Kinh tế

Nông nghiệp

Hiệu quả từ tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gia súc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai có 2.032 chi hội nông dân nghề nghiệp và 11.304 tổ hội nông dân nghề nghiệp, trong đó có khoảng 3.500 tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gia súc thu hút hơn 35 ngàn hội viên nông dân tham gia.


Các chi hội, tổ hội hoạt động theo nguyên tắc “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi).

Cùng chúng tôi đến thăm Tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi bò làng Pôk (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh), ông Phạm Quý-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Khươl-cho biết: Tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi bò làng Pôk gồm 10 thành viên là người Jrai, ra mắt đầu năm 2022, do ông Rơ Châm Phyúk làm Tổ trưởng. Thời gian đầu, các thành viên chăn nuôi 72 con bò cỏ, đến nay phát triển lên 130 con. “Đến nay, xã Ia Khươl đã thành lập 5 tổ hội nông dân nghề nghiệp, trong đó có 3 tổ hội chăn nuôi gia súc ở các làng Klên, Tơ Wơl 1, Pôk. Các tổ hội đều hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho bà con nông dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thành lập tổ hội ở làng Kách, Tơ Wơl 2, thôn Tân Lập, Đại An”-ông Quý cho hay.

Nhiều địa phương ở huyện Chư Prông cũng đã thành lập các tổ hội nông dân nghề nghiệp. Theo ông Trần Quyết Thắng-Chủ tịch UBND xã Ia Băng: Từ năm 2021 đến nay, xã đã thành lập 4 tổ hội nông dân nghề nghiệp, trong đó có 3 tổ hội chăn nuôi ở 2 làng Klah và Phun Thanh. Mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động rất phù hợp với bà con nông dân và đạt hiệu quả cao. “Tới đây, xã xúc tiến thành lập thêm các tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gia súc ở làng Tơ Băng, làng Băng Ngol, làng Dơ Ngol, thôn Phú Mỹ và thôn Phú Vinh”-ông Thắng nói.

Bà Lê Thị Hoa (làng Phun Thanh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Hoàng Cư

Bà Lê Thị Hoa (làng Phun Thanh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Hoàng Cư

Là một trong những hộ tham gia tổ hội chăn nuôi dê, bà Lê Thị Hoa (làng Phun Thanh) chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi giống dê Boer lai đã 7 năm nay. Đàn dê sinh sản 2 năm 3 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 4 con. Vào tổ hội, gia đình tôi có nhiều người bạn mới cùng sở thích, có thêm kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, thông tin giá cả. Gia đình tôi nuôi gần 40 con dê. Ngoài bán dê giống, gia đình còn bán dê thịt, cho thu nhập khá”.

Việc xây dựng tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gia súc đã tạo điều kiện cho các hội viên nông dân giao lưu, học hỏi, liên kết đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Theo ông Võ Anh Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy thành lập các tổ chức gắn kết những người nông dân với nhau. Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục bám cơ sở, tạo điều kiện hỗ trợ các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường sự kết nối giao thương với các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi có hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm