“Công nhân đi đọc và ghi chỉ số là 2 quá trình, nắng nóng khủng khiếp nhưng vẫn phải làm việc bình thường trên lưới... Nếu mỗi ngày ghi 100 côngtơ, rồi phải đi kiểm tra, phúc tra nên khó làm hoàn toàn chính xác được”.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - trưởng ban kinh doanh EVN (bìa phải) - giải thích cho khách hàng về công khai, minh bạch số liệu trên thị trường mua bán điện - Ảnh: N.AN
Đoàn kiểm tra do ông Võ Quang Lâm - phó tổng giám đốc EVN - làm trưởng đoàn, với sự tham gia của Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học - công nghệ) và Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), sẽ đi kiểm tra thực tế tại các tổng công ty trực thuộc EVN kéo dài tới cuối tháng 6-2020.
Tiền điện tăng bất thường
Làm việc tại Công ty điện lực Thanh Xuân (thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội), ông Nguyễn Minh Phương - giám đốc Điện lực Thanh Xuân - cho hay nhu cầu điện sử dụng mùa nắng nóng tăng gấp 3 lần, có thời điểm lên tới 4 triệu kWh. Chẳng hạn, trong tháng 5-2020, có gần 3.000 khách hàng của đơn vị này có sản lượng điện sử dụng vượt quá 30% thì đến tháng 6 có tới 63.630 khách hàng. Việc tiếp nhận khiếu nại của khách hàng cũng tăng lên với 3.600 cuộc gọi.
"Yêu cầu phúc tra nhiều nhất vẫn là vấn đề hóa đơn tiền điện với hơn 1.500 yêu cầu, kiểm tra thiết bị đo đếm là 434 yêu cầu...", ông Phương cho biết. Để kiểm tra thực tế, đoàn công tác đã rà soát ngẫu nhiên và trực tiếp đến làm việc với hộ ông Hà Văn Dũng (địa chỉ A3 khu tập thể Bệnh viện Nội tiết Thanh Xuân), một khách hàng của Điện lực Thanh Xuân. Tại buổi làm việc, ông Dũng cho hay vừa nhận được hóa đơn tiền điện tháng 6 lên tới 900 kWh, tăng gấp đôi so với tháng trước đó.
"Tôi cảm thấy bất thường vì thiết bị điện và thời gian sinh hoạt không thay đổi mà tiền điện tăng gấp đôi. Kết quả kiểm định côngtơ cho thấy không vấn đề gì. Tôi không yêu cầu kiểm định độc lập vì cho rằng không phải do côngtơ. Nhưng cách giải thích vẫn chưa được thỏa mãn, vì mức tăng thêm cao quá, nên chăng là xem lại cách tính giá điện làm sao cho phù hợp vì vấn đề biểu giá cũng được nêu rất nhiều" - ông Dũng nói.
Tại hộ gia đình anh Trịnh Trường Thành (ngõ 64 Vũ Trọng Phụng) cũng có tình trạng tiền điện tháng 5 tăng cao đột biến, lên 2,2 triệu đồng, gần gấp 2 lần mức 1,2 triệu đồng trước đó. Chưa hết, từ tháng 3-2020, sau khi ngành điện thay côngtơ, anh không nhận được tin nhắn, trong khi tiền điện tăng cao. Tuy nhiên, sau khi anh liên hệ, nhân viên điện lực giải thích rằng lượng điện tiêu dùng tháng 5 tăng cao đột biến so với tháng 4, nhưng xấp xỉ mức cùng kỳ nên gia đình anh không còn thắc mắc.
Anh Nguyễn Ngọc Đức ở Q. Gò Vấp,TP.HCM phản ánh tiền điện tăng hơn 300.000 đồng vì ghi điện viên ghi sai - Ảnh: TỰ TRUNG
Đăng ký lượng điện tiêu thụ để kiểm soát?
Ông Nguyễn Quốc Dũng - trưởng ban kinh doanh của EVN - cho biết việc lắp đặt hệ thống côngtơ đo đếm là trách nhiệm của ngành điện đã được quy định tại Luật điện lực. Đến nay, tỉ lệ lắp đặt côngtơ điện tử đạt 52%, cho phép trực tiếp truyền dữ liệu về hệ thống mà ít phải có sự can thiệp của con người. Tuy nhiên, với hệ thống côngtơ cơ, người công nhân phải trực tiếp đến hiện trường đọc côngtơ, ghi chỉ số vào máy tính bảng nên quá trình này có thể xảy ra sai sót.
“Công nhân đi đọc và ghi chỉ số là 2 quá trình, nắng nóng khủng khiếp nhưng vẫn phải làm việc bình thường trên lưới. Khi nhập dữ liệu, nếu điện sử dụng tăng thêm 30% là phải kiểm tra, phúc tra. Nếu mỗi ngày ghi 100 côngtơ, rồi phải đi kiểm tra, phúc tra nên khó làm hoàn toàn chính xác được” - ông Dũng nói, đồng thời khẳng định nhân viên điện lực sẽ không được gì nếu ghi sai côngtơ và cũng không ai được hưởng lợi nếu cố tình làm sai.
Theo bà Tô Lan Phương - trưởng ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực Hà Nội, đến nay Hà Nội đã lắp đặt 70% côngtơ điện tử đo tự động, khách hàng có thể trực tiếp tra cứu chỉ số sử dụng điện hằng ngày trên website chăm sóc khách hàng hoặc app theo dõi. Ngoài ra, có thể đăng ký kiểm soát nhu cầu sử dụng điện bằng cách đăng ký lượng điện tiêu thụ để có cảnh báo nếu sử dụng vượt quá mức cho phép.
Với hệ thống côngtơ cơ, lãnh đạo Điện lực Thanh Xuân nhìn nhận “không tránh khỏi sai sót” trong quá trình ghi chỉ số. Do đó, bà Phương cho biết đã áp dụng công nghệ camera kết hợp máy tính bảng, yêu cầu nhân viên ghi chỉ số phải chụp ảnh và đều có lưu giữ ảnh chụp từng côngtơ với thời gian cụ thể. “Hình ảnh này được gửi về website chăm sóc khách hàng để có thể truy cập và kiểm tra vào cuối kỳ ghi chỉ số”, bà Phương nói.
Vụ ghi nhầm tiền điện tăng 30 lần: Nghệ An rà soát chỉ số điện toàn tỉnh Tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí chiều 25-6, ông Nguyễn Xuân Lợi - phó giám đốc Điện lực Nghệ An - cho biết sau sự cố “ghi nhầm tiền điện tăng 30 lần” của một khách hàng ở huyện Quế Phong, Điện lực Nghệ An đã thành lập hai đoàn kiểm tra, yêu cầu 18 đơn vị điện lực rà soát lại toàn bộ việc ghi chỉ số côngtơ và phát hành hóa đơn tiền điện của gần 1 triệu khách hàng. “Các đơn vị tăng cường công tác phúc tra chỉ số côngtơ nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng ghi chỉ số, đặc biệt là các khách hàng có sản lượng tăng, giảm bất thường từ 30% so với tháng liền kề trước đó. Những trường hợp kiểm tra phát hiện tăng cao bất thường phải có biên bản làm việc với khách hàng”, ông Lợi nói. Trước đó, ngày 19-6, sau khi chỉ số điện tháng 6 của khách hàng ở thị trấn Quế Phong được nhập vào máy tính, Điện lực Quỳ Châu phát hiện có sự chênh lệch tiền điện so với tháng trước. Theo đó, lượng điện tiêu thụ trong tháng 6 lên tới hơn 16 triệu đồng, tăng hơn 30 lần so với mức tiêu thụ bình quân khoảng 500.000 đồng/tháng trước đó. Sau khi xảy ra sự việc, Điện lực Quỳ Châu đã tổ chức họp kiểm điểm tập thể, các cá nhân liên quan. Theo đó, đơn vị này đề xuất đình chỉ công tác ông Đặng Minh Đức - nhân viên nhập chỉ số điện; phê bình, khiển trách ông Bùi Đăng Phúc (nhân viên ghi chỉ số điện sai) và tạm đình chỉ công tác ông Trương Quang Định (giám đốc đơn vị) trong vòng 15 ngày. DOÃN HÒA |
NGỌC AN (TTO)