Văn hóa

Ẩm thực

Học ăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tục ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Tôi hiểu ăn trong câu nói trên là ăn cho lễ phép, gọn gàng, có quy tắc cư xử trong khi ăn.

Nhưng tôi chưa bao giờ được hiểu phải ăn như thế nào cho phù hợp với cơ thể của mình. Vậy nên, dù đã gần 40 tuổi, tôi vẫn quyết định đăng ký tham gia lớp học ăn.

Để có sức khỏe tốt, theo tôi nghĩ, cần hiểu đúng về nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người. Mà muốn hiểu đúng và thực hành cho tốt chỉ có thể thông qua việc học tập (ảnh minh họa)

Để có sức khỏe tốt, theo tôi nghĩ, cần hiểu đúng về nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người. Mà muốn hiểu đúng và thực hành cho tốt chỉ có thể thông qua việc học tập (ảnh minh họa)

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp việc học trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Con người cũng có nhiều kênh lựa chọn để có thể học tập suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi. Ngoài mở mang tri thức, hiểu biết thì học cũng để phục vụ cuộc sống bản thân và gia đình tốt hơn, mà học ăn là điều chúng ta cần, bởi có ai sống mà không phải ăn. Nhất là khi thói quen ăn uống không đúng cách là nguyên nhân phát sinh các loại bệnh tật.

Với thời lượng 21 buổi học và học phí không quá cao (chỉ khoảng 50 ngàn đồng/buổi học online), tôi có thể hiểu được các khái niệm, triết lý về dinh dưỡng, nhu cầu của cơ thể cũng như việc cá biệt hóa bữa ăn. Từ đó, tôi biết cách lên khẩu phần phù hợp với mâm cơm gia đình của mình.

Trẻ con có nhu cầu dinh dưỡng khác người lớn, việc trao đổi chất diễn ra cũng hoàn toàn không giống nhau. Nhưng chúng ta thường ăn cùng một loại thức ăn. Như gia đình tôi, con chỉ ăn riêng khi dưới 2 tuổi. Còn hiện tại, cả gia đình cùng ăn giống nhau. Việc chuyển hóa, trao đổi chất trong cơ thể con người ở mỗi giai đoạn khác nhau nên nhu cầu khác nhau. Và, dù chung sống cùng nhau nhưng tôi và ông xã cũng có khẩu vị khác biệt. Tôi không thể mỗi ngày nấu 4 món ăn cho 4 người nhưng ít nhất cũng tìm được những điểm chung trong tổ chức bữa ăn để phù hợp nhất cho từng cá nhân.

Về triết lý dinh dưỡng, các thầy-cô giáo đã cung cấp cho chúng tôi kiến thức về sự trao đổi chất, tầm quan trọng của nước, cách uống nước đúng, đầy đủ. Vận động phù hợp và cả các món ăn về tinh thần như sự yêu thương, biết ơn, hạnh phúc cũng chính là những “dưỡng chất” cho tâm hồn. Mà sức khỏe thể chất và tinh thần có liên quan mật thiết với nhau. Tôi cũng hiểu, bữa ăn của gia đình mình hiện nay chưa phù hợp, còn sử dụng nhiều muối.

Tôi là người luôn biết quan tâm đến sức khỏe, nên thường đọc sách để tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, mỗi trường phái, mỗi tác giả lại có cái nhìn khác nhau. Chính vì vậy, tôi chắt lọc để có thể hiểu và áp dụng theo văn hóa, thói quen của gia đình. Tuy nhiên, để có hệ thống, triết lý thì đòi hỏi phải học, dưới sự dẫn dắt của người có chuyên môn, từ đó mới có thể chăm sóc bản thân một cách tốt nhất.

Sức khỏe là vốn quý của con người. Nhưng không phải ai trong số chúng ta cũng biết cách ăn uống khoa học để có một cơ thể khỏe mạnh. Hoặc dẫu có biết nhưng để thực hành được đòi hỏi mỗi người phải có kỷ luật, có sự hướng dẫn, nhắc nhở thì mới đạt được hiệu quả cao nhất.

Tôi cũng thường đi khám sức khỏe định kỳ. Về vóc dáng thì khá cân đối, tuy nhiên, bác sĩ thông báo mỡ máu của tôi hơi cao, cần kiểm soát. Khi đem điều này hỏi thầy-cô giáo trong lớp học thì mới biết là do tôi thích ăn đồ ngọt và chất béo vào ban đêm. Tôi thường biện hộ vì cơ thể cần nên mới thèm. Nhưng khi được học tổng quan tôi mới hiểu, việc mình tạo ra thói quen ăn nhiều đường là không tốt cho sức khỏe trong tương lai khi mà tuổi ngày càng lớn thì việc trao đổi chất dần khó khăn hơn.

Hiểu về dinh dưỡng và kiểm soát được thói quen ăn uống không lành mạnh thực sự rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, khi mà trẻ thừa cân đang ngày càng nhiều.

Chúng ta thường ăn theo thói quen, cũng như sự tiện lợi. Tuy nhiên, để có sức khỏe tốt, theo tôi nghĩ, cần hiểu đúng về nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người. Mà muốn hiểu đúng và thực hành cho tốt chỉ có thể thông qua việc học tập.

Có thể bạn quan tâm