Bạn đọc

Hồ tiêu Tây Nguyên được giá, người nông dân vẫn nên cẩn trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên đang vui mừng vì giá hồ tiêu liên tục tăng cao. Hồ tiêu hiện đang có giá trên 70.000 đồng/kg và dự báo tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, đây cũng là mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, người dân vẫn nên cẩn trọng, dè chừng trước những diễn biến của thị trường lẫn việc thu mua của thương lái.

Một vườn hồ tiêu ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Ảnh: Thanh Tuấn
Một vườn hồ tiêu ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Ảnh: Thanh Tuấn
“Sau cơn mưa trời hửng sáng”
Huyện Chư Sê (Gia Lai) là nơi có diện tích trồng tiêu lớn của vùng Tây Nguyên. Năm ngoái, nơi đâu cũng thấy người dân tự tay cắt bỏ cây hồ tiêu, bán rẻ lại các cọc gỗ làm trụ cho loài nông sản này. Nhưng vụ mùa năm nay, tình hình đã đổi thay, anh Nguyễn Văn Nhật (xã Dun, huyện Chư Sê) tâm sự: “Nhà tôi có hơn 30ha hồ tiêu và đợt này phải thuê 5 đến 6 nhân công thay phiên nhau hái, sau đó mang về phơi khô. Chúng tôi sẽ bán dần kiếm lời vì dự báo giá tiêu sẽ còn tiếp tục tăng nữa. Tiền lời sẽ chi trả tiền nhân công, máy móc tưới tiêu và để đầu tư cho vụ mùa sau. Giá tiêu tăng khiến ai cũng mừng, bởi suốt thời gian qua người nông dân đã quá khốn khổ vì tiêu”.
Ông Nguyễn Văn Hợp - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) huyện Chư Sê bày tỏ: Huyện có diện tích trồng tiêu lớn của tỉnh với tổng gần 3.000ha, sản lượng trên 11.000 tấn/năm. Người dân trồng chủ yếu các giống hồ tiêu Vĩnh Linh, Lộc Ninh, cho chất lượng hạt tiêu tốt, cay và thơm. Việc tiêu tăng giá có rất nhiều nguyên nhân, do những năm trước mất mùa, mất giá nên người dân phá bỏ vườn tiêu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng làm giảm đáng kể diện tích cây hồ tiêu. Khi lượng cung khan hiếm thì nhu cầu và giá tiêu lại tăng trở lại là điều tất yếu. Hiện tại rất khó phân biệt được hộ nông dân nào trồng hướng hữu cơ. Vì chưa có quy định, cơ chế giám sát và cũng chưa có tổ chức nào được cấp phép, có thẩm quyền để công nhận việc trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ - ông Hợp chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Kon Tum Trần Văn Chương: Trong vùng Tây Nguyên thì địa phương có diện tích trồng hồ tiêu ít nhất với khoảng 400ha. Việc tăng giá tiêu khiến người dân có thêm cơ hội cải thiện cuộc sống, lấy lại vốn sau nhiều năm làm ăn thất bát. Việc giảm diện tích trồng tiêu là nguyên nhân chính khiến tiêu tăng giá trở lại. Tỉnh Kon Tum sẽ khuyến khích các mô hình trồng tiêu theo khuynh hướng sạch, hữu cơ nhằm gắn bó với cây tiêu, phát triển kinh tế xã hội.
Tại Đắk Lắk, những tuần qua tiêu liên tục tăng giá, nên nông dân tăng cường thuê nhân sự thu hoạch để kịp bán. Thống kê của Hội Nông dân huyện Cư Kuin, địa bàn có diện tích hồ tiêu lớn nhất Đắk Lắk, với hơn 3.000ha. Tuy nhiên, dù được giá nhưng sản lượng thu hoạch vẫn đang khá thấp, chỉ bằng 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Vẫn phải cẩn trọng
Ông Nguyễn Lưu Tuệ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) - khuyến cáo nông dân không nên quá vui mừng vì hồ tiêu được giá mà thu hoạch khi nông sản chưa đạt đến độ chín phù hợp. Bởi, làm như vậy chất lượng tiêu sẽ không cao, ảnh hưởng đến thương hiệu chung của địa phương. Hiện thương lái đang đổ về thu mua tiêu.
Ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai - nhận định: Sản phẩm hồ tiêu chủ yếu dùng để xuất khẩu. Nhiều năm trước, cây tiêu đã mang lại lợi nhuận cao nên người dân ồ ạt trồng theo kiểu tự phát. Gia Lai có trong quy hoạch là 12.000ha để trồng tiêu, tuy nhiên có những thời điểm người dân trồng đến 18.000ha. Dù nhà nước có cảnh báo nhưng nông dân vẫn cứ trồng, không kiểm soát được. Một số nơi nguồn đất đai không phù hợp với cây tiêu, quy trình kỹ thuật và các giống hồ tiêu không đúng chuẩn, không đảm bảo chất lượng.
Khi nông dân thấy giá tăng cao thì họ tăng lượng phân bón để tối ưu hóa năng suất sản lượng. Đây là việc làm nguy hiểm bởi sẽ làm thoái hóa, hư hại đất. Trong các năm 2016 đến 2020, nông dân Việt Nam cũng như các nước có thể trồng được hồ tiêu như Indonesia, Malaysia… đã ồ ạt đầu tư trồng loại sản phẩm này dẫn đến lượng cung vượt quá cầu, giá cả xuống thấp. Còn hiện nay, thị trường trong và ngoài nước lại khan hiếm vì lượng cung thấp đi trong khi cầu lại vẫn giữ nguyên.
“Qua nhiều biến động thăng trầm của giá hồ tiêu, cần phải nhìn lại để có hướng phát triển bền vững, không chạy theo giá cả bấp bênh. Đó là cơ quan nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống, chọn vùng đất phù hợp, phát triển theo quy hoạch, chủ động đưa công nghệ tưới tiêu hiện đại. Nông dân cần trồng tiêu theo phương thức hữu cơ để làm ra nông sản sạch. Doanh nghiệp liên kết với người nông dân để đặt hàng, bao tiêu sản phẩm. Giá cả thì thường bấp bênh, chúng ta nên theo hướng bền vững mới tránh được cảnh mất mùa, mất giá hay được mùa, rớt giá” - ông Nghĩa nói.

Có thể bạn quan tâm