Học tiếng Anh với người nước ngoài: Cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lần đầu tiên triển khai chương trình học tiếng Anh với người nước ngoài ở cấp học phổ thông. Chương trình này được nhiều nhà quản lý giáo dục, giáo viên nhận định là cơ hội lớn để giúp học sinh rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, việc triển khai học tiếng Anh với người nước ngoài ở tỉnh Gia Lai hiện gặp không ít khó khăn, thách thức.
Học tiếng Anh với người nước ngoài là một trong những nội dung quan trọng của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30-9-2008. Đầu năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT gửi công văn yêu cầu tất cả các trường từ cấp tiểu học đến THPT lập danh sách học sinh có nhu cầu để Sở tiến hành phân bổ giáo viên người nước ngoài. Học phí thấp (180 ngàn đồng/8 tiết học/tháng/học sinh), được giáo viên bản ngữ chuẩn kiến thức, kỹ năng trực tiếp giảng dạy là cơ hội cho học sinh có môi trường rèn luyện kỹ năng nghe, nói tiếng Anh.
Khó nắm bắt cơ hội lớn
Tháng 10-2018, Trường THPT Pleiku trở thành đơn vị đầu tiên ở khối THPT trên địa bàn tỉnh triển khai chương trình học tiếng Anh với người nước ngoài. Khá đông học sinh của trường đã đăng ký tham gia chương trình. Theo thầy Nguyễn Đình Trung-Hiệu trưởng nhà trường, những lớp học này là một làn gió mới ở bộ môn ngày càng được coi trọng trong xu thế hội nhập quốc tế. Đặc biệt, với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện theo học tại các trung tâm Anh ngữ thì đây là cơ hội tuyệt vời để trau dồi kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Em Lê Như Quỳnh (lớp 10D1-lớp tiếng Anh thí điểm) chia sẻ: “Tiếng Anh là bộ môn em yêu thích từ nhỏ. Lần đầu tiên được học tiếng Anh với người nước ngoài ngay tại trường với mức học phí vừa phải, em rất thích và coi đây là cơ hội của bản thân”.
Lớp tiếng Anh thí điểm khối 10 của Trường THPT Pleiku trong tiết học với người nước ngoài. Ảnh: N.G
Thấy được lợi ích, Ban Giám hiệu Trường THPT Pleiku đã mạnh dạn triển khai 2 lớp tiếng Anh thí điểm (10D1, 11D1). Sau một thời gian, nhà trường tiếp tục cho học sinh các lớp đại trà đăng ký và mở thêm 2 lớp học tiếng Anh với người nước ngoài. Tuy nhiên, 3/4 lớp này hiện đã “vỡ trận”. Thầy Trung cho biết: “Đối với 2 lớp dành cho học sinh đại trà, sau vài tuần học, do không thể theo kịp nên các em đã nghỉ dần, lớp còn quá ít học sinh nên không thể duy trì. Còn lớp tiếng Anh thí điểm ở khối 11 cũng chưa thể mở lại từ sau Tết Nguyên đán vì các em muốn tập trung thời gian cho các môn khác để phục vụ thi cử. Hiện nay, nhà trường chỉ còn duy trì được lớp tiếng Anh thí điểm ở khối 10”.
Đây cũng là tình trạng chung tại nhiều trường tiểu học, THCS tại thị xã An Khê. Trường THCS Đề Thám (phường Tây Sơn) có hơn 1.200 học sinh nhưng chỉ tổ chức được 2 lớp tiếng Anh thí điểm ở khối 6 và 7. Các lớp còn lại, số lượng học sinh đăng ký quá ít nên không thể mở lớp. Thế nhưng, 2 lớp học tiếng Anh với người nước ngoài tại trường cũng đã phải đóng cửa chỉ sau 2 tháng triển khai. Cô Lê Thị Kiều Hạnh-Hiệu trưởng nhà trường-nêu lý do: “Tại các lớp học này, học sinh cứ rơi rụng dần vì nhiều em không thể nghe, nói được tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài. Nguyên nhân thứ 2 là nhiều em theo học nhưng không đóng học phí dù mức đóng rất thấp, gây khó khăn cho đơn vị phối hợp là các trung tâm Anh ngữ trước áp lực trả lương cho giáo viên nước ngoài khá cao”. Cũng theo cô Hạnh, các lớp học tiếng Anh với người nước ngoài tại trường phải giải tán khiến cô rất tiếc vì đây là cơ hội tốt để nhiều học sinh được rèn luyện kỹ năng giao tiếp ở môn học này.
Tại nhiều địa phương khác, chương trình học tiếng Anh với người nước ngoài chưa thể triển khai vì phụ huynh, học sinh không mấy mặn mà, nhà trường không có đủ cơ sở vật chất để bố trí lớp...
Quyết tâm vượt qua thách thức           

Tiến sĩ Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: “Học tiếng Anh với người nước ngoài là nội dung quan trọng không chỉ nhằm thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” mà còn là tiền đề để ngành GD-ĐT thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới sắp triển khai đối với bộ môn tiếng Anh với mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp. Học tiếng Anh với người nước ngoài hiện nay còn nhiều khó khăn nhưng cơ hội nào cũng có những thách thức và ngành GD-ĐT sẽ nỗ lực vượt qua”.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Ban Giám hiệu Trường THPT Pleiku đã sẵn sàng với tinh thần “sai ở đâu, sửa ở đó”. Trao đổi thêm về vấn đề này, thầy Nguyễn Đình Trung cho biết: “Học tiếng Anh với người nước ngoài ngay tại trường, học phí thấp là cơ hội lớn cho tương lai của học sinh nên chúng tôi không muốn bỏ lỡ. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động học sinh tham gia để sau này có thêm cơ hội việc làm trong tương lai hội nhập. Bên cạnh đó, nhà trường cũng giao trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh khuyến khích học sinh tham gia giao tiếp với người nước ngoài để hoàn thiện bộ môn này”. Trường THCS Đề Thám cũng không bỏ cuộc khi Ban Giám hiệu đã làm việc với các trung tâm Anh ngữ để xây dựng lại giáo án phù hợp với học sinh; tuyên truyền tới phụ huynh về lợi ích thiết thực, lâu dài của chương trình này để tạo điều kiện cho con em theo học.
Đối với các trung tâm ngoại ngữ, mức học phí khá thấp, ít học sinh theo học cũng gây ra nhiều khó khăn khi thù lao cho giáo viên tiếng Anh bản ngữ có bằng đại học, có chứng chỉ sư phạm theo yêu cầu của ngành GD-ĐT lên tới 50 triệu đồng/giáo viên/tháng. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh-Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ-Tin học Gia Lai-cho biết: “Hiện nay, việc dạy-học tiếng Anh với người nước ngoài ở bậc THCS và THPT đúng là gặp nhiều khó khăn khi các lớp học dần bị co lại. Trung tâm luôn bố trí giáo viên trợ giảng là người Việt Nam để hỗ trợ học sinh; tuy nhiên, nhiều em dù học tốt môn tiếng Anh tại trường, vững ngữ pháp, từ vựng nhưng phản xạ giao tiếp bằng tiếng Anh chậm nên khó theo học”. Dù vậy, theo bà Hạnh, không vì những khó khăn đó mà Trung tâm không đồng hành cùng ngành GD-ĐT để hoàn thành Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Trong thời gian tới, Trung tâm vẫn sẽ tăng cường mở lớp học tiếng Anh với người nước ngoài tại các trường tiểu học. Hiện có gần 10 lớp của chương trình này tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Nguyễn Trãi (TP. Pleiku) đạt hiệu quả đáng khích lệ.
 NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm