Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Hội bài chòi-nét văn hóa độc đáo không thể bỏ lỡ ở phố cổ Hội An

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đêm hội bài chòi ở phố cổ Hội An vừa mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống hiện đại, vừa chứa đựng vẻ dịu dàng, duyên dáng của một nét văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa.

Bài chòi Hội An đặc sắc thể hiện qua trò chơi dân gian. (Nguồn: Tourhoian)
Bài chòi Hội An đặc sắc thể hiện qua trò chơi dân gian. (Nguồn: Tourhoian)


Đến với phố cổ Hội An, một trong những trải nghiệm thú vị mà du khách trong và ngoài nước nhất định phải làm là đi dạo phố đêm, xem hội bài chòi.

Bài chòi vốn là nét văn hóa không thể bỏ qua khi đến phố cổ. Loại hình này dường như đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân nơi đây cũng như du khách.

Mỗi đêm, mọi người lại tụ tập về khoảng sân giữa phố Hội và sông Hoài (hay còn gọi là sông Bạch Đằng) để được có những giờ phút thư giãn một cách đầy hứng khởi với hội bài chòi.

Chính sân chơi này đã đem lại chút không khí sôi nổi giúp khu phố cổ thêm phần sinh động mà vẫn không hề làm mất đi vẻ đẹp yên bình rất đặc trưng của Hội An. Vì rằng, đêm hội bài chòi vừa mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống hiện đại, vừa chứa đựng vẻ dịu dàng, duyên dáng của một nét văn hóa truyền thống đầy ý nghĩa.

Không ai biết chính xác hội bài chòi xuất hiện vào thời điểm nào. Tuy nhiên, từ khoảng 300-400 năm trước đây, loại hình vui chơi này đã được tổ chức thường xuyên vào những dịp lễ hội ngày Xuân. Là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi đặc trưng của miền Trung Việt Nam, bài chòi đã được phát triển thành một loại hình sân khấu ca kịch.

Có thể hiểu một cách nôm na rằng hội bài chòi là sân chơi của những ván cờ. Bài chòi Hội An được hiểu sơ qua là chơi bài trên chòi. Khi chơi bài chòi, người ta thường dựng 10 chòi con và 1 chòi trung tâm. Người chơi sẽ ngồi trong 10 chòi con. Chòi chính giữa thì anh hiệu (người hô) hoặc chị hiệu sẽ ngồi. Bộ bài dùng để chơi bài chòi là bộ tam cúc cải tiến. Bộ này có 33 lá gồm các tên như nhứt nọc, nhì nghèo, ông ầm… được vẽ trên giấy và dán vào thẻ tre.

Mỗi thẻ tre thì dán 3 con bài không trùng lặp nhau. Bộ bài thì có 3 pho là pho văn, pho vạn, pho sách. Bộ bài 33 lá nên người ta thêm 3 lá ông ầm đen, tử cẳng đen và cửu điều đen để đủ bộ.

Sau khi "nhà cái" phát hết thẻ cho mọi người, ván cờ sẽ được bắt đầu bằng việc rút thăm que tre có ghi tên một quân cờ. Lúc này, anh/chị hiệu sẽ dẫn dắt cuộc chơi bằng những câu hát có liên quan đến tên quân cờ ghi trên chiếc thăm đó, lần lượt cho đến khi ba thẻ tre được rút liên tiếp có tên gọi trùng với các tên quân cờ ghi trên cùng một thẻ gỗ.

Khi tham gia, nếu thấy tên quân cờ của mình được nhắc đến trong câu hát, người chơi sẽ phải hô lên và trình thẻ gỗ để được phát một lá cờ vàng, tương đương với một phần thưởng nhỏ. Nếu người chơi có được chiếc thẻ gỗ ghi tên 3 quân cờ được nêu tên liên tục, người đó sẽ đoạt được phần thưởng lớn nhất của cuộc chơi và ván cờ kết thúc.

Để trò chơi thêm hào hứng còn có đờn cò, kèn, trống… tấu khi có người “tới.” Thuở ban đầu, luật chơi hội bài chòi khá nghiêm khắc. Tên quân cờ sẽ không được nhắc đến trực tiếp trong mỗi câu hát mà người nghe sẽ phải tự suy đoán lấy.

Ví dụ, nếu tên quân cờ là chữ "nghèo," người hô sẽ hát một số câu có nội dung nói về chữ nghèo, người nghe tự suy luận ra và giơ thẻ của mình lên để nhận cờ vàng. Người nào không đoán được sẽ mất cơ hội được nhận phần thưởng.

Tuy nhiên, nhiều người hiện giờ chưa theo được luật chơi này, bởi vậy, nhiều khi người hô đã sử dụng các câu hát gọi trực tiếp tên quân cờ để người chơi dễ theo dõi.

Dù đã có đôi chút biến đổi song hội bài chòi vẫn giữ được đặc thù riêng của mình - một loại hình sinh hoạt văn hóa lý thú và bổ ích. Nội dung các câu hát sử dụng trong hội bài chòi đều mang ý nghĩa nhân văn và có tính giáo dục cao, đề cao đạo lý làm người.

Các câu hát được sử dụng ở đây thường nói về tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi tình phụ mẫu, tình phu thê, đề cao những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của con người, phê phán những tệ nạn xã hội, những tập tục lỗi thời, lạc hậu.

Vì vậy, hình thức vui chơi này không chỉ có ý nghĩa giải trí đơn thuần mà được coi là một sân khấu trình diễn của làn điệu dân ca đặc trưng Nam Trung Bộ.

Không chỉ được thưởng thức mà du khách còn thể tham gia trò chơi. Khi đã hiểu luật chơi, dường như ai cũng muốn ít nhất được một lần thử khám phá tên gọi các quân cờ. Việc bắt nhịp vào trò chơi cũng khá dễ dàng với du khách, chỉ cần chú ý đến anh hiệu, chị hiệu.

 

 Biểu diễn bài Chòi ở phố cổ Hội An. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Biểu diễn bài Chòi ở phố cổ Hội An. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)


Hay chí ít, khi đến với hội bài chòi, ai ai cũng đều được thưởng thức những làn điệu dân ca vừa như quen, vừa như lạ qua tiếng hát của người hô. Các bài hò được diễn xướng mỗi đêm không lặp đi lặp lại mà được những người nghệ sỹ thay đổi và sáng tạo liên tục từ các điệu hò, dân ca bắt tai như hò khoan, hò chèo thuyền, vè Quảng, hát ru con...

Cuối mỗi cuộc vui, người thắng cuộc sẽ được nhận một chiếc đèn lồng, "đặc sản" của Hội An.

Hằng đêm, bên dòng sông Hoài, hội bài chòi như điểm nhấn ấn tượng nơi phố cổ. Tháng 12/2017, bài chòi Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm