Kinh tế

Nông nghiệp

Lơ Ku: Giảm nghèo bằng các mô hình phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên tỷ lệ hộ nghèo của xã Lơ Ku (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) giảm nhanh. Tới đây, địa phương sẽ tiếp tục lồng ghép các nguồn lực để nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả nhằm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất.

Cuối năm 2020, gia đình chị Đinh Thị Nganh (làng Tăng) đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Bước ngoặt tạo chuyển biến tính từ khi gia đình chị nhận được các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Đầu tiên là giống bắp có năng suất cao, giúp chị có tiền tích lũy. Giữa năm 2017, ngoài 1 con bò sinh sản được xã hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, vợ chồng chị mua thêm 2 con dê sinh sản. Có thời điểm, đàn dê của gia đình phát triển lên đến hơn 20 con. Tiền bán dê giống, dê thịt cộng với tiền tích lũy giúp tăng số bò lên 5 con. Thoát được nghèo, có chút vốn liếng trong tay, chị Nganh vay thêm vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi, dự tính sửa sang căn nhà.

Gia đình chị Đinh Thị Nganh (làng Tăng, xã Lơ Ku) đã thoát nghèo nhờ nuôi dê. Ảnh: Minh Nguyễn
Gia đình chị Đinh Thị Nganh (làng Tăng, xã Lơ Ku) đã thoát nghèo nhờ nuôi dê. Ảnh: Minh Nguyễn


Tương tự, sau khi được cấp 1 con bò sinh sản, gia đình ông Đinh Biu (làng Lợt) cũng mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng để phát triển sản xuất. Nhờ tích cực lao động và liên tiếp được mùa, được giá, 2 ha bắp của gia đình cho thu nhập tăng lên. Đồng thời, đàn bò cũng tăng lên thành 5 con. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu nhập 50-60 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Đầu năm 2021, gia đình ông trả hết nợ vay và xã xóa tên trong danh sách hộ nghèo.

Đặc biệt, được sự phân công của Ban Thường vụ Huyện ủy, từ năm 2017 đến nay, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lơ Ku đã hỗ trợ 25 hộ nghèo cải thiện sinh kế, tăng thu nhập. Ông Trần Văn Trị-Giám đốc Công ty-cho hay: Bên cạnh hỗ trợ kinh phí mua vật nuôi, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, đơn vị còn hướng dẫn các hộ cách tổ chức sản xuất. “Chúng tôi phân công cán bộ, công nhân viên thường xuyên thăm hỏi, động viên, đồng thời phát hiện khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch giảm nghèo để có biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất để các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững”-ông Trị nêu giải pháp.

Cũng nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể từ huyện đến xã, công tác giảm nghèo của xã Lơ Ku chuyển biến tích cực. Đáng chú ý là việc Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể theo dõi, phụ trách các hộ nghèo, từng bước tuyên truyền, vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hướng dẫn cách thức làm ăn. Cùng với đó là hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững ở địa phương. Nhờ đó, nhiều thôn, làng đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Điển hình như làng Tăng chỉ còn 3 hộ nghèo, làng Chợt là 12 hộ...

Ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku-cho biết: Năm 2017, toàn xã có đến 191 hộ nghèo, chiếm 25,1% nhưng đến nay chỉ còn 40 hộ, chiếm 5,06%. Từ các nguồn vốn hỗ trợ, nhiều mô hình phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả. Bình quân mỗi năm, xã có đến 50 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6,11%. Các nguồn vốn huy động để đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp gần 4 tỷ đồng đã hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: triển khai cho 71 hộ dân làng Chợt và Đak Kjông trồng bắp biến đổi gen; hướng dẫn 30 hộ dân làng Chợt, làng Bôn trồng đậu cô ve; triển khai 2 mô hình cánh đồng mía lớn với 129 hộ dân làng Chợch, Kbông, Krối và làng Bôn tham gia; hỗ trợ 29 hộ nghèo tại các thôn, làng nuôi bò, dê sinh sản…

“Kết quả này có được là nhờ phong trào thi đua giảm nghèo được phát động rộng khắp với những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của các hội, đoàn thể. Nhận thức của người dân đã dần thay đổi, từng bước biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, xã sẽ tiếp tục lồng ghép các nguồn lực, hỗ trợ kinh phí để Mặt trận và các đoàn thể triển khai các mô hình phát triển kinh tế, nhất là các mô hình liên kết sản xuất, góp phần giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ hộ nghèo còn lại của xã”-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku nhận định.

 

 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm