Giáo dục

Học sinh đưa di sản văn hóa vào bảo tàng ảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương, 2 nam sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku) đã xây dựng thành công mô hình bảo tàng ảo. Dự án này vừa xuất sắc đạt giải nhất tại Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2023-2024.

Bảo tồn di sản bằng công nghệ số

Nguyễn Công Trường An (lớp 12C3A) và Đỗ Huy Thịnh (lớp 11C8) đều có thế mạnh về công nghệ thông tin. Cả hai còn đặc biệt thích tìm hiểu văn hóa-lịch sử địa phương và đam mê nghiên cứu khoa học. Có lẽ chính những điểm tương đồng ấy đã giúp An và Thịnh dễ dàng tìm được “tiếng nói chung” với ý tưởng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh nhà thông qua bảo tàng ảo.

Em Nguyễn Công Trường An và em Đỗ Huy Thịnh (bìa phải) tìm hiểu, thu thập tư liệu phục vụ xây dựng bảo tàng ảo tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà
Em Nguyễn Công Trường An và em Đỗ Huy Thịnh (bìa phải) tìm hiểu, thu thập tư liệu phục vụ xây dựng bảo tàng ảo tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà

An chia sẻ: Qua tìm hiểu chúng em được biết, Gia Lai có khá nhiều di tích lịch sử-văn hóa cũng như di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; trong đó có 2 bảo vật quốc gia là Phù điêu Phật Chăm-pa Tây Nguyên và Sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê. Những năm gần đây, tỉnh rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những khó khăn nhất định; một số di sản văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một hoặc chưa thể đến gần với mỗi người dân.

“Hiện nay, có nhiều biện pháp để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và bảo tàng ảo là một trong số đó. Đây là mô hình tham quan bảo tàng trực tuyến với sự hỗ trợ của công nghệ thực tế ảo và các thiết bị thông minh kết nối Internet.

Phương pháp ứng dụng công nghệ tương tác 3D xây dựng bảo tàng ảo trên thế giới xuất hiện từ năm 2008, được nhiều bảo tàng quốc gia lớn tiếp cận và ứng dụng. Ở nước ta, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là nơi đầu tiên triển khai vào năm 2013; sau đó, nhiều bảo tàng ảo khác cũng đã được xây dựng”-Thịnh thông tin thêm.

Em Nguyễn Công Trường An (ngồi) và Đỗ Huy Thịnh trao đổi cùng giáo viên hướng dẫn để hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Mộc Trà
Em Nguyễn Công Trường An (ngồi) và Đỗ Huy Thịnh trao đổi cùng giáo viên hướng dẫn để hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Mộc Trà

Bắt tay hiện thực hóa ý tưởng, An và Thịnh chia nhau tìm kiếm các ứng dụng để xây dựng bảo tàng ảo; đi thực tế thu thập tư liệu về di sản văn hóa; sau đó, dành thời gian để nghiên cứu, phân tích, xử lý tư liệu liên quan.

“Chúng em đã lựa chọn nền tảng Artsteps để dựng mô hình bảo tàng ảo. Dựa vào các công cụ hỗ trợ trên nền tảng này, chúng em tiến hành thiết kế, dựng mô hình 3D; thêm tường, kệ đỡ, xây dựng kho tư liệu cho bảo tàng ảo về hình ảnh, video, văn bản… và chia theo không gian trưng bày”-An cho hay.

Sau khoảng 2 tháng thiết kế, bảo tàng ảo đã được 2 học sinh hoàn thành. Phía sảnh bên ngoài cửa của bảo tàng ảo là logo biểu tượng của tỉnh Gia Lai, sơ đồ và tên bảo tàng. Tiếp đó là phòng giới thiệu tài nguyên văn hóa tỉnh Gia Lai và các phòng trưng bày: thắng cảnh Biển Hồ, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử-văn hóa, di tích quốc gia đặc biệt, Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi (Hơ-mon) của người Bahnar.

Lan tỏa giá trị

Để sản phẩm của mình được nhiều người biết đến hơn, An và Thịnh đã giới thiệu bảo tàng ảo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube và website. Đến nay, trang Facebook của bảo tàng ảo đã có trên 23.000 lượt thích và theo dõi.

Hai em Đỗ Huy Thịnh và Nguyễn Công Trường An (thứ 2 và 3 từ trái sang) giới thiệu mô hình bảo tàng ảo đến học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương. Ảnh: Mộc Trà
Hai em Đỗ Huy Thịnh và Nguyễn Công Trường An (thứ 2 và 3 từ trái sang) giới thiệu mô hình bảo tàng ảo đến học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương. Ảnh: Mộc Trà

Ngoài ra, cả hai còn tiến hành khảo sát qua Google Forms đối với 1.209 học sinh các khối lớp 10, 11, 12 ở 3 trường THPT để đánh giá hiệu quả sử dụng; đồng thời, trực tiếp giới thiệu về bảo tàng ảo tại Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) và Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Thiện). Qua đây, nhiều học sinh đã thấy được vai trò của bảo tàng nói chung và bảo tàng ảo nói riêng trong học tập các môn: Lịch sử, Giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Em khá bất ngờ khi được 2 bạn An và Thịnh đến từ Trường THPT chuyên Hùng Vương giới thiệu về mô hình bảo tàng ảo do chính tay các bạn tạo nên. Trực tiếp truy cập, tìm hiểu, em cảm thấy thú vị hơn khi có thể tham quan, làm giàu tri thức cho bản thân về văn hóa, lịch sử địa phương chỉ bằng những cú nhấp chuột. Hy vọng các bạn có thể tiếp tục mở rộng thêm quy mô của bảo tàng ảo trong thời gian tới”-em Phạm Thị Bích Ngọc (lớp 11A5, Trường THPT Trần Quốc Tuấn) bày tỏ.

Là giáo viên giảng dạy môn Lịch sử, cô Đỗ Thị Hải (Trường THPT chuyên Hùng Vương) có nhiều cơ hội tiếp cận với các di sản văn hóa Gia Lai. Cô cũng rất trăn trở trước thực trạng một số di sản có nguy cơ mai một. Vì vậy, khi nghe An và Thịnh đề xuất ý tưởng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của tỉnh thông qua bảo tàng ảo, cô Hải nhận lời ngay.

“Tôi rất vui khi các em đã biết vận dụng kiến thức, kỹ năng của mình để làm những việc có ích cho cộng đồng, cho địa phương trong thời đại chuyển đổi số hiện nay. Ngoài góp phần quảng bá, lan tỏa giá trị lịch sử và di sản văn hóa của Gia Lai đến với đông đảo người dân, bảo tàng ảo còn có thể sử dụng giảng dạy trong các nhà trường để tạo ra những tiết học tập, trải nghiệm hứng thú; từ đó, giúp học sinh nâng cao hiểu biết, kiến thức về các di sản văn hóa của địa phương nơi mình sinh sống và chung tay gìn giữ, phát huy các giá trị này”-cô Hải nhìn nhận.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công trao thưởng cho Thịnh và An vì đạt giải nhất tại Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 10 năm học 2023-2024. Ảnh: Mộc Trà
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công trao thưởng cho Thịnh và An vì đạt giải nhất tại Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 10 năm học 2023-2024. Ảnh: Mộc Trà

Có thể khẳng định, giải nhất tại Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 10 năm học 2023-2024 là “trái ngọt” dành cho An và Thịnh sau bao ngày cố gắng. Đó cũng chính là động lực để 2 em tiếp tục phát triển, nâng tầm dự án.

“Bên cạnh bổ sung thêm ngôn ngữ tiếng Anh, mở rộng đối tượng trưng bày, giới thiệu các đoạn phim tư liệu dài, tương tác với người xem, lồng tiếng hướng dẫn viên…, chúng em cố gắng mô hình hóa 1 vài hiện vật (trước mắt là đối với 2 bảo vật quốc gia) để người xem dễ hình dung hơn trong quá trình tìm hiểu, tham quan bảo tàng ảo. Chúng em cũng sẽ từng bước tiến đến xây dựng bảo tàng ảo có quy mô lớn hơn về lịch sử-văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai”-An cho biết.

Bà Nguyễn Thị An-Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Gia Lai: Hiện nay, bảo tàng ảo đang được thế giới cũng như một số bảo tàng ở Việt Nam áp dụng nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách trong xu hướng số hóa. Tuy không mới, song ở Gia Lai, đây được xem là mô hình đầu tiên. Đối với các em học sinh, việc quan tâm đến văn hóa, đặc biệt là việc thiết kế mô hình bảo tàng ảo giới thiệu di sản văn hóa của tỉnh đến rộng rãi người dân cũng như du khách xa gần là điều hết sức trân quý. Điều đó chứng tỏ công tác giáo dục về di sản trong trường học đã có bước phát triển mới cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Có thể bạn quan tâm