Xã hội

Đời sống

Hình thành thói quen giữ vệ sinh ở xã Chư A Thai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân về gìn giữ vệ sinh môi trường, xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động thiết thực.

Ông Kpă Tô Na-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chư A Thai-cho biết: Trước đây, người dân trên địa bàn xã có thói quen vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi khiến cảnh quan rất nhếch nhác. Đầu năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã triển khai mô hình điểm “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” tại làng Pông với sự tham gia của 46 hộ dân. Các hộ được hỗ trợ 70% kinh phí mua bể chứa rác thải, được hướng dẫn cách phân loại rác thải.

Theo đó, rác thải hữu cơ sẽ bỏ vào hố đào để làm phân bón cho cây trồng, rác thải tái chế thu gom riêng để bán, rác thải không thể tái chế thì bỏ vào bể chứa rồi đốt. “Đến nay, các hộ tham gia mô hình không còn vứt rác bừa bãi nữa. Nhiều hộ khác cũng học hỏi theo nên đã mua bể chứa rác thải. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này tại các thôn, làng còn lại”-ông Na thông tin. Còn bà Đinh Thị Rét (làng Pông) bày tỏ: Từ khi xã triển khai mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, cảnh quan môi trường của làng được cải thiện đáng kể.

Cũng với mục đích nâng cao ý thức gìn giữ vệ sinh cho người dân, Hội Liên hiệp phụ nữ xã cũng đã triển khai mô hình điểm “Tổ phụ nữ phân loại rác thải tại gia đình” tại làng Pông và làng Trớ với sự tham gia của 50 hộ hội viên. Các hộ tự nguyện mua bể chứa rác thải, Hội hỗ trợ kinh phí vận chuyển và hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải.

Ngoài ra, Hội còn triển khai mô hình “Hội viên phụ nữ cải tạo vườn tạp trồng rau xanh” cho 15 hộ làm điểm. Bà Bùi Thị Vân-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã-cho hay: Ngoài 2 mô hình trên, mỗi tháng 1 lần, Hội huy động hội viên, phụ nữ ra quân dọn vệ sinh các khu vực công cộng. Nhờ vậy, cảnh quan môi trường trên địa bàn xã được cải thiện theo hướng xanh-sạch.

Bà Đinh Thị Rét (làng Pông) tích cực dọn vệ sinh, phân loại rác thải. Ảnh: Nhật Hào

Đặc biệt, tại các thôn, làng cũng có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong gìn giữ vệ sinh môi trường. Ông Đinh Byei-Bí thư kiêm Trưởng thôn Trớ-cho biết: Làng có 114 hộ, trong đó, có 90 hộ dân tộc thiểu số. Làng được chia làm 3 tổ, phân công cán bộ của làng phụ trách. Mỗi tháng 1 lần, các tổ kiểm tra vấn đề vệ sinh môi trường. Nếu hộ nào để rác thải vương vãi quanh nhà sẽ bị nhắc nhở trên loa phát thanh để tự giác dọn vệ sinh. Đối với các khu vực công cộng, nếu kiểm tra thấy nhếch nhác thì tổ phối hợp với Chi Đoàn Thanh niên tổ chức dọn dẹp.

“Ngoài ra, làng cũng được Hội Nông dân xã hỗ trợ thành lập “Tổ tự quản bảo vệ môi trường” và tặng các hộ tham gia bể chứa rác thải; hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác tại nhà; tổ chức dọn vệ sinh vào các dịp lễ, Tết nên đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân”-ông Byei cho hay.

Trao đổi với P.V, bà Bùi Thị Đức-Phó Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai-cho biết: Trước đây, cảnh quan môi trường của xã rất nhếch nhác do người dân có thói quen vứt rác bừa bãi. Bên cạnh đó, nhiều hộ còn nuôi bò dưới gầm nhà sàn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Vì thế, Đảng ủy xã đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc tuyên truyền kết hợp với xã hội hóa trong thu gom, xử lý rác thải.

Trên cơ sở đó, các tổ chức đoàn thể, chính trị của xã đã có nhiều hoạt động hay, mô hình thiết thực như: “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “Tổ phụ nữ phân loại rác thải tại gia đình”; “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”. “Thông qua các mô hình, xã đã có hơn 100 hộ có bể chứa rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, các hộ còn tự giác tham gia các hoạt động dọn vệ sinh môi trường do địa phương phát động. Hiện trên địa bàn xã không còn hộ thả rông gia súc hay nuôi nhốt dưới gầm nhà sàn. Nhờ vậy, cảnh quan môi trường của xã được cải thiện theo hướng xanh-sạch”-bà Đức thông tin.

Có thể bạn quan tâm