Giáo dục

Tin tức

Hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình tập huấn trực tuyến dành cho cán bộ, giáo viên các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19. Hoạt động thiết thực này cung cấp cho giáo viên các kỹ năng và sự hiểu biết để trở thành điểm tựa tinh thần nhằm hỗ trợ học sinh kịp thời.

Số ca mắc Covid-19 trên toàn tỉnh tăng nhanh thời gian gần đây kéo theo nhiều lo ngại, nhất là khi trong số này có không ít học sinh. Không chỉ gặp khó khăn hoặc thậm chí gián đoạn việc học, có em còn bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề do bị cách ly, phân biệt đối xử khi bỗng dưng thành… F!

 Những học sinh là F0, F1 đang duy trì việc học trong điều kiện phải cách ly rất cần được giáo viên quan tâm, giúp đỡ về nhiều mặt. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Những học sinh là F0, F1 đang duy trì việc học trong điều kiện phải cách ly rất cần được giáo viên quan tâm, giúp đỡ về nhiều mặt. Ảnh: Vĩnh Hoàng



Mới đây, một phụ huynh phản ánh: Con gái chị là học sinh một trường THCS trên địa bàn TP. Pleiku. Chỉ sau 1 ngày, cháu bỗng “nổi tiếng” cả trường vì là F1. Nháo nhào truy vết, cách ly. Dù vậy, cháu vẫn tích cực tham gia học online cùng cả lớp. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có việc trong các buổi học, 1 giáo viên bộ môn nọ liên tục gọi tên học trò F1 để hỏi xem đã có kết quả xét nghiệm lần 1, 2, 3 hay chưa… nhưng không phải bằng sự quan tâm, yêu thương mà là giọng điệu ngán ngẩm. Có lần, giáo viên này còn hối thúc: “Em phải hỏi xem có kết quả chưa chứ. Bây giờ cô là F2, chồng cô là F3, chưa có kết quả thì biết đến bao giờ chồng cô mới được đi làm bình thường đây?”. Thái độ thiếu tế nhị, kém cảm thông ấy của giáo viên đã khiến học trò buồn bã, mặc cảm dẫn đến không còn hứng thú học tập.

Cùng một vấn đề nhưng ngược lại cô Lê Thị Thúy Hằng-giáo viên Trường THCS Bùi Thị Xuân (phường Yên Thế, TP. Pleiku) chia sẻ câu chuyện: Lớp chị có 1 học sinh là F1, phải cách ly tập trung. Tuy vậy, em vẫn dùng điện thoại có kết nối 4G để học online không sót buổi nào, vẫn tích cực phát biểu xây dựng bài. Khi cô giáo hỏi thăm tình hình sức khỏe mới biết, mẹ và em của em đó đã trở thành F0. “Thương quá! Vậy nên tôi vừa dạy học vừa động viên học trò để các em có thêm năng lượng tích cực”-cô Hằng bày tỏ. “Cần gì thì nhắn tin cho cô. Giúp được thì cô sẽ cố gắng hết sức”-những tin nhắn như thế của cô giáo có tác dụng động viên tinh thần, giúp học sinh vượt qua cú sốc tâm lý do Covid-19.

Tuy chưa có báo cáo đầy đủ về số học sinh phải điều trị hoặc thực hiện các hình thức cách ly do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, nhưng theo thông tin từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tổng số trẻ F0 và F1 trong cả nước tính đến ngày 10-9-2021 là hơn 40 ngàn. Dữ liệu mới nhất từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cho thấy, trên toàn cầu cứ 7 em thì có ít nhất 1 em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa; hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí đang khiến nhiều em rơi vào khủng hoảng tâm lý với những biểu hiện: lo âu, sợ hãi, căng thẳng, suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài học.

Chương trình tập huấn trực tuyến tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thu hút hơn 1.000 cán bộ, giáo viên các trường phổ thông tham dự tại 400 điểm cầu trong toàn quốc. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, chương trình nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của tư vấn, hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19; cung cấp kiến thức, kỹ năng về những vấn đề tâm lý thường gặp của học sinh; kỹ năng nhận diện những khó khăn, khủng hoảng tâm lý của học sinh trong dịch bệnh. Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: “Tư vấn tâm lý cho học sinh là vấn đề quan trọng để giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng trường học an toàn, thân thiện. Việc tư vấn tâm lý cho các em cần quan tâm cả đến giáo dục kỹ năng sống nhằm tăng ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử, hoàn thiện nhân cách”.

Không chỉ có kỹ năng, trình độ chuyên môn, tình hình đòi hỏi cán bộ, giáo viên còn phải có kiến thức sâu về tâm lý, tư vấn tâm lý học đường, nhất là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và cán bộ Đoàn-Đội không chỉ thông qua các đợt tập huấn của ngành. Trên hết là tình yêu thương thật sự dành cho học trò để dìu đỡ các em nhanh chóng vượt qua khủng hoảng bởi đại dịch toàn cầu.

 

 LAM NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm