Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Học nghề: Lợi ích từ "mô hình 9+"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Học nghề kết hợp với học văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là trường nghề) đang là lựa chọn của nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.
Mô hình mới
Những năm gần đây, Trường Cao đẳng Gia Lai tiếp nhận khá đông học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề. Riêng năm học 2021-2022, nhà trường tuyển trên 1.000 học sinh, trong đó có 50% tốt nghiệp THCS có nguyện vọng đăng ký vừa học nghề vừa học bổ túc văn hóa theo “mô hình 9+”. Mô hình này đang được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm. 
Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai-cho biết: Từ khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực (ngày 1-7-2020), học sinh tốt nghiệp THCS có quyền đăng ký thẳng hệ đào tạo cao đẳng thay vì phải học qua trình độ trung cấp. Đây là mô hình đào tạo song hành học nghề và học văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp THCS, có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao hơn, rút ngắn thời gian đào tạo. Mô hình này đã triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới. Và hiện tại, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS với 10 ngành, nghề trọng điểm gồm: công nghệ thông tin, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, quản trị mạng máy tính, thiết kế đồ họa, vẽ và thiết kế trên máy tính, hướng dẫn viên du lịch, diễn viên múa. Phạm vi áp dụng thí điểm trong toàn quốc, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2028. “Mô hình 9+” thành công sẽ được triển khai rộng rãi trên cả nước và được xem là hướng đi hiệu quả trong việc tháo gỡ nút thắt phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.
Học sinh Trường Cao đẳng Gia Lai thực hành sửa chữa xe máy. Ảnh: Đinh Yến
“Theo Luật Giáo dục sửa đổi, nếu học sinh chọn tiếp tục theo học THPT sau đó mới học trung cấp, cao đẳng nghề thì phải mất 5-6 năm mới có thể tốt nghiệp THPT và có bằng cao đẳng, học phí cũng sẽ nhiều hơn. Nhưng nếu học theo “mô hình 9+”, học sinh tốt nghiệp THCS chỉ cần học tổng thời gian khoảng 4 năm. Vừa học nghề vừa học 7 môn văn hóa (Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) của chương trình THPT hiện hành thì các em sẽ có bằng cao đẳng khi thi đủ các môn học văn hóa và đảm bảo được khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được thi lấy bằng tốt nghiệp THPT trong kỳ thi chung với học sinh hệ Giáo dục thường xuyên. Thời gian qua, Trường Cao đẳng Gia Lai tích cực phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) địa phương tổ chức dạy văn hóa trong trường nghề theo quy định”-ông Điều cho hay.
Học xong lớp 9, em Võ Lê Minh Tài (xã Diên Phú, TP. Pleiku) đăng ký học trung cấp Điện công nghiệp. Sau khi học xong trung cấp, em Tài được tư vấn học “mô hình 9+” liên thông lên cao đẳng. “Em thấy rất thuận lợi vì học thêm 1 năm nữa có bằng cao đẳng và có thể học liên thông lên đại học. Hơn nữa, em học nghề còn được hỗ trợ giảm học phí, vay vốn ngân hàng... Hiện các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động có tay nghề chất lượng vì thế, em tin mình sẽ có việc làm sau khi tốt nghiệp”-em Tài nói.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai thông tin thêm: Sau thời gian học nghề, các em nhận bằng tốt nghiệp nghề chính quy và có thể đi làm ngay hoặc học liên thông bậc học cao hơn. “Mô hình 9+” là hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của tỉnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Ngoan-Phó Trưởng phòng Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường Cao đẳng Gia Lai): Phần lớn học sinh học văn hóa ở trường nghề năng lực hạn chế nhưng phải học song song chương trình nghề và chương trình văn hóa nên gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, để có bằng tốt nghiệp THPT, học sinh trường nghề phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm và thi chung đề với học sinh phổ thông. Điều này gây nhiều áp lực cho học sinh trong học tập và thi cử. Và thực tế có nhiều học sinh không mặn mà với việc học văn hóa ở trong trường nghề.
Ngoài ra, cái khó hiện nay là trường nghề không có thẩm quyền dạy văn hóa, mà việc dạy văn hóa cho học sinh THPT lại do trung tâm GDNN-GDTX đảm nhận. Các trường nghề cũng không chủ động được thời gian thực tập nghề cho học sinh tại doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng dạy và học văn hóa
Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, học sinh tốt nghiệp THCS được chọn 1 trong 3 hình thức: Không cần học văn hóa mà chỉ học nghề để tốt nghiệp trung cấp, ra trường đi làm; học 4 môn văn hóa lấy bằng trung cấp, được cấp giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo để học liên thông lên cao đẳng; hoặc chọn học 7 môn văn hóa để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên. Mục đích của việc dạy văn hóa bậc THPT là nhằm giúp học sinh học trung cấp trong trường nghề được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa bậc THPT để có thể theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp.  
Học sinh học nghề nấu ăn Trường Cao đẳng Gia Lai thực hành chế biến nước giải khát. Ảnh: Đinh Yến
Tuy nhiên, thời gian đào tạo trung cấp là 2 năm, trong khi đó học văn hóa lại 3 năm. Sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề, học sinh tiếp tục học văn hóa 1 năm nữa. Vì vậy, theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Gia Lai: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nên điều chỉnh chương trình tổng thể phù hợp với học sinh trường nghề. Việc dạy văn hóa trong trường nghề cần có sự khác biệt, không nên dừng lại ở dạy lý thuyết bởi các môn có tính ứng dụng, gắn với kỹ năng nghề. Việc tích hợp các môn văn hóa vào giáo dục nghề nghiệp, chấp nhận sự tương đương giữa chương trình đào tạo các môn văn hóa trong trường nghề và chương trình văn hóa THPT sẽ thực hiện tốt hơn việc phân luồng học sinh.
“Để nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa trong trường nghề nên bổ sung thêm chức năng dạy văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS ở các trường nghề. Các bộ, ngành liên quan nghiên cứu cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thêm chức năng dạy văn hóa cho học sinh trường nghề. Hiện nay, giáo viên dạy văn hóa Trường Cao đẳng Gia Lai nói riêng và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung trong tỉnh đủ năng lực để dạy văn hóa cho học sinh. Mô hình này Trường Cao đẳng nghề tỉnh Phú Yên đã và đang áp dụng rất thành công”-Thạc sĩ Phạm Văn Điều cho biết.  
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đak Đoa là đơn vị thường xuyên phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai để dạy văn hóa cho học sinh THCS. Bà Võ Thị Hoài Ân-Giám đốc Trung tâm-cho rằng: Để nâng cao chất lượng dạy văn hóa trong trường nghề, các đơn vị cần điều chỉnh chương trình tổng thể phù hợp và đầu tư về đội ngũ giáo viên dạy văn hóa, trang-thiết bị, đồ dùng dạy học. Trước mắt cần tăng cường phối hợp, nâng cao trách nhiệm của trường nghề và trung tâm GDNN-GDTX trong quản lý chuyên môn dạy văn hóa và dạy nghề. Đồng thời, sắp xếp thời gian phù hợp để cho học sinh đảm bảo quá trình vừa học văn hóa vừa thực tập nghề tại các doanh nghiệp. 
ĐINH YẾN
 

Có thể bạn quan tâm