Bạn đọc

Hội nghị giao ban các trường phổ thông dân tộc bán trú

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 22-12, Sở Giáo dục-Đào tạo đã tổ chức hội nghị giao ban các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn toàn tỉnh. Tham gia hội nghị có đại diện 25 trường phổ thông dân tộc bán trú và các Phòng Giáo dục-Đào tạo có tổ chức mô hình học tập này.
 Ông Lê Duy Định-Phó giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo chủ trì hội nghị. Ảnh: Nguyễn Giang
Ông Lê Duy Định- Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo chủ trì hội nghị. Ảnh: Nguyễn Giang
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học kỳ I, năm học 2017-2018 và xác định một số nhiệm vụ trọng tâm của các trường phổ thông dân tộc bán trú trong học kỳ tiếp theo. Hội nghị này còn nhằm tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đối với hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú. Hiện nay, toàn tỉnh có 25 trường phổ thông dân tộc bán trú (trong đó, 8 trường cấp tiểu học; 14 trường cấp THCS và 3 trường liên cấp tiểu học-THCS) với hơn 8 ngàn học sinh. Theo đánh giá của Sở Giáo dục-Đào tạo thì vì đây là loại hình trường chuyên biệt nên các trường nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cấp. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại các trường đang từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học và nuôi dưỡng học sinh (100% các trường đã có nhà ăn cho học sinh). Tuy vậy, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trong hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú chưa cao, toàn tỉnh hiện chỉ có 1/25 trường đạt chuẩn quốc gia bởi còn gặp khó khăn trong việc cấp kinh phí xây dựng, sửa chữa lớn. 
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến các hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú như: công tác tổ chức nuôi-dạy học sinh sao cho hiệu quả; công tác xã hội hóa giáo dục; tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số... Theo sự chỉ đạo của ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thì trong thời gian tới, các trường phổ thông dân tộc bán trú cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, nuôi dưỡng học sinh vùng khó khăn. Đặc biệt là tư vấn tâm lý, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, bảo đảm kỷ cương, nền nếp, vệ sinh, an toàn cho các em. Dù là trường bán trú nhưng các trường này đều hoạt động như một trường nội trú nên lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo đã động viên, ghi nhận công sức của các thầy-cô giáo để tạo động lực cho họ dành hết tâm huyết cho học trò vùng dân tộc thiểu số.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm