Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Hồi hương cổ vật: Không để chậm chân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều cổ vật quý giá của Việt Nam đang lưu lạc ở những bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân khắp thế giới. Sau sự kiện hồi hương bảo vật quốc gia ấn vàng triều Nguyễn cuối năm 2023, các chuyên gia cho rằng, đã tới lúc cần có chiến lược tổng thể hồi hương cổ vật.

Cổ vật trôi nổi ở nước ngoài

Cổ vật Việt Nam đi ra nước ngoài theo nhiều con đường. Tư liệu lịch sử cho thấy, các đạo quân viễn chinh của các nước thực dân từng xâm lược Việt Nam trong các thế kỷ 19-20 “nhặt nhạnh” nhiều cổ vật đi khỏi nước ta. Sau năm 1954, đặc biệt là sau 1975, nhiều người Việt định cư ở nước ngoài đã mang theo nhiều cổ vật gia truyền.

Theo lý giải của tiến sĩ, nhà nghiên cứu sử học Trần Đức Anh Sơn (trường Đại học Đông Á), vì một lý do nào đó, họ (hoặc thân nhân của họ) mang những cổ vật ấy rao bán trong các cuộc đấu giá đồ cổ ở phương Tây. Những cổ vật này được các bảo tàng, các nhà sưu tập ở nước ngoài mua lại thông qua các phiên đấu giá, trở thành tài sản của bảo tàng.

Chưa kể, nhiều người nước ngoài đến Việt Nam sưu tầm nhiều tác phẩm mỹ thuật, cổ vật Việt Nam để thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật. Khi về nước, họ mang theo những tác phẩm mỹ thuật, cổ vật này.

“Trong khi các bảo tàng công lập, nhà sưu tập cổ vật nổi danh ở Việt Nam hiếm có cơ hội để lưu giữ, trưng bày các bảo vật quý hiếm của nền văn hóa, mỹ thuật nước nhà, nhất là các món vàng bạc châu báu, nhiều bảo tàng và sưu tập tư nhân ở ngoại quốc đang sở hữu những bảo vật này.

Thậm chí, nhiều quốc bảo của Việt Nam đang được mua bán trong các phiên đấu giá cổ vật ở Anh, Pháp, Đức...hay được rao bán công khai trên các trang thương mại điện tử”, TS. Trần Đức Anh Sơn nói.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo.

Chiếc ấn hiện được trưng bày ở Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, TP. Từ Sơn, Bắc Ninh.

Chiếc ấn hiện được trưng bày ở Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, TP. Từ Sơn, Bắc Ninh.

Qua nhiều chuyến công tác, nghiên cứu, TS Trần Đức Anh Sơn khẳng định, Bảo tàng lịch sử và nghệ thuật hoàng gia ở Bỉ sở hữu gần 3 nghìn cổ vật Việt Nam, có phòng nghệ thuật Việt Nam riêng. Sưu tập cổ vật Việt Nam quan trọng nhất ở bảo tàng này 15 chiếc trống đồng Đông Sơn, được đánh giá là sưu tập trống đồng Việt Nam lớn nhất ở hải ngoại.

Ngoài sưu tập trống đồng, bảo tàng này còn có 12 tủ cổ vật Việt Nam, gồm cổ vật thời đồ đồng Đông Sơn và Sa Huỳnh, cổ vật trong các mộ Hán khai quật ở Thanh Hóa và Hải Phòng, gốm men ngọc và gốm hoa nâu thời Lý - Trần, gốm hoa lam thời Lê, sưu tập chân đèn và lư hương thời Mạc, đồ gốm và đồ đồng Chăm Pa, tượng đá Chăm Pa, đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn…Bảo tàng Guimet ở Paris (Pháp) cũng có hơn 100 cổ vật Chăm Pa.

Nhiều bài học quý

Sự kiện hồi hương bảo vật quốc gia ấn vàng Hoàng đế chi bảo là tin vui với quốc gia, dấu ấn quan trọng của toàn ngành văn hóa nói chung và lĩnh vực di sản, cổ vật nói riêng. Hành trình gian nan đưa di sản trở về cũng cho thấy sự bị động trong việc tìm kiếm và bảo vệ các bảo vật quốc gia.

Các chuyên gia cho biết, giá cổ vật in trên các danh mục trước khi đấu giá chính thức chỉ là giá dự kiến, thường cách biệt rất xa so với giá bán sau cùng. Ngoài ra, người mua phải trả thêm lệ phí cho nhà đấu giá (thường từ 10%-15 % giá bán món đồ), cùng tiền thuế giá trị gia tăng, tiền đóng gói và vận chuyển cổ vật từ nơi đấu giá đến địa chỉ của người mua. Đây là một thách thức lớn cho những bảo tàng công lập ở Việt Nam khi muốn mua cổ vật đấu giá ở nước ngoài. Bởi lẽ, không ai biết trước cổ vật sẽ được đấu giá bao nhiêu để đề xuất nhà nước cấp kinh phí mua những cổ vật này. Sự thất bại khi đấu giá bức tranh Chiều tà do vua Hàm Nghi vẽ năm 1915 của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vào năm 2010 là một ví dụ.

TS Trần Đức Anh Sơn cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) nên nhanh chóng thành lập các tổ công tác gồm những nhà sử học, chuyên gia bảo tàng, nhà nghiên cứu cổ vật tiếng tăm… tiến hành rà soát tàng thư của các bảo tàng danh tiếng ở Việt Nam, các kho lưu trữ tài liệu thời Pháp thuộc, các cơ sở tôn giáo - tín ngưỡng có cổ vật bị mất cắp trước đây, để lập danh sách di sản văn hóa Việt Nam bị mất cắp, thất thoát.

Đó là cơ sở để cử chuyên gia đến các bảo tàng ở nước ngoài - nơi đang trưng bày, lưu giữ cổ vật Việt Nam - để xác minh, lập hồ sơ cổ vật.

“Đối với các cổ vật đang được rao bán trên thị trường, cần ban hành chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các bảo tàng công lập mua lại những cổ vật này chuyển về nước.

Trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, hiện nay chưa có văn bản pháp lý cụ thể liên quan đến việc tổ chức và cá nhân trong nước được tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài hoặc thành lập thị trường đấu giá cổ vật chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Vì thế, khi có thông tin về cổ vật Việt Nam đang bị rao bán, các bảo tàng, nhất là bảo tàng công lập, không biết dựa vào cơ sở pháp lý nào để đề xuất tham gia”, TS. Trần Đức Anh Sơn bày tỏ.

Ông nhấn mạnh, việc tạo điều kiện để những nhà đấu giá danh tiếng thế giới như Sotheby’s, Christie’s, Butterfield, Nagel Auction, Loudmer, Spink... tham gia vào thị trường đấu giá cổ vật và tác phẩm mỹ thuật ở Việt Nam.

Công tác trưng bày, giới thiệu cổ vật ở các bảo tàng chưa thực sự hiệu quả

Công tác trưng bày, giới thiệu cổ vật ở các bảo tàng chưa thực sự hiệu quả

Bảo tàng ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,... thường tiếp nhận thông tin đấu giá cổ vật do các hãng đấu giá cung cấp từ 3 đến 6 tháng trước khi diễn ra phiên đấu giá.

Nhờ vậy, họ có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về những cổ vật được rao bán để quyết định tham gia đấu giá hay không, cũng như có đủ thời gian huy động tài chính để mua những cổ vật mà họ quan tâm.

Các bảo tàng này còn cử chuyên gia thường xuyên đi “săn lùng” cổ vật Việt Nam ở các cửa hiệu đồ cổ và sưu tập tư nhân. Nhờ vậy mà nhiều bảo tàng nước ngoài có được những cổ vật quý hiếm của Việt Nam.

Để không “chậm chân” hồi hương cổ vật, TS Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học) nêu quan điểm khuyến khích sự tham gia của tư nhân, chung tay cùng Nhà nước.

Tuy nhiên, không thể bỏ qua vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong khảo cổ, công tác bảo quản, trưng bày, giới thiệu cổ vật tới công chúng. TS Lê Thị Liên cho biết, một số bảo tàng ở địa phương chưa có điều kiện bảo quản tốt nhất dành cho bảo vật quốc gia, cổ vật quý hiếm. Việc trao đổi lưu động giữa các bảo tàng, các quốc gia cũng là phương pháp để bảo quản, lan tỏa giá trị cổ vật.

“Luật Di sản văn hóa nên có những nội dung rõ ràng, chi tiết hơn cho những người làm công tác khảo cổ, cổ vật”, TS Lê Thị Liên bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm