Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30: Mở ra nhiều triển vọng HT thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các Đại sứ Việt Nam tại các nước đã chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy xúc tiến thương mại, đồng thời khẳng định tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 chụp ảnh chung. Ảnh: Trí Dũng-TTXVN
Ngày 13-8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” đã khai mạc tại Hà Nội.
Bên lề Hội nghị, các Đại sứ Việt Nam tại các nước đã chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy xúc tiến thương mại, đồng thời khẳng định tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới.
*Tận dụng thế mạnh
Chia sẻ về tiềm năng phát triển thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan, Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan Hoàng Thị Xuân Hiền khẳng định, hai nước có những cơ hội hợp tác đầu tư thương mại lớn, nhất là từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực ngày 5/10/2016.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ những năm trước, đạt trên 500 triệu USD năm 2017, trong đó Kazakhstan lần đầu tiên xuất siêu sang Việt Nam.
Đánh giá đây là tín hiệu đáng mừng cho tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam quan tâm tới thị trường Kazakhstan, Đại sứ Hoàng Thị Xuân Hiền cho rằng, hiện các doanh nghiệp của Kazakhstan đã tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại để xuất khẩu sang Việt Nam.
Trước những nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp nước bạn, Đại sứ Hoàng Thị Xuân Hiền cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần cố gắng tăng cường hơn nữa hoạt động xuất khẩu sang Kazakhstan, đặc biệt với những mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam như nông sản nhiệt đới, giày da, sản phẩm may mặc, điện thoại thông minh…
Theo Đại sứ Hoàng Thị Xuân Hiền, do đặc thù thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, mùa mùa đông kéo dài tới 6 tháng mỗi năm nên hầu hết các mặt hàng nông sản tiêu thụ tại Kazakhstan phải nhập khẩu.
Một thế mạnh khác về nông nghiệp mà các doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm khi có ý định xúc tiến thương mại với doanh nghiệp Kazakhstan là thủy hải sản.
Kazakhstan là một quốc gia rất rộng lớn nhưng không thông với đại dương, do đó mặt hàng thủy hải sản nội địa khá yếu.
Bàn về lĩnh vực này trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Nam Phi, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Vũ Văn Dũng cho biết, thị trường truyền thống của Nam Phi là châu Âu, Ấn Độ và thị trường rộng lớn là Trung Quốc.
Tuy nhiên, với những bước phát triển đáng ghi nhận giữa hai nước như hiện nay, lĩnh vực đầu tư thương mại giữa hai nước sẽ gia tăng. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước hiện ở mức 1-1,2 tỷ USD/ năm.
Trong cả khu vực Trung Phi, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nam Phi đạt giá trị lớn nhất và đang phấn đấu đạt 2 tỷ USD/ năm.
Theo Đại sứ Vũ Văn Dũng, các công ty tư nhân của Nam Phi hiện chưa quan tâm nhiều đến thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, có một điểm mới, đó là nhiều người Nam Phi sang Việt Nam giảng dạy tiếng Anh. Đại sứ cho rằng đây cũng là một dạng đầu tư cá nhân.
Đánh giá về các hoạt động xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi, Đại sứ Vũ Văn Dũng cho biết, vào tháng 9/2017, đoàn công tác của tỉnh Western Cape, nước Cộng hòa Nam Phi do bà Helen Zille, Tỉnh trưởng tỉnh Western Cape, dẫn đầu cùng phái đoàn doanh nghiệp tới thăm và làm việc tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam – Nam Phi”.
Tại Hội thảo cũng như các buổi tiếp xúc, các doanh nghiệp Nam Phi đã tìm hiểu những cơ hội hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.
Cũng trong tháng 10/2017, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Nam Phi, bà Maite Nkoana Mashabane đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Nhân dịp này, bà Maite Nkoana Mashabane đã chủ trì Hội nghị các đại sứ của Nam Phi tại châu Á diễn ra ở thủ đô Hà Nội.
