Kinh tế

Nông nghiệp

Hiệu quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới ở Ia Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ đẩy mạnh triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều miền quê ở huyện nghèo Ia Pa đang đổi thay từng ngày. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện ngày càng giảm, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình lớn của Đảng, Nhà nước và là cơ hội để các vùng nông thôn trên địa bàn toàn huyện phát triển, ngay sau khi chương trình được triển khai, huyện Ia Pa đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chương trình xây dựng NTM đến đông đảo người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện. Đồng thời, huyện đã đưa các kế hoạch, lộ trình xây dựng NTM ra trước các cuộc họp của các cấp để cán bộ và người dân tham gia đóng góp ý kiến và nắm bắt được các nội dung, tiêu chí của chương trình. Qua đó, người dân nhận thức được mình là chủ thể trong quá trình triển khai xây dựng và thụ hưởng thành quả của chương trình xây dựng NTM nên nhiệt tình hưởng ứng, tham gia đóng góp công sức.

 

Diện mạo nông thôn ở huyện Ia Pa ngày càng khởi sắc. Ảnh: Đ.P
Diện mạo nông thôn ở huyện Ia Pa ngày càng khởi sắc. Ảnh: Đ.P

“Thay đổi dễ thấy nhất là nhận thức của người dân về xây dựng NTM đã chuyển biến từ chỗ thờ ơ, ỷ lại Nhà nước sang ý thức tự chủ, tự thấy trách nhiệm của mình để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM”-ông Nguyễn Phi Loan-Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Ia Tul nói. Chẳng hạn, khi được cán bộ xã vận động di dời chuồng bò từ gầm nhà sàn ra cuối góc vườn để giữ vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh, nhiều người dân đã hiểu ra và tự giác thực hiện. “Sau khi di dời chuồng bò ra xa nhà ở, gia đình tôi được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện cho vay 250 triệu đồng mua 21 con bò và trồng cỏ để phát triển chăn nuôi. Sau 6 tháng, đàn bò đã đẻ được 4 con bê, gia đình rất phấn khởi”-chị Nay Hoa (buôn Biah A, xã Ia Tul) vui vẻ nói.

Cùng với việc tuyên truyền về chính sách xây dựng NTM, huyện Ia Pa tận dụng tối đa nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Nhờ đó, hệ thống cơ sở hạ tầng như: giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, trường học, trạm xá, nước sạch, nhà văn hóa… được cải thiện rõ nét, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

 

Đến nay, xã Ia Tul hoàn thành 13 tiêu chí, xã Ia Ma Rơn hoàn thành 12 tiêu chí, xã Ia Trôk hoàn thành 11 tiêu chí, xã Chư Răng hoàn thành 10 tiêu chí, các xã Pờ Tó và Chư Mố hoàn thành 9 tiêu chí, xã Kim Tân và Ia Kdăm hoàn thành 8 tiêu chí, xã Ia Broăi hoàn thành 6 tiêu chí.

Việc xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thời gian qua cũng được các địa phương ở huyện Ia Pa ưu tiên nguồn vốn đầu tư. Tiêu biểu như các mô hình trồng mía tưới nhỏ giọt, mô hình nuôi heo kết hợp với hầm Biogas, mô hình trồng cỏ nuôi bò có làm chuồng trại cách xa nhà ở, mô hình trồng mì cao sản KM419, mô hình cánh đồng mía mẫu lớn 30 ha và cánh đồng lúa mẫu lớn 30 ha ở xã Ia Tul…

Qua khảo sát, đến cuối năm 2016, hầu hết các xã đều hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM đã đăng ký và duy trì các tiêu chí đã đạt được trước đó.

Về kế hoạch, phương hướng xây dựng NTM của huyện trong thời gian tới, ông Huỳnh Vĩnh Hương-Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Ia Pa cho biết: Trên cơ sở đề án xây dựng NTM huyện Ia Pa giai đoạn 2016-2020, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình sát với tình hình thực tế tại địa phương. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; huy động tối đa các nguồn lực để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế; hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả cao trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai giao đất trồng rừng, hướng đến mục tiêu khôi phục rừng và giúp người dân có thêm thu nhập.

"Chuyển đổi diện tích đất chỉ trồng được 1 vụ phụ thuộc nước trời ở các xã phía Đông sông Ba sang trồng mía với diện tích 1.000 ha; ưu tiên xây dựng 4 cánh đồng mía mẫu lớn có tưới nước. Đẩy mạnh lai cải tạo nhằm nâng cao chất lượng đàn bò địa phương; định hướng sản xuất lúa giống tại chỗ để phục vụ cấp giống cho 3.000 ha lúa nước 2 vụ. Liên kết với Nhà máy chế biến tinh bột mì tại xã Pờ Tó để đầu tư thâm canh cây mì giống mới trên diện tích 7.000 ha. Hỗ trợ hợp tác xã phát triển làm nơi triển khai các mô hình sản xuất, chăn nuôi có gắn kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để tăng giá trị cây trồng, vật nuôi cho nông dân"-ông Hương nói.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm