Kinh tế

Doanh nghiệp

Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm 2019: Rộng cửa cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 15-8, tại TP. Pleiku đã diễn ra Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phối hợp với Sở Công thương tỉnh Gia Lai tổ chức. Với sự tham dự của lãnh đạo 20 Sở Công thương các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên và hơn 180 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất của 24 tỉnh, thành trong cả nước, đây được xem là cơ hội tăng cường hợp tác liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp (DN) sản xuất và DN phân phối. Đáng chú ý, hội nghị còn có hàng trăm mặt hàng tiêu biểu của các vùng miền tham gia trưng bày, giới thiệu. 
Liên kết sản xuất và phân phối
Tại hội nghị, bà Lê Việt Nga-Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, chưa bao giờ hoạt động kết nối cung cầu lại phát triển mạnh mẽ như thời gian qua. Việc kết nối từ người nông dân đến với các chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đại trải dài khắp cả nước đã góp phần tăng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, tăng cường hoạt động liên kết để tạo ra mối gắn kết bền vững, lâu dài giữa nhà sản xuất và nhà phân phối là điều cần được chú trọng hơn nữa nhằm tạo ra các chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả, xuyên suốt.
 Thông qua hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối sẽ có cơ hội hợp tác nhằm tạo ra các chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả, xuyên suốt. Ảnh: N.L
Thông qua hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối sẽ có cơ hội hợp tác nhằm tạo ra các chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả, xuyên suốt. Ảnh: N.L
Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương Gia Lai-cho biết: “Đây là lần thứ 2 tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam theo Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. Hội nghị kết nối cung cầu và chuỗi hoạt động liên kết được tổ chức tại tỉnh ta thực sự là nơi khởi đầu để các sở, ngành, địa phương và DN các tỉnh chung tay xây dựng cầu nối giao thương, đẩy mạnh sản xuất, phát triển thị trường, đẩy mạnh liên kết giữa DN các vùng miền, trao đổi và tiêu thụ hàng hóa; góp phần thay đổi diện mạo của hệ thống phân phối, phương thức kinh doanh theo hướng văn minh, hiện đại hơn, bắt kịp với xu hướng kinh doanh của thời kỳ hội nhập”.
Cũng tại hội nghị có 50 doanh nghiệp tham gia với 25 cặp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền của các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên và một số tỉnh Nam bộ. Đây là kết quả bước đầu để các DN trên địa bàn mở rộng cơ hội hợp tác tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Ông Phan Thanh Thiên-Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai-cho rằng: Hiện nay, các DN khởi nghiệp rất tâm huyết với lĩnh vực chế biến nông sản sạch nhưng vẫn đang nằm ở vùng “luẩn quẩn”, bởi nguồn vốn không đủ lớn để đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu; khi sản phẩm đưa ra thị trường thì lại bị vướng về mặt pháp lý, thủ tục, các điều kiện đảm bảo tiêu chuẩn để hàng hóa được vào hệ thống siêu thị, chưa kết nối được sản phẩm với các tỉnh, thành khác trong khu vực. “Trên thực tế, lãnh đạo của tỉnh đã vào cuộc và rất quan tâm đến các mô hình khởi nghiệp, hy vọng hội nghị hôm nay sẽ là cơ hội tốt để các DN thực hiện được khát khao đưa sản phẩm đặc sản của địa phương mình quảng bá và tiêu thụ rộng rãi trên cả nước”-ông Thiên nói.    
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyệt cho biết, trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc mà một số DN nêu ra tại hội thảo, Sở Công thương sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN nhiệt huyết đầu tư mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; qua đó góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở ra nhiều cơ hội giao thương, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường của các tổ chức và DN, tạo cơ hội cho các DN giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của vùng miền, tìm đầu ra cho sản phẩm đến với các thị trường trên cả nước.
Đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng
Là tỉnh tích cực trong các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của địa phương, Gia Lai thường xuyên tổ chức giao lưu với các đoàn DN của tỉnh An Giang, TP. Đà Nẵng và một số tỉnh bạn với trên 150 lượt DN tham gia. Đến nay đã có trên 100 bản ghi nhớ được ký kết hợp tác giữa các DN. Đặc biệt, trong 10 năm qua, Sở Công thương Gia Lai đã vận động các DN, siêu thị, hộ tiểu thương, các cơ sở sản xuất kinh doanh tích cực tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các siêu thị đã đăng ký tăng tỷ lệ hàng Việt trên 95% trong cơ cấu hàng hóa của đơn vị; nhiều DN, hộ kinh doanh tại các chợ và trung tâm thương mại tổ chức nhiều lượt khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng sử dụng hàng Việt.
Các doanh nghiệp trao đổi về cách thức hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: N.L
Các doanh nghiệp trao đổi về cách thức hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: N.L
Theo bà Nga, qua 10 năm triển khai cuộc vận  động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có hơn 1.000 hội nghị kết nối cung cầu của Sở Công thương các tỉnh, thành phố được tổ chức; đã thực hiện được hơn 50 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước cấp vùng, miền. Thông qua đó, hàng hóa được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển, người tiêu dùng được sử dụng hàng có chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú, các DN phân phối có nguồn hàng ổn định với đa dạng đặc sản vùng miền thu hút khách hàng; từ đó tăng doanh thu và mở rộng hệ thống phân phối, góp phần phát triển thương mại trong nước liên tục tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước và thu hút nguồn vốn đầu tư.
Với mục tiêu tăng cường các hoạt động liên kết vùng miền, trao đổi, hợp tác tiêu thụ hàng hóa giữa các DN, nhất là những sản phẩm tiêu biểu và đặc trưng của từng vùng miền trên phạm vi cả nước, hội nghị kết nối cung cầu lần này góp phần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở ra nhiều cơ hội giao thương, liên doanh, liên kết, phát triển mở rộng thị trường. Đây cũng là dịp các DN, hợp tác xã, nhà sản xuất, kinh doanh gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn sản phẩm, phương thức cung ứng đối với hệ thống siêu thị, chợ, đơn vị sản xuất, phân phối tiêu thụ sản phẩm của các địa phương; hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa đặc sản, đặc trưng của các vùng miền và các sản phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP… Qua đó, thiết lập được các kênh phân phối nhằm mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản phẩm hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng, tạo động lực cho các DN phát triển trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Ngô Hoài Phương-Giám đốc Công ty TNHH Volcano (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi): “Là DN chuyên sản xuất các sản phẩm từ tỏi như: tỏi đen, tỏi khô, giấm tỏi mật ong, rượu tỏi đen..., Công ty có cơ sở sản xuất được đặt ngay trên đảo Lý Sơn, có mở cửa cho khách tới tham quan quy trình sản xuất. Trong quá trình sản xuất, tiêu thụ, chúng tôi luôn nỗ lực để không sử dụng các vật liệu khó phân hủy, gây hại cho môi trường, nhất là túi ni lông. Hiện nay, trừ những cá nhân nhỏ lẻ biết đến và sử dụng sản phẩm của chúng tôi thì tỏi Volcano vẫn chưa có mặt tại thị trường Gia Lai. Vì vậy, qua hội nghị lần này, chúng tôi mong sản phẩm của mình sẽ được quảng bá rộng rãi hơn và có thể tìm kiếm được đối tác”.
Bà Phạm Thị Ánh Nguyệt-chủ cơ sở sản xuất Bò một nắng Nguyệt Viên Foods (huyện Krông Pa): “Hội nghị này tập trung rất nhiều DN và đại biểu đến từ nhiều tỉnh ở cả 3 miền nên đây là cơ hội để thịt bò một nắng Krông Pa được giới thiệu rộng rãi hơn, được nhiều người biết đến hơn. Về sản xuất thịt bò một nắng thì có nhiều nơi làm, nhưng tại Nguyệt Viên, thịt bò một nắng được làm 100% từ bò cỏ của huyện Krông Pa, kiến vàng được lấy trên rừng”.
THẢO NGUYÊN - KIM LINH

Có thể bạn quan tâm