(GLO)- Mô hình thí điểm “Chợ an toàn thực phẩm” vừa triển khai vào tháng 11-2019 tại chợ Thắng Lợi (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã được các hộ kinh doanh và người dân đồng thuận, ủng hộ. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động kinh doanh, nâng cao ý thức người dân trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 93 chợ (40 chợ thị trấn, phường và 53 chợ xã), gồm: 1 chợ hạng I, 12 chợ hạng II, 64 chợ hạng III và 16 chợ tạm với hơn 9.000 hộ kinh doanh. Trong số đó, hộ buôn bán thực phẩm chiếm khoảng 45%. Mạng lưới chợ được phân bố tới tận các xã, phường, thị trấn... đáp ứng nhu cầu cung ứng thực phẩm hàng ngày cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hầu hết các chợ là chợ hạng II, hạng III và chợ tạm nên cơ sở vật chất nhiều nơi chưa đảm bảo, vấn đề an toàn thực phẩm chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ theo quy định.
Mô hình thí điểm “Chợ an toàn thực phẩm” vừa được triển khai tại chợ Thắng Lợi (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku). Ảnh: N.Y |
Việc thực hiện mô hình thí điểm “Chợ an toàn thực phẩm” là nhu cầu cấp thiết, từ đó tiến tới nhân rộng trên toàn tỉnh. Mục tiêu là xây dựng mô hình chợ với hệ thống tiêu chí, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, đáp ứng yêu cầu văn minh thương mại, thuận tiện cho quá trình mua bán. Ông Nguyễn Đức Hưng-Trưởng phòng Quản lý công nghiệp Sở Công thương-thông tin: Mô hình thí điểm “Chợ an toàn thực phẩm” do Sở Công thương thực hiện với kinh phí trên 120 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu y tế-dân số năm 2019. Qua khảo sát, chợ Thắng Lợi được chọn thí điểm do cơ sở vật chất đã cơ bản đầy đủ, khu vực kinh doanh thực phẩm được sắp xếp ổn định. “Với kinh phí được cấp, chúng tôi hỗ trợ cải tạo, sửa chữa, xây dựng kệ xi măng, ốp gạch men sạp hàng kinh doanh thực phẩm chưa có kệ trưng bày hoặc có nhưng chưa đạt yêu cầu; đồng thời lắp biển chỉ dẫn khu vực, biển tên cho tất cả hộ kinh doanh thực phẩm tại đây. Ngoài ra còn cải tạo hệ thống cấp nước cho các hộ kinh doanh giết mổ gia cầm...”-ông Hưng cho biết.
Chợ Thắng Lợi có khoảng 20 sạp hàng kinh doanh thực phẩm, chủ yếu là thực phẩm tươi sống như: thịt gia súc, gia cầm, thủy-hải sản, các loại rau củ quả, trứng gia cầm… Ông Trần Ti Tơ-Trưởng ban Quản lý chợ Thắng Lợi-cho hay: “Khi triển khai mô hình thí điểm tại đây, chúng tôi đã phổ biến đến các hộ kinh doanh thực phẩm và tất cả đều đồng thuận phối hợp thực hiện”. Thực hiện mô hình, có 6 hộ kinh doanh được hỗ trợ, cải tạo, sửa chữa và xây dựng kệ; tất cả các sạp hàng thực phẩm đều được gắn biển tên. Bên cạnh đó, khu chợ này còn được gắn bảng nội quy, sơ đồ và cổng chào... So với trước kia, khu vực kinh doanh thực phẩm khang trang, sạch sẽ, gọn gàng hơn, người kinh doanh cũng nâng cao ý thức đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng yên tâm và thuận lợi hơn trong mua sắm.
Tích cực phối hợp trong triển khai mô hình “Chợ an toàn thực phẩm”, chị Lê Thị Thu Hằng-một tiểu thương bán rau, củ, quả tại chợ này-phấn khởi nói: “Mô hình mới mang lại nhiều lợi ích nên tôi và các hộ kinh doanh thực phẩm đều ủng hộ. Ngoài việc được phổ biến các kiến thức trong đảm bảo an toàn thực phẩm, người kinh doanh còn được hỗ trợ xây kệ trưng bày thực phẩm an toàn, đúng quy định”. Còn bà Lê Thị Mai (làng Chuét 2, phường Thắng Lợi) chia sẻ: “Ngày trước tôi hay mua thực phẩm bên ngoài chợ cho tiện. Nay vào tham quan thấy khu kinh doanh thực phẩm sạch sẽ, hàng hóa sắp xếp ngăn nắp, tạo sự tin cậy nên tôi thường vào đây để mua sắm. Tôi thấy mô hình này rất thiết thực, hiệu quả, cần nhân rộng ở các chợ khác”.
Trước đó, năm 2018, từ nguồn kinh phí của Bộ Công thương, Gia Lai cũng đã thí điểm mô hình “Chợ an toàn thực phẩm” đầu tiên tại chợ Phù Đổng (phường Phù Đổng, TP. Pleiku), mang lại nhiều tín hiệu khả quan. “Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng; xây dựng mô hình “Chợ an toàn thực phẩm” là phù hợp với nhu cầu xã hội. Trong năm 2020, căn cứ vào nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu y tế-dân số được cấp, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát và triển khai thêm các mô hình tương tự trên địa bàn tỉnh”-ông Hưng cho hay.
NHƯ Ý