(GLO)- Thời gian qua, Trường Tiểu học Chu Văn An (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện) đã tích cực triển khai mô hình bếp ăn bán trú. Nhờ sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, mô hình này đã phát huy hiệu quả thiết thực, được phụ huynh học sinh đánh giá cao.
Sau giờ học buổi sáng, hơn 150 em học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An lại tập trung về nhà ăn của trường để ăn trưa. Bữa ăn có thịt kho, canh khổ qua, trứng luộc… được bày biện hấp dẫn trong không gian sạch sẽ, ngăn nắp giúp các em đều cảm thấy rất ngon miệng. Em Nguyễn Ngọc Huỳnh Nhi (học sinh lớp 5) cho biết: “Bữa ăn ở trường ngon lắm, có canh, rau, thịt. Ngoài ra, chúng em còn được ăn vào giữa buổi chiều gồm trái cây, sữa chua nên rất thích”.
Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An ăn trưa tại trường. Ảnh: D.P |
Nhằm tăng cường thể chất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường cũng như sẻ chia khó khăn, bận rộn của phụ huynh học sinh, những năm gần đây, Trường Tiểu học Chu Văn An đã triển khai thực hiện mô hình bán trú. Theo đó, năm học 2018-2019, nhà trường tổ chức nấu ăn, bố trí chỗ nghỉ trưa cho 156 học sinh bán trú với mức thu bình quân 17.000 đồng/học sinh/ngày. Cùng với đó, nhà trường cũng đã vận động giáo viên và phụ huynh học sinh chung sức xây dựng vườn rau xanh, đáp ứng một phần nhu cầu rau xanh an toàn trong bữa ăn của các em.
Chị Trần Thị Tình-nhân viên cấp dưỡng nhà trường-cho hay: “Để bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh, chúng tôi thường xuyên tham khảo các kiến thức xây dựng bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, ký kết cung ứng thực phẩm với những cơ sở uy tín cũng như tiến hành lưu mẫu thức ăn sau khi chế biến. Tất cả vì mục tiêu phục vụ nhu cầu dinh dưỡng cho học sinh và sự an tâm của phụ huynh”.
Có con đang theo học lớp 5 tại Trường Tiểu học Chu Văn An, chị Nguyễn Thị Hồng Thúy (tổ 15, thị trấn Phú Thiện) cho biết: “Công việc của tôi rất bận nên bữa trưa không có nhiều thời gian để đón và nấu ăn cho con. Từ khi được ăn bán trú, tôi thấy cháu khỏe hơn, học tập tốt hơn. Vợ chồng tôi rất an tâm vì con mình được chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ tận tình”.
Theo cô giáo Mã Thị Mai-Hiệu trưởng nhà trường, khi triển khai mô hình bán trú, trường có nhiều thuận lợi trong việc quản lý học sinh cũng như bố trí, xây dựng các chương trình chăm sóc, nâng cao thể trạng cho các em. Điều phấn khởi nhất đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường chính là hàng ngày được thấy các em ăn, ngủ, phát triển, tiến bộ trong học tập, rèn luyện và được phụ huynh đồng thuận, đánh giá cao. “Thời gian tới, chúng tôi phấn đấu duy trì hiệu quả mô hình này trong việc xây dựng thực đơn đa dạng, phong phú, đảm bảo dinh dưỡng, bố trí chỗ nghỉ trưa thuận tiện, mát mẻ cho học sinh. Cùng với đó, căn cứ vào điều kiện thực tế, chúng tôi vận động thêm nhiều phụ huynh cho con tham gia mô hình bán trú để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường”-cô Mai nói.
DŨNG PHƯƠNG