Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Chính phủ điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 12-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các bộ, ngành và địa phương. Đồng chủ trì có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ Trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Báo cáo tại hội nghị cho biết: Năm 2019, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng gấp đôi. Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương ngày 9-12-2019 đến nay đã có 47.377 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái. Đến thời điểm này, đã có 9/22 bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia…Ngoài ra, từ ngày 12-3-2019 đến 10-02-2020, đã có hơn 1,26 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Riêng tại tỉnh Gia Lai, đến tháng 3-2019 đã hoàn thành việc kết nối với trục liên thông văn bản điện tử quốc gia, đồng thời đã nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo yêu cầu nghiệp vụ, hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Tính tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện gửi, nhận hơn 2.327.949 văn bản điện tử.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ngay sau khi Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019- 2020, định hướng đến năm 2025 được ban hành, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn nhà nước và tư nhân cùng tham gia xây dựng chính quyền điện tử. Hội nghị lần này tổng kết, đánh giá kết quả trong thời gian qua, từ đó nhân rộng những cách làm tốt, đồng thời cần thấy rõ những khó khăn, vướng mắc để cùng tháo gỡ và huy động toàn bộ hệ thống chính quyền và người dân cùng vào cuộc. Bên cạnh đó, đề ra nhiệm vụ, giải pháp mới để thực hiện có hiệu quả lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam trong năm 2020. 
 Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm