Phóng sự - Ký sự

Hoàng Sa xa mà gần: Có chồng đi biển Hoàng Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xưa đi biển Hoàng Sa lo sóng to gió lớn, lo rủi ro với nghề lặn biển muôn trùng. Nay các bà vợ có chồng đi biển Hoàng Sa lại thêm nỗi lo nữa: bị tàu Trung Quốc ngang ngược rượt đuổi, đâm chìm, tính mạng như treo trên sợi tóc.

Hình ảnh tàu cá QNg 90617 TS bị tàu tuần tra Trung Quốc đâm chìm sáng 2.4.2020 ẢNH: NGƯ DÂN CUNG CẤP
Hình ảnh tàu cá QNg 90617 TS bị tàu tuần tra Trung Quốc đâm chìm sáng 2.4.2020 ẢNH: NGƯ DÂN CUNG CẤP
Thế nhưng, dù thường trực nỗi lo cho chồng cho con, những người vợ, người mẹ có chồng có con bám biển Hoàng Sa vẫn đứng sau lưng động viên chồng, con vững tin ra khơi mưu sinh, giữ biển trời Tổ quốc.
“Biển cho cái ăn thì phải giữ biển nước mình”
Một sáng mùa đông, khi biển phủ sóng trắng xóa vào bờ kè bê tông ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), tôi tìm đến nhà ngư dân Đặng Dũng (48 tuổi). May mắn cho tôi, do biển động nên ông Dũng không ra khơi, ở nhà với gia đình. “Thôi thì đi biển 30 năm rồi, ở nhà với vợ một tháng cuối năm cho bả đỡ âu lo”, ông Dũng nói. Cưới vợ gần 30 năm, nhưng đây là lần ông Dũng ở nhà với vợ lâu nhất. Bởi mỗi năm 7 phiên biển Hoàng Sa, đi hơn một tháng mới về, rồi vội vàng quày quả quay ra biển, mấy khi nằm yên ngủ giấc ngon lành ở nhà.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi): Mong nhà nước, các tổ chức hỗ trợ cho vợ chồng anh Thọ được đóng tàu mới để tiếp tục bám biển Hoàng Sa. Vì đây là thuyền trưởng rất giỏi.
Từ một gia đình khó khăn vươn lên, bây giờ lại hoàn nghèo vì bị TQ đâm chìm tàu. 
Ông Dũng thuộc tuýp thuyền trưởng hào sảng. Tàu bạn bị nạn trên biển, nghe tin là đưa tàu đến cứu ngay. Gần nhất là đầu tháng 4.2020, ông Dũng nghe tàu cá của thuyền trưởng Trần Hồng Thọ (34 tuổi, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu) bị tàu Trung Quốc (TQ) số hiệu 4001 đâm chìm trong đêm, liền vội lao đến cứu hộ. Hôm ấy, tàu cá ông Dũng sắp đến ngày quay vào bờ để kết thúc phiên biển. Nặng cá trên khoang nên tàu khó chạy nhanh. Dù vậy, ngay trong đêm, ông Dũng vẫn tìm đến địa điểm tàu cá anh Thọ bị chìm để tìm kiếm.
Lúc lao tàu đi, ông Dũng đã kịp liên lạc với hai tàu cá khác thì biết anh em cũng đang tham gia cứu bạn tàu như mình. Đến nơi, tàu cá anh Thọ đã chìm, còn ngư dân thì bị TQ bắt đưa lên tạm giữ trên tàu của họ. Không thấy ngư dân, ông Dũng cứ chạy lòng vòng trên biển tìm kiếm. Bên TQ thấy tàu ông Dũng, liền chạy theo để bắt giữ. Do đầy cá nên tàu của ông Dũng không thể chạy nhanh và cũng không thể chơi chiêu, chạy lắt léo tránh tàu TQ tiếp cận, nên cuối cùng bị chúng bắt được. Phiên biển ấy, bao nhiêu cá đánh bắt cả tháng trời bị chúng lấy hết, tài sản trên tàu bị đập phá, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Dũng, một số tàu cá của xã Bình Châu đã bị phía TQ theo dõi, chú ý vì thường vào sát các đảo có lính TQ đóng quân trái phép để đánh bắt. Có lần bị phía TQ đuổi khoảng 15 hải lý, khi chúng quay về đảo thì ông Dũng cũng chậm rãi cho tàu cá chạy phía sau để vào vùng đánh bắt quen thuộc. “Có lẽ TQ theo dõi nên biết mọi hoạt động của tàu cá tôi. Vì vậy đã 3 lần tôi bị tàu TQ bắt giữ, lấy sạch cá và bị chặt phá dây hơi”, ông Dũng nói.
Vợ ông Dũng là bà Võ Thị Búp góp chuyện: “Ổng chuyến nào ra biển cũng bị tàu TQ rượt đuổi. Có phiên bị đuổi 5 - 7 lần, hỏi ai ở nhà không lo, không thót tim. Trước ra Hoàng Sa lo bão tố trên biển, giờ thì lo nhất là bị TQ rượt đuổi, lỡ như nó đâm chìm tàu...”.
Đời người đàn bà lấy chồng xứ biển, sáng vui chiều buồn có tự xưa đến nay, họ đều sống trong cảnh nơm nớp trông chờ. Bà Búp cũng vậy. “Khi nào thấy ổng từ cabin tàu bước ra, đi lên bờ mới thở phào nhẹ cả người. Nhưng biết làm sao đây, sống nghề biển thì ăn ngủ với biển. Biển cho cái ăn thì mình phải giữ biển nước mình. Ra biển còn vì tương lai con cái nữa em à…”, bà Búp nói, chỉ tay lên tấm ảnh chụp cả gia đình, trong đó có hai người con trai đã tốt nghiệp đại học, cô gái út thì học năm cuối Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm Huế.

