(GLO)- Hơn 3 năm qua, việc thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, sĩ số học sinh đã được duy trì tốt hơn, chất lượng giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ.
Tiếp bước học sinh vùng khó đến trường
Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ quy định việc thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được xem là điểm tựa giúp học sinh đang sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn tiếp tục hành trình đi tìm con chữ. Để triển khai thực hiện nghị định này, ngày 8-12-2016, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 37/2016/NQ-HĐND về việc quy định khoảng cách và địa bàn để xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày; tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh ở các trường học trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai đồng bộ, đảm bảo đúng quy định và đối tượng. Việc chi trả tiền ăn, ở, gạo và một số nội dung hoạt động khác đã được các trường triển khai kịp thời. Theo đó, mỗi học sinh được hưởng chính sách này không quá 9 tháng/năm học, bao gồm: tiền ăn với mức hỗ trợ 40% mức lương cơ sở; tiền nhà ở hỗ trợ 10% mức lương cơ sở (nếu học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở trong trường) và 15 kg gạo/tháng. Riêng các trường phổ thông dân tộc bán trú còn được hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị, mua sắm bổ sung…
Ban Dân tộc HĐND tỉnh Gia Lai làm việc với các sở, ngành liên quan về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hồng Thi |
Em Đinh Phoăk hiện là học sinh lớp 6, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện). Năm học 2018-2019, Phoăk là một trong 87 học sinh của trường được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116. “Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, của thầy cô, em có thêm tiền và gạo ăn để tiếp tục đi học. Ở lại trường, được chơi, học bài cùng các bạn, em rất vui. Ba mẹ không còn bắt em nghỉ học nữa mà giờ đã khuyến khích em đến lớp học chữ”-Phoăk vui vẻ tâm sự.
Theo báo cáo của các sở, ngành, tổng kinh phí hỗ trợ tiền ăn, nhà ở cho học sinh và trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến tháng 3-2019 là hơn 142,1 tỷ đồng; trong đó, kinh phí hỗ trợ cho học sinh là hơn 138,6 tỷ đồng; hỗ trợ cho cấp dưỡng gần 3,6 tỷ đồng. Tổng số lượng gạo cấp hỗ trợ từ năm học 2016-2017 đến năm học 2018-2019 là hơn 3.869 tấn cho 5.649 học sinh. Bên cạnh đó, giai đoạn 2016-2019, tỉnh đã bố trí hơn 22,2 tỷ đồng lồng ghép từ nhiều nguồn vốn để đầu tư cho 14 trường phổ thông dân tộc bán trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, các trường phổ thông dân tộc bán trú còn được bổ sung kinh phí mua sắm, sửa chữa dụng cụ thể dục thể thao và phương tiện phục vụ sinh hoạt văn hóa-văn nghệ với mức 100.000 đồng/học sinh bán trú/năm học. Các trường cũng đều lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú với mức hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh bán trú/năm học. Một số trường tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh và chi trả chế độ hàng tháng theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-đánh giá: Qua hơn 3 năm triển khai Nghị định 116 của Chính phủ, nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong vấn đề cho con đi học đã được nâng cao rõ rệt, giảm thiểu tình trạng bỏ học, giảm áp lực đáng kể cho nhà trường và các thầy-cô giáo trong việc huy động học sinh đến trường, chất lượng dạy và học từng bước được nâng cao. Nếu năm học 2015-2016, tỷ lệ học sinh khá, giỏi chỉ đạt 45,1%, tỷ lệ bỏ học chiếm 1,1% thì đến năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng lên 62,2%, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm còn 1%.
Còn nhiều bất cập, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện chính sách này cũng bộc lộ không ít “lỗ hổng” dẫn đến nhiều bất cập. Qua giám sát thực tế, Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận thấy, mặc dù được hỗ trợ song điều kiện cơ sở vật chất tại các trường phổ thông dân tộc bán trú như: nhà ở cho học sinh, lớp học, nhà bếp, nhà ăn, công trình vệ sinh… chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, thậm chí đã có dấu hiệu xuống cấp; khu vui chơi giải trí, sân bóng đá, bóng rổ cho học sinh còn thiếu... Bên cạnh đó, hầu hết các trường đều thiếu nhân viên y tế; các tủ thuốc được trang bị mới chỉ có dụng cụ sơ cứu y tế ban đầu và các loại thuốc thông thường.
Sau hơn 3 năm triển khai Nghị định 116, chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao. Ảnh: H.T |
Việc cấp phát gạo hỗ trợ cho học sinh cũng gặp nhiều vướng mắc. Theo phản ánh từ các trường thụ hưởng chính sách, tỉnh ta đang tổ chức cấp phát gạo 2 đợt/năm dẫn đến số lượng gạo các trường nhận mỗi lần khá lớn. Tuy nhiên, hầu hết các trường đều không có kho bảo quản, gạo cứ chất đống để suốt 3-4 tháng nên bị giảm chất lượng, thậm chí bị mốc. Để khắc phục vấn đề này, các trường đề nghị tỉnh nên tổ chức cấp gạo thành 3 đợt/năm. Mặt khác, theo quy định, mỗi học sinh được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Trong khi đó, nhiều năm gần đây, từ ngày 15-8, học sinh đã phải nhập học trở lại. Điều này khiến một số trường bán trú gặp khó khăn trong việc hỗ trợ gạo và tiền ăn để nuôi dưỡng học sinh trong nửa tháng đầu năm học.
Việc cấp kinh phí hỗ trợ tiền ăn, ở cho học sinh hiện cũng chưa thực hiện thống nhất giữa các địa phương trong tỉnh. Chẳng hạn, tại huyện Đak Đoa, hơn 3 năm qua, hầu hết các trường học thuộc diện được hưởng chính sách theo Nghị định 116 chỉ thực hiện cấp gạo cho học sinh chứ không cấp tiền ăn, ở. Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh mới đây, cô Phan Thị Minh-Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Trang, huyện Đak Đoa) lý giải: “Trường có học sinh thuộc 3 làng đặc biệt khó khăn, nhà xa trường hơn 7 km nhưng các em không có nhu cầu ở lại trường mà đều đi về trong ngày. Do vậy, từ khi triển khai chính sách hỗ trợ, nhà trường chỉ lập danh sách đăng ký cấp gạo cho các em chứ không đề nghị hỗ trợ tiền ăn, ở vì sợ làm sai quy định. Trường cũng có nhiều lần hỏi ý kiến các ngành chuyên môn nhưng vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể”. Về vấn đề này, các thành viên đoàn giám sát cho rằng, nguyên nhân chính là do các ngành liên quan của tỉnh, huyện chưa có sự thống nhất trong hướng dẫn thực hiện các chế độ chính sách; công tác phối hợp chưa thường xuyên, chặt chẽ và đồng bộ nên không kịp thời nắm bắt tình hình, gây thiệt thòi cho học sinh trong nhiều năm.
Ngoài ra, các trường bán trú vẫn còn nhiều lúng túng trong việc thực hiện định mức chi trả cho nhân viên cấp dưỡng và định mức số người phục vụ; tỉnh chưa có quy định cụ thể về mức khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho bếp ăn đối với trường có dưới 30 học sinh; phụ huynh học sinh được hưởng chính sách đa phần là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp nên thiếu quan tâm đến việc làm hồ sơ cho con mà còn ỷ lại vào nhà trường; nhiều học sinh dù đủ điều kiện khoảng cách và địa bàn cư trú, song do gia đình không có hộ khẩu nên không được xét duyệt hỗ trợ… Đây là những bất cập mà cơ sở đang gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ.
Toàn tỉnh hiện có 35 trường được hưởng chính sách hỗ trợ học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ (7 trường nằm ở xã, thôn đặc biệt khó khăn).
|
HỒNG THI