Điểm đến Gia Lai

Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo ở Ia Rbol

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều chương trình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Những việc làm này giúp người dân nâng cao nhận thức, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Linh hoạt xây dựng các mô hình hỗ trợ

Xã Ia Rbol có 1.028 hộ, trong đó, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 98%. Cuối năm 2022, xã còn 74 hộ nghèo (chiếm 7,2%) và 90 hộ cận nghèo (chiếm 8,75%), 100% hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xã đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm tạo động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Trong đó, xã chú trọng giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm, tác động theo nhóm đối tượng và nguyên nhân nghèo; giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, đẩy mạnh chính sách hỗ trợ có điều kiện theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân đóng góp, cộng đồng giúp đỡ”. Nhờ vậy, người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Mô hình chăn nuôi dê của người dân xã Ia Rbol mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.C

Mô hình chăn nuôi dê của người dân xã Ia Rbol mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.C

Để phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp của địa phương, năm 2020, Tổ hội nghề nghiệp trồng lúa nước được thành lập gồm 10 thành viên ở buôn Rưng Ma Nin và buôn Rưng Ma Nhiu. Trên cơ sở đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã triển khai mô hình hỗ trợ giống lúa Nếp 97 cho các thành viên trong tổ theo phương thức Nhà nước hỗ trợ 70% giống, người dân đối ứng 30%. Các hộ dân tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật tư vấn quy trình gieo sạ, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, ruộng lúa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt 7,5-8 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, người dân lãi 20 triệu đồng/ha.

Từ khi tham gia mô hình, các thành viên trong tổ biết lựa chọn các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất thay thế các giống lúa cũ đã thoái hóa; đồng thời tuyên truyền, vận động bà con làm theo. Đến nay, người dân chủ động liên hệ với đại lý mua giống lúa mới, áp dụng quy trình sản xuất ICM và IPM giúp giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Các giống lúa được người dân địa phương sử dụng phổ biến hiện nay là Đài Thơm 8, OM4900, TBR97. Thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng giúp bà con tiết kiệm được công phơi sấy, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Với mong muốn giúp người dân đa dạng vật nuôi, tháng 11-2021, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 10 con dê cho 2 hộ có hoàn cảnh khó khăn để phát triển chăn nuôi. Các hộ ký cam kết chăm sóc tốt đàn vật nuôi, sau khi dê mẹ sinh sản lứa đầu tiên, dê con cứng cáp sẽ bàn giao lại để hỗ trợ gia đình khác. Sau 2 năm triển khai, đàn dê đã sinh sản. Các hộ giữ đúng cam kết bàn giao lại dê mẹ cho Hội Nông dân tỉnh.

Nhận thấy dê có khả năng tăng đàn nhanh, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của người dân địa phương, đầu năm 2023, Hội Nông dân xã thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê gồm 5 thành viên. Khi tham gia tổ hội, các thành viên có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng bệnh và phát triển đàn vật nuôi. Anh Ksor Phi Long chia sẻ: “Mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con. Qua 2 năm chăn thả, sau khi bàn giao lại 5 con dê mẹ cho Hội, tôi còn 10 con dê con. Tôi được các hộ có kinh nghiệm chia sẻ cách thức làm chuồng trại, chăm sóc, phòng bệnh. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc đàn dê thật tốt để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình”.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Rcom Phuen, qua rà soát, đánh giá hộ nghèo hàng năm, xã phát hiện nhiều trường hợp không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo, một số hộ không quá khó khăn nhưng xin được đưa vào diện hộ nghèo. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do chính sách “cho không” của Nhà nước nên ai cũng muốn được hưởng.

Để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững thì phải phát huy được nội lực của người dân, trao quyền cho người nghèo. Thay vì “cho không” như trước đây, xã triển khai chính sách cho vay mượn để nâng cao trách nhiệm của người thụ hưởng. Trên cơ sở định hướng ngành nghề phát triển sản xuất, Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động người dân tham gia các tổ hội nghề nghiệp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Từ năm 2018 đến nay, Hội đã thành lập 5 tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi và trồng trọt, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Phát huy vai trò của tổ chức hội

Cùng với việc thành lập các tổ hội nghề nghiệp, Hội Nông dân xã còn tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã cũng như nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để phát triển sản xuất. Năm 2022, ngay sau khi thành lập, 5 thành viên của Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi heo buôn Rưng Ma Nin được hỗ trợ vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã với mức lãi suất 0,7%/tháng trong 2 năm để đầu tư mua thức ăn, sửa chữa chuồng trại.

