Xã hội

Đời sống

Học cách kiềm chế cảm xúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Người ta nói: “nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh”. Vậy làm thế nào để xây dựng “bản lĩnh” và có thể kiềm chế cảm xúc xấu?

Bất đồng quan điểm, mâu thuẫn về mặt lợi ích hoặc đơn giản chỉ là khởi đầu bằng những lời qua tiếng lại mất kiểm soát chính là nguồn cơn của những xung đột đáng tiếc.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Sáng 25-6 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Võ Duy Phú (SN 1992, trú tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) 16 năm tù về tội “Giết người”.

Trước đó, Phú đến quán bida chơi với bạn. Tại quán, Phú bị bạn cùng chơi là Phạm Tuấn Vũ ép uống bia nhưng Phú từ chối. Vũ đã khiêu khích, xúc phạm và cầm cây gậy bida đánh vào đầu của Phú. Bực tức, Phú đã về nhà lấy dao tự chế rồi quay lại quán bida chém Vũ tử vong. Sự việc trên cho thấy, việc thiếu kiềm chế cảm xúc đã khiến 1 người thiệt mạng khi mới 36 tuổi, còn người kia phải trả giá bằng mức án 16 năm tù.

Trước đó, ngày 23-5, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Sáng (SN 2001) 9 năm tù; Dương Văn Thông (SN 1999, cùng trú tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) 8 năm tù cùng về tội “Giết người”. Nạn nhân là anh Nguyễn Đức Tùng (SN 1999, trú tại xã Ia Kla, huyện Đức Cơ). Nguyên nhân xuất phát từ một việc rất “trời ơi” là khi anh Tùng đi ngang qua nhà mình, Sáng cho rằng anh Tùng nhìn đểu nên vào nhà lấy hung khí và rủ Thông đến đánh khiến anh này tổn hại 5% sức khỏe.

Đó là những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng và đã bị xử lý theo quy định. Nhưng trong cuộc sống, có biết bao nhiêu việc khó xử lý và cũng để lại những hậu quả đáng tiếc như mất việc, mất bạn bè, mất người thân... chỉ vì một phút thiếu kiềm chế, “cả giận mất khôn”.

Chị Hoàng Hải Hà-công chức tại TP. Pleiku-chia sẻ: Môi trường công sở thoạt nhìn khá bình lặng, nhưng “phía hậu trường thật lắm drama”. Bạn Q. được người quen giới thiệu xin vào cơ quan làm việc. Tuy là ban đầu do người quen xin vào, nhưng trong quá trình thử việc, Q. vẫn phải thể hiện năng lực của mình giống như những người khác.

Song sau lưng, Q. đã “gánh” khá nhiều đồn đoán, nào là đi cửa sau, nào là được lãnh đạo ưu ái, thậm chí không thiếu những đồn đoán ác ý liên quan đến đạo đức...

Người đồn đoán thì hả hê một lúc, nhưng người bị đồn đoán thì ấm ức, rồi nhìn ai cũng nghi ngờ người ta “chơi xấu” mình. Những ấm ức đó đã “vỡ” ra khi một lần, bị trả lại báo cáo làm chưa đạt, Q. đã “bật” lại lãnh đạo trực tiếp của mình và cho rằng lãnh đạo đã không công bằng, có ác cảm với mình từ những đồn đoán vô căn cứ nên gây khó dễ.

Theo chị Hà, trong môi trường làm việc ngày càng nhiều căng thẳng, áp lực, thay vì nóng giận, sao không chọn cách tĩnh tại để sáng suốt xử lý. “Tôi nghĩ đó là tố chất mà không chỉ những người làm công ăn lương mà một người làm lãnh đạo cũng cần rèn luyện.

Riêng bản thân tôi, có rất nhiều cách để tôi kiềm chế cảm xúc xấu khi nảy sinh như chia sẻ với người mình thực sự tin tưởng hoặc viết nhật ký. Nếu có những việc không thể kiềm chế thì khóc một trận hay xỏ giày chạy vài vòng quanh quảng trường, vậy là mọi thứ khó chịu được xả ra hết”-chị Hà tâm sự.

Tục ngữ có câu “cả giận mất khôn”. Việc mất bình tĩnh có thể làm người ta dễ nổi cáu, cãi nhau, thậm chí đánh nhau, sát hại nhau. Vì vậy, theo các chuyên gia tâm lý, khi rơi vào thử thách, điều trước nhất là cần dừng lại, tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Chúng ta luôn ghi nhớ rằng “cáu giận là xấu xí” thì chúng ta sẽ nỗ lực hết sức để không phạm phải.

Có thể bạn quan tâm