Xã hội

Đời sống

Hội Phụ nữ Gia Lai và Stung Treng tăng cường hợp tác để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với tinh thần “Đoàn kết, hợp tác, vì mục tiêu phát triển phụ nữ”, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai và Hội Phụ nữ vì hòa bình và phát triển tỉnh Stung Treng (Vương quốc Campuchia) đã tăng cường giao lưu, hợp tác và đưa các hoạt động đi vào chiều sâu.

Học tập lẫn nhau

Cuối tuần qua, đoàn công tác Hội Phụ nữ vì hòa bình và phát triển tỉnh Stung Treng có chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại Câu lạc bộ Phụ nữ dệt thổ cẩm kết hợp du lịch cộng đồng tại làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku. Câu lạc bộ (CLB) có 23 thành viên là những phụ nữ có tay nghề giỏi trong làng. Các thành viên CLB tham gia dệt thổ cẩm, tạo ra các sản phẩm phục vụ tiêu dùng và làm quà tặng du lịch.

Tại đây, đoàn công tác của Hội Phụ nữ vì hòa bình và phát triển tỉnh Stung Treng được giới thiệu các sản phẩm như: tấm dệt sẵn để may váy áo, các sản phẩm thời trang, túi xách, các loại ví cầm tay, khăn trải bàn, khăn quàng cổ, gối dựa, móc chìa khóa… làm từ chất liệu thổ cẩm.

Chị em còn giúp khách tham quan trải nghiệm các công đoạn của nghề dệt, tạo không khí giao lưu đoàn kết, vui vẻ. Câu lạc bộ đã tặng mỗi thành viên trong đoàn một chiếc túi xách từ thổ cẩm với hoa văn, họa tiết đặc trưng của dân tộc Jrai.

Đáp lại, đoàn công tác Hội Phụ nữ vì hòa bình và phát triển tỉnh Stung Treng tặng các thành viên CLB một số sản phẩm nông sản do phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh bạn sản xuất.

Bà Kot Bunmy-Phó Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch danh dự Hội Phụ nữ vì hòa bình và phát triển tỉnh Stung Treng-cho biết: “Câu lạc bộ phụ nữ dệt thổ cẩm là mô hình rất hay vừa bảo tồn nghề truyền thống, vừa tạo việc làm cho cộng đồng mà chúng tôi cần học hỏi. Tỉnh Stung Treng có 22 dân tộc thiểu số, nhưng chúng tôi vẫn chưa xây dựng được mô hình đặc thù như các bạn”.

Đoàn công tác của Hội Phụ nữ vì hòa bình và phát triển tỉnh Stung Treng tìm hiểu các sản phẩm làm từ chất liệu thổ cẩm của phụ nữ dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai. Ảnh: M.C

Bà Kot Bunmy bày tỏ: Đảng và Nhà nước Việt Nam dành rất nhiều nguồn lực, sự quan tâm đối với người dân tộc thiểu số. Hội LHPN tỉnh Gia Lai phát huy rất tốt vai trò với việc thành lập các mô hình đặc thù duy trì nghề truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa.

“Các bạn có CLB dệt của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, còn chúng tôi có các khu vực sản xuất để hỗ trợ phụ nữ. Tôi mong muốn chúng ta tiếp tục có các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau khi triển khai các mô hình hỗ trợ cộng đồng, nhất là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, hướng đến mục tiêu phát triển bình đẳng, bền vững cho mọi phụ nữ”-bà Kot Bunmy bày tỏ.

Vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị

Từ năm 2022 đến nay, Hội Phụ nữ 2 tỉnh phối hợp triển khai nhiều hoạt động như tăng cường công tác tuyên truyền cho phụ nữ về truyền thống lịch sử, tinh thần đoàn kết hữu nghị lâu đời giữa 2 dân tộc.

Phối hợp tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các cuộc chiến tranh trên đất Campuchia. Thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới. Tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong các hoạt động, sự kiện quốc tế. Hai bên cũng có các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ…

Hội Phụ nữ 2 tỉnh Gia Lai-Stung Treng có nhiều hoạt động phối hợp trong những năm qua. Ảnh: M.C

Giai đoạn 2022-2024, Hội LHPN tỉnh Gia Lai đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 52 gia đình chính sách nuôi quân tình nguyện tại Campuchia; tham quan và chia sẻ kinh nghiệm mô hình hỗ trợ phụ nữ học nghề tại tỉnh Stung Treng.

Hội Phụ nữ 2 tỉnh cũng thường xuyên giao lưu ẩm thực nhằm tăng cường sự hiểu biết về truyền thống, bản sắc văn hóa, tình đoàn kết hữu nghị của phụ nữ 2 nước. Các hoạt động phối hợp là cơ sở quan trọng để phụ nữ 2 tỉnh giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa phụ nữ Gia Lai và Stung Treng.

Thành viên câu lạc bộ dệt làng Phung hướng dẫn phụ nữ tỉnh Stung Treng cách dệt vải. Ảnh: M.C

Phát biểu tại hội nghị sơ kết 2 năm triển khai các hoạt động phối hợp diễn ra tại TP. Pleiku, bà San Sokha-Chủ tịch Hội Phụ nữ vì hòa bình và phát triển tỉnh Stung Treng-nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn biết ơn Đảng, Nhà nước, quân tình nguyện Việt Nam đã giúp giải phóng Campuchia, để đất nước chúng tôi có được sự ổn định, phát triển như ngày nay.

Do đó, chúng tôi xem công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại tỉnh Stung Treng vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm của hội viên phụ nữ. Chúng tôi tăng cường tuyên truyền để phụ nữ nói riêng và người dân tỉnh Stung Treng nâng cao ý thức, sự hiểu biết về vấn đề này. Từ năm 2022 đến nay, Hội đã vận động người dân, phụ nữ phát hiện, giúp đỡ Đội K52 đưa 428 hài cốt liệt sĩ về Việt Nam.

Cùng với các hoạt động phối hợp khác, chúng tôi mong muốn góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, gắn bó và hợp tác toàn diện giữa phụ nữ Gia Lai và Stung Treng và vì sự tiến bộ chung của phụ nữ 2 tỉnh”.

Bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai-cho biết: “Để việc phối hợp đạt kết quả tốt, thời gian tới, Hội Phụ nữ 2 tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về truyền thống lịch sử, tinh thần đoàn kết, hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam-Campuchia.

Làm tốt công tác phổ biến luật pháp, chính sách, thông lệ quốc tế, nhất là những cam kết liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, phòng-chống mua bán người, phòng-chống bạo hành đối với phụ nữ, trẻ em. Nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của kẻ xấu nhằm chia rẽ, phá hoại mối quan hệ Việt Nam-Campuchia, làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc của mỗi nước”.

Có thể bạn quan tâm