Hội cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực tận dụng tiềm năng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Căn cứ vào nguyên nhân nghèo, hộ nào thiếu kiến thức thì Hội đăng ký cho tham gia các lớp tập huấn; thiếu việc làm thì Hội kết nối tìm công việc phù hợp, vận động đi làm ăn xa; thiếu vốn vay thì Hội đứng ra tín chấp hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Hội đang quản lý 5 tổ tiết kiệm và vay vốn gồm 244 hộ vay với dư nợ 10,4 tỷ đồng.

Diện mạo các thôn, buôn ở xã Ia Rbol ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: V.C

Diện mạo các thôn, buôn ở xã Ia Rbol ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: V.C

Trong khi đó, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã triển khai nhiều mô hình giúp chị em tiết kiệm trong chi tiêu để phát triển kinh tế gia đình. Bà Nay HLi Na-Chủ tịch Hội LHPN xã-thông tin: Với vai trò “tay hòm chìa khóa”, chị em đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển kinh tế. Nếu biết tiết kiệm, chị em không chỉ chủ động được việc chi tiêu trong gia đình mà còn có thể dành dụm để thực hiện các kế hoạch khác như mua bảo hiểm y tế, mua đồ dùng, thiết bị học tập cho con cái hoặc đầu tư phát triển sản xuất.

Trong số các mô hình đang triển khai, tiêu biểu có thể kể đến mô hình “Xoay vòng góp vốn theo mùa vụ” với 6 hội viên phụ nữ buôn Rưng Ma Nin và buôn Rưng Ma Rai tham gia. Mô hình mới thành lập được 3 năm song đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Theo kế hoạch, mỗi chị tiết kiệm góp vốn 5 triệu đồng/mùa vụ. Đến nay, nhóm đã tiết kiệm được 180 triệu đồng, luân phiên cho cả 6 chị mượn không tính lãi. Nhờ đó, các chị có vốn đầu tư phát triển sản xuất, tránh phải vay “tín dụng đen”.

Là thành viên tham gia mô hình, chị Rcom HNgai (buôn Rưng Ma Nin) cho biết: Trước đây, bà con không có thói quen tiết kiệm nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Đầu vụ sản xuất, người dân phải đi vay mượn của thương lái, đến cuối vụ phải bán nông sản cho họ để trả nợ. Do lãi suất cao nên hầu như bà con không có lãi. Sau khi được Hội LHPN xã tuyên truyền, hướng dẫn, nhóm đã quyết định triển khai mô hình “Xoay vòng góp vốn theo mùa vụ”. Nhờ đó, đến vụ sản xuất, chị em không phải đi vay mượn mà chủ động được nguồn vốn đầu tư giống, phân bón. Nông sản làm ra không bị thương lái ép giá, hiệu quả kinh tế nhờ vậy được nâng lên.

“Đầu năm 2023, tôi được mượn 30 triệu đồng từ nhóm để trồng 2 ha mì và mua lúa giống. Dự kiến có vốn lần tiếp theo, tôi sẽ mua thêm rẫy để mở rộng sản xuất. Chị em bảo nhau cố gắng tiết kiệm thêm để có số vốn kha khá đầu tư mua máy móc phục vụ trồng trọt nhằm nâng cao năng suất cây trồng”-chị HNgai chia sẻ.

Trao đổi với P.V, ông Nay Pôl-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rbol-cho hay: Bên cạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế từ nguồn ngân sách nhà nước, các mô hình của hội, đoàn thể triển khai đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của xã. Điển hình như mô hình chi hội/tổ hội nghề nghiệp của Hội Nông dân, mô hình tiết kiệm nuôi heo đất hay góp vốn xoay vòng của Hội LHPN… Năm 2022, xã giảm được 46 hộ nghèo và 35 hộ cận nghèo. Còn năm 2023, qua kết quả rà soát sơ bộ, xã giảm được 35 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo. Hiện toàn xã còn 39 hộ nghèo (chiếm 3,75%) và 76 hộ cận nghèo (chiếm 7,31%).

“Việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Từ chỗ hỗ trợ vốn không điều kiện đến việc góp vốn đối ứng và thu hồi một phần đã làm cho hộ dân thụ hưởng gia tăng trách nhiệm, tự giác, tích cực thay đổi nếp nghĩ, cách làm phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất. Nhận thức được nâng cao, người dân chủ động tham gia các mô hình phát triển kinh tế để học tập kinh nghiệm, đoàn kết giúp đỡ nhau thoát nghèo. Thời gian tới, xã tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, khơi dậy ý thức tự vươn lên của người dân, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao”-Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định.

Có thể bạn quan tâm