Lặn đêm ở Hoàng Sa ẢNH: LÊ CHƯƠNG
Lặn đêm ở Hoàng Sa ẢNH: LÊ CHƯƠNG
Ra biển để giữ đảo
Trở lại thôn Phú Quý, xã Bình Châu, tôi tìm đến nhà thuyền trưởng Trần Hồng Thọ, chủ tàu cá QNg 90617 TS, đã bị tàu tuần tra TQ đâm chìm ở khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa vào rạng sáng 2.4.2020. Tiếp tôi, anh Trần Hồng Thiên (em ruột thuyền trưởng Thọ) cho biết, anh Thọ đã đi biển rồi, đi “bạn” (làm thuê) trên tàu cá người ta, chừng giữa tháng chạp mới về. Anh Thiên nói buồn, từ khi anh trai mình mất tàu, anh theo tàu khác làm thuê và cũng vừa về nhà được 4 ngày.
Nhớ lại con tàu cũ, anh Thiên vẫn còn bức xúc: “Tàu TQ ném đá nát tan con tàu cá của gia đình tôi. Cứ tưởng như thế rồi nó bỏ đi, ai ngờ còn quay ngang tàu đâm vô tàu cá lần nữa cho chìm hẳn. Tôi thì không nói, còn như anh Thọ, từ một thuyền trưởng ngang dọc Hoàng Sa, bị TQ tông chìm tàu trong một đêm, giờ trắng tay, quay lại kiếp làm thuê”.
Nhớ ngày tàu cá QNg 90617 TS bị tàu tuần tra TQ đâm chìm hồi tháng 4.2020, chị Nguyễn Thị Chi (vợ anh Thọ) đêm ôm con nhỏ vào lòng thao thức, ngày thì cùng mẹ chồng ra biển ngóng, trông chờ mỏi mòn với hy vọng thấy tàu cá của chồng trở về. Những ngày đó, chị Chi và mẹ chồng luôn nhắc lại câu: Sao họ lại ác vậy, đâm chìm tàu cá của mình? Bà Nguyễn Thị Thu, mẹ chồng chị Chi, thì như thấu qua bóng đêm, hỏi con dâu: “Làm sao trả được món nợ vay 500 triệu đồng đây!?”.
Chị Chi kể: “Những lần anh Thọ xuất bến thường dặn vợ phải may lá cờ Tổ quốc mới, vì sau mỗi phiên biển, cờ hay bị tơi tả trước mưa gió. Có cờ trên tàu xem như mình ra giữ đảo, giữ biển”. Thế nhưng đến nay đã 9 tháng rồi, chị Chi không còn may cờ nữa. Trong tủ vẫn còn đó lá cờ chị chuẩn bị sẵn cho chồng, nhưng tàu cá còn đâu để treo cờ.

Cá đánh bắt từ Hoàng Sa ẢNH: LÊ CHƯƠNG
Cá đánh bắt từ Hoàng Sa ẢNH: LÊ CHƯƠNG
Ở thôn Phú Quý, các ngư dân thiện chiến ở ngư trường Hoàng Sa khi về đất liền tập trung nói chuyện vẫn kể chuyện thuyền trưởng Thọ mỗi lần đi lặn, đều chèo thuyền có treo cờ Tổ quốc áp sát đảo Phú Lâm và các đảo thuộc Hoàng Sa, kể cả khi đối mặt với tàu TQ. “Anh Thọ không kể chuyện này, bởi ảnh ít nói, và có lẽ không muốn vợ lo lắng. Em đâu có hay gì, chỉ biết khi các anh, các chú đi biển Hoàng Sa về kể lại, mới nghe lỏm được chuyện bị tàu tuần tra TQ áp sát, hụ còi, đâm chìm tàu cá diễn ra ở các phiên biển”, chị Chi nói rồi cười: “Anh Thọ vẫn thường nói đảo Hoàng Sa là của mình, cứ vô mà đánh cá, có chi mà sợ”.
Thật ra, làm vợ của ngư dân Hoàng Sa, năm nào chị Chi cũng một vài phen chạy ngược chạy xuôi để nhận tin “bị rượt, sắp bị bắt”. Mùa biển năm 2019, chiếc tàu QNg 90617 TS ra khơi đánh bắt. Trên tàu ngoài ngư dân Quảng Ngãi còn có các ngư dân ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa ra đi bạn. Tàu nhổ neo đi cắt qua đảo Lý Sơn rồi hướng về đảo Quang Ảnh nằm ở mạn đông nam quần đảo Hoàng Sa. Từ khu vực này, chiếc tàu tiếp tục đi vào cụm Lưỡi Liềm theo hướng vòng ra phía tây và vào cụm đảo qua khu vực hòn đảo Hữu Nhật. Các ngư dân đi đánh cá và tự vạch lộ trình theo cách tự nhiên, nhưng tuyến hải trình đó lại trùng khít với hải trình của tàu HQ 16 Lý Thường Kiệt trong cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974.
Lần đó, sau nhiều đêm đánh cá tại khu vực này, tàu QNg 90617 TS bị tàu tuần tra TQ bám theo, rượt đuổi và đâm hỏng. Chị Chi cho biết không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần tàu cá của gia đình bị tàu TQ rượt đuổi, bắt ngư dân xúc cá đổ xuống biển, sau đó dùng dao phay chặt phá dây hơi, tháo gỡ thiết bị trên tàu cá... Chị Chi tâm sự, những lần chồng ra Hoàng Sa, nói là ra đó kiếm cơm, giữ đảo, nếu có rủi ro gì thì cũng vì ra đi giữ đảo cho Tổ quốc. Và rồi, rủi ro mà thuyền trưởng Thọ tiên liệu đã đến như là một tai nạn khó tránh khỏi của những ngư dân ngày đêm bám biển Hoàng Sa. Chị Chi cũng vậy, đã làm vợ có chồng đi biển Hoàng Sa, nếu không lo âu, không thấp thỏm thì đâu phải là vợ của ngư dân Hoàng Sa.
Theo Phạm Anh-Lê Chương (TNO)

Có thể bạn quan tâm