Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Học cách làm chủ bản thân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chúng ta vẫn thường nghe câu: Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu! Thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau, thiết nghĩ xuất phát chủ yếu từ yếu tố chủ quan trong mỗi con người. Để hiện thực hóa ước mơ, có được một cuộc sống hạnh phúc, mỗi người không chỉ phải biết tin vào bản thân, phát huy hết nội lực của bản thân mà còn phải làm chủ được mình trong mọi hoàn cảnh.
Làm chủ bản thân là làm chủ tất cả những gì xuất phát từ chính mình. Trước hết là làm chủ suy nghĩ, nhận thức của bản thân, không để bị phụ thuộc hoàn toàn, bị ép buộc theo cách nghĩ của người khác. Làm chủ bản thân còn là làm chủ cảm xúc, làm chủ mọi hành vi, lời nói, việc làm trong mối quan hệ với bản thân cũng như đối với người khác.
Thực tế cho thấy, nhiều người vì không làm chủ được bản thân đã dẫn đến những hậu quả, hệ lụy đáng tiếc, khôn lường. “Lời nói đọi máu”, nếu lỡ lời, đơn giản thì có thể làm mất lòng nhau. “Sai một ly đi một dặm”, không làm chủ được hành vi, việc làm của bản thân dẫn đến những hành động lệch lạc, sai trái, rất có thể phải đối diện với hậu quả nặng nề. Hay như “giận quá mất khôn”, nếu không làm chủ được cảm xúc, nhất là khi đang tức giận thì có thể phải hối hận trước những điều đã làm và rồi chỉ còn biết nuối tiếc bằng những câu “giá như…”.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Ai đó đã nói rất đúng rằng: Chiến thắng lớn nhất của mỗi người không phải là chiến thắng người khác mà là sự chiến thắng chính bản thân mình. Chỉ khi nào chúng ta làm chủ được bản thân thì mới có thể làm nên những điều tốt đẹp. Ai làm chủ được bản thân mới có thể phát huy được năng lực, phẩm chất. Ai làm chủ được bản thân sẽ thấy tự tin, tự tại trước cuộc sống. Làm chủ được bản thân sẽ tránh được tâm lý đám đông, giúp ta có chính kiến, khẳng định được giá trị, vị thế riêng trong xã hội. Làm chủ được bản thân chắc chắn sẽ khiến cuộc sống mỗi người trở nên an toàn, thành công hơn.
Muốn làm chủ được bản thân, hơn ai hết, mỗi người trước tiên phải hiểu rõ về bản thân mình. Chỉ khi hiểu rõ về những điểm mạnh, điểm yếu của mình, chúng ta mới biết cách phát huy hay tiết chế bản thân trong những trường hợp cụ thể. Người luôn có ý thức tự lập sẽ không dễ gì bị phụ thuộc, lôi kéo bởi người khác; không dễ gì nghĩ theo, làm theo người khác một cách vô điều kiện.
Cổ nhân từng dạy: “Ăn có nhai, nói có nghĩ”. Nếu chúng ta giữ được sự bình tĩnh, suy nghĩ cẩn trọng trước mỗi lời nói, việc làm thì hoàn toàn có thể làm chủ được bản thân, điều khiển được bản thân mình như mong muốn. Để làm chủ được bản thân và đưa ra được những quyết định đúng đắn, thiết nghĩ còn đòi hỏi mỗi người phải không ngừng nhận thức về thế giới xung quanh, nắm được bản chất, quy luật, xu hướng phát triển của tự nhiên và xã hội.
Nếu mỗi người luôn có ý thức cầu tiến để không ngừng hoàn thiện bản thân thì xã hội sẽ không ngừng phát triển, từ đó mà tạo dựng một cuộc sống tươi đẹp hơn. Và để hiện thực hóa được điều đó, trước hết phải xuất phát từ bản thân mỗi người, trong đó làm chủ được bản thân là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng!
LÊ XUYÊN

Có thể bạn quan tâm