Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Hơ Blơng: Giọng ca "một thời vang bóng"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những ai ở căn cứ Krong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) thời chống Mỹ chắc hẳn đã từng nghe giọng hát Hơ Blơng (hiện trú tại làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Chưa được học qua một trường lớp âm nhạc nào, chỉ bằng khả năng thiên phú, bà đã đem giọng ca “có lửa” dấn thân hết mình vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, để lại trong lòng người đương thời dấu ấn khó phai…

Ở lứa tuổi thiếu niên đã bắt đầu con đường cách mạng, thế hệ Hơ Blơng chẳng phải hiếm. Thế nên, mới 13 tuổi, chẳng phải qua sự giác ngộ hay vận động của ai, Hơ Blơng đã theo chân những người đi trước như một lẽ tự nhiên. Bà nhớ lại: Hôm đó, Đoàn văn công Gia Lai về làng Khôp (xã Ia Tô, huyện Ia Grai bây giờ) biểu diễn. Đang lúc mọi người còn chuẩn bị, Hơ Blơng đã lân la đến xem. Thấy cô bé cầm trên tay tảng cơm cháy ăn một cách hồn nhiên, một chị đùa: “Cho xin miếng, đói quá!”.

Vậy là Hơ Blơng đưa ngay hết cho chị. “Ô, con bé này thảo ăn quá, biết múa hát thì đi văn công với chị nào?”-chị bảo. Không đôi hồi, Hơ Blơng gật đầu. Cũng cứ tưởng chỉ nói đùa, hóa ra hôm sau chị tìm đến nhà dẫn Hơ Blơng tới gặp Trưởng đoàn Khuyên Đông. Ông Khuyên Đông bảo hát, múa thử cho ông xem. Run quá, Hơ Blơng múa hát không bằng được lúc bình thường, thế nhưng ông Khuyên Đông vẫn tỏ ra hài lòng. Rồi ông tới nhà xin. “Ông già” ngần ngại vì thấy con còn nhỏ quá, nhưng Blơng đã cứng cỏi: “Nếu cầm súng đánh giặc thì sức con không nổi nhưng múa hát thì con chắc chắn làm nổi, cha đừng lo”. Vậy là được đi.

 Bà Hơ Blơng. Ảnh: Ngọc Tấn
Bà Hơ Blơng. Ảnh: Ngọc Tấn


Đấy là năm 1965, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt. Tuổi còn quá bé, Hơ Blơng đâu đã lường tới sự khó khăn, gian khổ của cuộc sống ở chiến khu: Ngày nối ngày bữa ăn chỉ có củ mì luộc chấm với mắm bánh hoặc cà đắng, muối ớt. May lắm thì tới mùa mới được vài bữa “mì độn cơm”. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất với Hơ Blơng là sự bắt đầu với một công việc hoàn toàn mới mẻ. Đoàn văn công Gia Lai bấy giờ tiếng thế nhưng chỉ có hơn chục anh chị em. Nhạc cụ chỉ có mấy cây đàn trưng và mandoline. Múa thì còn có người hướng dẫn nhưng hát thì phải tự học. Tự học ở đây là nghe qua radio rồi hát theo. Mà Hơ Blơng bấy giờ chưa biết chữ, tiếng phổ thông cũng chưa biết. Tuy nhiên, nhờ trí nhớ tốt và năng khiếu âm nhạc, nghe qua vài lần là Hơ Blơng đã thuộc. Cứ chịu khó “học vẹt” như thế, cộng với vốn dân ca có được, chẳng bao lâu Hơ Blơng đã có một cái vốn kha khá.

Từ năm 1968, giọng ca Hơ Blơng bước vào độ chín. Cũng bắt đầu từ đây, bà đem năng khiếu thiên phú ấy dấn thân vào mọi nẻo chiến trường để cổ vũ đồng bào, chiến sĩ. Bà kể, chẳng nhớ xuể bao nhiêu lần mình đã ra tuyến trước. Phải đi nhiều là bởi mình sức trẻ, ở tuyến trước lại chỉ có hát là thích hợp vì cần ít diễn viên, cơ động, đâu cũng có thể biểu diễn được. Ở căn cứ ăn uống, sinh hoạt khó khăn nhưng đã thấm vào đâu so với tuyến trước. Để chuẩn bị cho một chuyến đi thường kéo dài cả tháng, hành trang của mỗi người là một chiếc gùi chất nặng. Ngoài quần áo, bắp hạt, củ mì, bao giờ cũng có thêm 3-4 lưỡi cuốc nhỏ. Những lưỡi cuốc ấy là một thứ “bảo bối” để phòng khi hết lương thực mang theo thì đổi cho đồng bào lấy cái ăn. Dù vậy, do thời gian kéo dài, chuyện phải ăn đói, thậm chí có lúc phải dùng lá mì thay cơm không hiếm. Còn nhớ một lần đang biểu diễn thì Hơ Blơng bị say lá mì ngã vật ra, sùi cả bọt mép khiến mọi người một phen hốt hoảng. Rồi thì bao nhiêu lần đang trên đường hành quân gặp pháo bầy địch bắn tới, biệt kích địch phục kích khiến đoàn tan tác mỗi người mỗi ngả… Gian khổ, hiểm nguy mọi nẻo nhưng không ai chùn bước.

"Với tôi, đó là sự vô tư của tuổi trẻ nhưng cái chính là được sống trong tình thương yêu đùm bọc của đồng bào, đồng đội; thấy được lời ca tiếng hát của mình có ích cho cuộc chiến đấu giải phóng quê hương”-giọng bà chùng xuống khi nhớ về những kỷ niệm không thể nào quên. Rồi bà kể tiếp: “Một lần, tôi được cử đến hát cho một nhóm chiến sĩ chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ thâm nhập căn cứ địch. Họ ngồi nghe một cách say sưa rồi cười đùa với tôi “xong nhiệm vụ, sáng mai các anh sẽ đến tìm em nhé”. Vậy mà sáng ra, cả nhóm đã không còn ai trở về nữa! Lại có lần chúng tôi tiếp cận đồn giặc để hát địch vận. Lúc đầu thấy chúng bắn ra mấy phát súng, sau rồi im. Ngạc nhiên không hiểu vì sao. Sau này tình cờ gặp một người lính bỏ ngũ, anh kể rằng hôm đó chúng tôi hát hay quá, họ bảo nhau đừng phá đám để nghe”.

Năm 1973, Hơ Blơng được điều sang Đoàn văn công Quân giải phóng Tây Nguyên (B3). Năm 1974, bà ra Bắc nhập vào Đoàn ca múa Trung ương đi biểu diễn ở Trung Quốc, Liên Xô. Thời gian ở miền Bắc này, lần đầu tiên giọng hát của Hơ Blơng mới được công chúng rộng rãi biết đến qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, đó là các bài: “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” của nhạc sĩ Lê Lôi, “Em là hoa pơ lang” (nhạc sĩ Đức Minh), “Người lái đò trên sông Pô Kô” (nhạc sĩ Cầm Phong ), “Metra quă batra ưh” (Cha không cho, mẹ không ưng-dân ca Bahnar). Đầu năm 1975, trong khí thế của cuộc tổng tiến công và nổi dậy đang diễn ra trên khắp miền Nam, bà được gọi trở về phục vụ chiến trường. Quê hương giải phóng, bà được tổ chức cho đi học văn hóa rồi về Đoàn nghệ thuật Đam San. Năm 1981, bà lại chuyển sang công tác tại Phòng Thông tin-Cổ động (Sở Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum). Cũng từ đây, bà gần như rời xa hẳn nghiệp ca hát. Giọng ca “vang bóng một thời” dần chìm khuất với thời gian…

Bây giờ thì bà đã trở về với cuộc sống đời thường cùng con gái út và người chồng-cựu chiến binh Bleng ở làng Ốp, bình dị như một “bà già” nào đó trong làng. Nhưng dù thế hệ hôm nay ít người còn biết đến thì lớp nghệ sĩ thời chống Mỹ chưa ai quên được giọng ca Hơ Blơng. Với chất giọng nữ cao, trong veo như được chắt ra từ nước suối nguồn, bà như truyền thêm lửa cho các bài hát khai thác chất liệu dân ca Tây Nguyên. Hơ Blơng đặc biệt được đánh giá cao với các bài dân ca. Nhắc tới bà là người ta nhớ ngay đến những “Krông Pa quê mẹ”, “Rơngôt kơ Hlơr” (Nhớ em) và đặc biệt là “Metra quă batra ưh” nói về mối tình thắm thiết của một đôi trai gái bị mẹ cha ngăn cấm bởi luật tục. Nghệ sĩ Siu Phích nói: “Với tôi, Hơ Blơng là một trong những người hát dân ca Jrai, Bahnar tuyệt hay. Nghe chị hát dân ca, tôi lại liên tưởng đến nghệ sĩ H'Ben, người hát dân ca Tây nguyên hàng đầu”. Đánh giá của ông khiến tôi cứ thầm tiếc: Giá như bà cũng được đào tạo, học hành bài bản?

 

NGỌC TẤN

 

Có thể bạn quan tâm