán rau, ban đêm trực lái xe cứu thương. Mỗi ngày, Tuấn tranh thủ ngủ vài tiếng để giữ gìn sức khỏe không bị quá tải. Tuấn bảo TNGT ban ngày thì còn có nhiều người trợ giúp, ban đêm thì rất khó nên anh lựa chọn ban đêm là thời gian chính hỗ trợ các nạn nhân. Anh cũng hy vọng mình sẽ sớm "thất nghiệp" vì như vậy ai cũng sẽ được an toàn trên cung đường, không còn TNGT nữa.

Chị Nguyễn Thanh Thảo, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bình Dương, cho biết: "Việc bạn Tuấn làm thể hiện tinh thần của tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng và góp phần lan tỏa hình ảnh thanh niên Bình Dương sống vì xã hội. Chúng tôi sẽ tuyên truyền để nhân rộng tấm gương của Tuấn trong cộng đồng". Năm 2023, Tuấn vinh dự được tặng giải thưởng Thanh niên Sống đẹp của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, đây là sự ghi nhận xứng đáng với những cống hiến của anh trong thời gian qua.

Có thể bạn quan tâm