Về phía Việt Nam, hàng năm đều có những hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại với các doanh nghiệp Nam Phi thông qua Hội chợ Cites tổ chức tại thủ đô Johannesburg của Nam Phi.
Với sự kiện này, thường xuyên có khoảng hơn chục doanh nghiệp Việt sang Nam Phi để quảng bá, kết nối đầu tư, tìm cơ hội hợp tác.
Đại sứ Vũ Văn Dũng cho biết: Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi rất ủng hộ và mong muốn thúc đẩy hoạt động này.
Đại sứ cũng hy vọng, sắp tới hai nước sẽ trao đổi đoàn cấp cao để tạo thêm cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai bên.
Cũng theo Đại sứ Vũ Văn Dũng, trong năm nay hoặc đầu năm 2019, dự kiến sẽ có một đoàn doanh nghiệp Nam Phi sang thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác với Việt Nam.
*Phát huy vai trò cầu nối
Xác định ngoại giao kinh tế là một trong những trụ cột cần thúc đẩy, Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan Hoàng Thị Xuân Hiền cho biết, trong ba năm qua, tập thể cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan đã trở thành cầu nối quan trọng để kết nối doanh nghiệp hai nước. Bản thân Đại sứ từng trực tiếp dẫn các đoàn doanh nghiệp của nước bạn về Việt Nam kết nối với các địa phương, doanh nghiệp.
Theo Đại sứ, nhiều doanh nghiệp Kazakhstan tìm đến thị trường Việt Nam và đề nghị Đại sứ quán hỗ trợ trong việc tìm các bạn hàng ở các lĩnh vực mà họ quan tâm.
Bên cạnh những thuận lợi, quá trình xúc tiến thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới cũng còn nhiều khó khăn. Chia sẻ về những thách thức trong vấn đề này tại địa bàn Cuba, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Nguyễn Trung Thành cho biết: Việt Nam và Cuba có nền móng quan hệ chính trị tốt đẹp, vững chắc, kết hợp với thuận lợi là quyết tâm tăng cường hợp tác thương mại và tính bổ sung cho nhau giữa hai nền kinh tế rất cao.
Tuy nhiên, hiện nay Cuba đang trong giai đoạn đầu của quá trình cập nhật, đây là một khó khăn tự nhiên trên chặng đường phát triển.
Cùng với đó là sự cách biệt về địa lý, sự hiểu biết lẫn nhau trong quan hệ hợp tác, các mối quan hệ kinh tế, thương mại. Việc này đòi hỏi một quá trình mà hai bên cần chủ động, quyết liệt hơn.
Bày tỏ sự tin tưởng về những bước phát triển mới, thực chất, hiệu quả trong thời gian tới giữa Việt Nam và Cuba, Đại sứ Nguyễn Trung Thành cho rằng, hai bên đang có những điều kiện khách quan, chủ quan hết sức quan trọng để đóng góp xứng đáng vào việc nâng tầm quan hệ kinh tế ngang tầm với mối quan hệ chính trị đặc biệt sâu sắc giữa hai nước.
Đại sứ nhấn mạnh “Ngay khi Hiệp định kinh tế thương mại chưa đi vào đời sống thì Việt Nam đã là đối tác thương mại lớn thứ hai ở châu Á của Cuba, nằm trong top 10 của các đối tác nhà đầu tư nước ngoài vào Cuba.
Chúng ta có những lý do để tin rằng chặng đường tới tuy có những khó khăn nhưng chắc chắn sẽ hình thành một không gian kinh tế khá rộng lớn, thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên".
Đại sứ Nguyễn Trung Thành khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba sẽ nỗ lực để trở thành một phần của giải pháp kinh tế thương mại hữu hiệu, thiết thực giữa Việt Nam và Cuba trong tương lai, kiến tạo nên nhiều sự hợp tác trên quy mô lớn và kết nối những đối tác tiềm năng giữa hai nước.
Thu Phương-Hiền Hạnh (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm