Kinh tế

Giá cả thị trường

Hội nghị trực tuyến khối Công thương địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 15-10, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến khối Công thương địa phương nhằm đánh giá tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp 3 tháng cuối năm 2021; công tác quản lý nhà nước và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng-chống dịch Covid-19 của ngành Công thương tại các địa phương.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính. Tham dự còn có lãnh đạo Cục Công thương địa phương; các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Công thương.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Vũ Thảo
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo


Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành; lãnh đạo các sở: Công thương, Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; đại diện UBND một số huyện, thành phố cùng một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong 9 tháng năm 2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm 2020 (là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay). Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,03%; khu vực dịch vụ chiếm 40,19%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,99%. Trong 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước ước tăng 4,1% số với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 3.367,7 ngàn tỷ đồng, giảm 7,1% số với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8% số với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong thời gian dịch bệnh diễn ra phức tạp, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất bắt buộc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, “Một cung đường hai điểm đến” nên nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng sản xuất. Công tác bình ổn thị trường cung ứng hàng hóa luôn được đảm bảo. Hoạt động xuất khẩu trao đổi mua bán hàng hóa của các tỉnh, thành phố từng bước phục hồi...

Trong 3 tháng cuối năm, ngành Công thương tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, theo dõi, bám sát yêu cầu thực tiễn để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; chú trọng đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư lớn của ngành, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án năng lượng. Thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường trong nước. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng giữa ngành Công thương các tỉnh, thành phố.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Vũ Thảo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Vũ Thảo


Tham gia ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch nhưng Gia Lai vẫn đảm bảo mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Gia Lai là tỉnh nằm trong vùng tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Hiện nay, hàng nông sản đi vào các tỉnh trong vùng này rất nhiều; đồng thời đi qua Gia Lai và xuống cảng Quy Nhơn. Tỉnh đã kêu gọi được một nhà đầu tư xây dựng chợ đầu mối mang tính quốc tế để thu mua nông sản. Tuy nhiên, hiện nay lại vướng vào việc chưa có quy hoạch, do đó rất mong Bộ Công thương sớm phê duyệt đưa vào quy hoạch quốc gia, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Công thương đề xuất Chính phủ cần có gói hỗ trợ chung để giúp doanh nghiệp giảm lãi suất, kéo giãn nợ, tái cơ cấu nợ, giúp doanh nghiệp có nguồn lực phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp để đạt tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu. Theo đó, tập trung các giải pháp tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; khơi thông việc vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa để phục vụ cho sản xuất; kết nối cung cầu trong và ngoài nước qua các kênh. Về lâu dài, cần khẩn trương xây dựng đề án chiến lược phát triển Công thương địa phương. Bên cạnh đó, tập trung phát triển ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết…

 

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm