Kinh tế

Nông nghiệp

Hiệu quả từ một dự án tưới tiết kiệm nước ở phía Đông tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dự án phát triển thị trường công nghệ tưới tiết kiệm nước nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu do Tổ chức iDE Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai triển khai tại các huyện, thị xã phía Đông từ năm 2018 đến nay đã mang lại hiệu quả tích cực.
Hiệu quả bước đầu
Tại huyện Đak Pơ, Dự án được triển khai ở các xã: Tân An, Cư An, Phú An, Yang Bắc, Hà Tam và thị trấn Đak Pơ. Đến nay, khu vực này đã có 855 hộ tham gia. Trong đó, hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ 50% kinh phí mua vật tư lắp đặt hệ thống tưới cho 1.000 m2.
Anh Đinh Lê (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc) cho biết: Gia đình anh có 3 sào ớt, dưa leo và khổ qua. Được Dự án hỗ trợ 2,5 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho 1 sào ớt, thấy năng suất tăng lên nên anh mua thêm ống, béc lắp hệ thống tưới cho những diện tích còn lại. “Với hệ thống này, mình có thể bón phân qua đường ống, giảm thất thoát phân bón và công lao động nhưng năng suất tăng 50-70%. Đặc biệt, vào mùa khô, mình không lo thiếu nước”-anh Lê chia sẻ.
Người dân huyện Đak Pơ thu hoạch ớt. Ảnh: Lê Nam
Người dân huyện Đak Pơ thu hoạch ớt. Ảnh: Lê Nam
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Dự án đã tổ chức được 40 lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho 1.200 nông dân; hỗ trợ xây dựng 355 mô hình (mỗi mô hình 1,5-2,5 triệu đồng) để lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước; sau khi lắp đặt hệ thống đã giúp cho người dân tăng thu nhập hơn 9,4 triệu đồng/ha/năm so với sản xuất truyền thống.
Ở huyện Kông Chro, Dự án được triển khai tại các xã: Yang Nam, Yang Trung, Kông Yang, Đak Kơ Ning và thị trấn Kông Chro với 912 hộ tham gia. Chị Phạm Thị Thúy (thôn 9, xã Yang Trung) cho biết: “Trước đây, tôi trồng 1 sào ớt nhưng tưới nước bằng phương pháp xả tràn nên rất lãng phí. Năm 2019, gia đình tôi được Dự án hỗ trợ 2,5 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước. Sử dụng hệ thống này, tôi thấy vừa đỡ được công lao động, giảm lượng nước và năng suất tăng gần gấp đôi so với trước. Năm nay, ớt lại được giá nên lãi 60-70 triệu đồng/sào”.
Cần nhân rộng mô hình
Bà Trương Thị Thiên Lý-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ-cho biết: Khi triển khai lắp đặt hệ thống, người dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách vận hành, bón phân nhằm tiết kiệm phân bón, công lao động. Hy vọng khi Dự án kết thúc, người dân vẫn tiếp tục nhân rộng mô hình này để góp phần tiết kiệm nguồn nước, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích.
Tưới phun mưa, giải pháp tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp
Tưới phun mưa là giải pháp tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Nam
Trong khi đó, theo ông Bùi Trọng Lượng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang, toàn huyện có 608 hộ tham gia Dự án. Người dân được hỗ trợ vật tư và được tập huấn kỹ thuật để chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng rau màu nhằm tăng thu nhập.    
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, mô hình tưới tiết kiệm nước được thực hiện trên 28.130 ha cây trồng các loại. Tuy diện tích được áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước còn rất nhỏ so với tổng diện tích cây trồng của tỉnh nhưng đã giúp cho người dân tiếp cận với kỹ thuật canh tác và từng bước mở rộng diện tích. “Ngành Nông nghiệp và PTNT khuyến khích người dân tiếp tục áp dụng và mở rộng mô hình tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Ngọc Có cho biết. 
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm