TN - Đất & Người

Hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới ở thị xã Buôn Hồ của Đắk Lắk-phố xá khang trang, làng quê trù phú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) đã đạt kết quả nổi bật với 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Giờ đây, bộ mặt nông thôn mới và đô thị của Buôn Hồ ngày càng đổi thay, phố xá khang trang, hiện đại hơn, làng xóm trù phú...
Theo lãnh đạo UBND thị xã Buôn Hồ, cách đây hơn 10 năm, xuất phát điểm nền kinh tế của thị xã còn thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính.
Từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hầu hết các xã trên địa bàn thị xã đều có xuất phát điểm rất thấp so với mặt bằng chung của cả tỉnh. Việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân…

Vòng xoay khang trang tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.
Để chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện có hiệu quả, lãnh đạo UBND thị xã Buôn Hồ đã ban hành nhiều chương trình về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2015-2020. 
Cùng với đó, UBND thị xã đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện chương trình gồm 34 thành viên là lãnh đạo chủ chốt của UBND thị xã, các phòng ban và đơn vị lên quan. Ban chỉ đạo duy trì họp thường xuyên hàng tháng để triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch.

Vườn sầu riêng trĩu quả của Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Hồ.
Ngoài ra, UBND thị xã Buôn Hồ thường xuyên chỉ đạo tập trung công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng đã nông thôn mới. 
Trong điều kiện nguồn lực có hạn, UBND thị xã đã thống nhất các xã lựa chọn những tiêu chí mang tính chất đột phá, đa số người dân thấy cần thì tập trung làm trước; khuyến khích triển khai những công việc từng thôn, xóm, từng hộ dân có thể tự làm được, đã tập trung cao cho nhiệm vụ phát triển sản xuất, cơ giới hóa các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. 
Đồng thời, địa phương huy động tổng lực các nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới ngoài nguồn vốn nhà nước hỗ trợ như ngân hàng, doanh nghiệp và xã hội. Đặc biệt là huy động nội lực trong nhân dân như góp công lao động, hiến đất, vật liệu...
Trong quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới, UBND xã thị Buôn Hồ còn triển khai nhiều hoạt động như phong trào thi đua "Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững".

Cổng chào xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk).
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến hết năm 2021, trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã có 5/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân toàn thị xã đạt 17,8 tiêu chí/xã. 
Thời gian tới, UBND thị xã Buôn Hồ đặt mục tiêu các xã đạt chuẩn nông thôn mới phấn đấu giữ vững và nâng cao các tiêu chí; có từ 2-3 thôn, buôn đạt thôn, buôn kiểu mẫu nông thôn mới; phấn đấu có 100% số xã cơ bản đạt 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới.

Những tuyến đường giao thông nông thôn của thị xã Buôn Hồ được nhựa hóa khang trang giúp cảnh quan thêm hiện đại, giao thông an toàn, vận chuyển nông sản hàng hóa thuận lợi.
Ngoài ra, xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, UBND thị xã Buôn Hồ sẽ đầu tư xây đựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng cải tạo, nâng cấp, phát hiện các công trình hạ tầng chủ yếu phục vụ sản xuất, đời sống - xã hội.

Mô hình nhà nuôi chim yến và chế biến sản phẩm yến sào của Công ty TNHH Yến Sào Tây Nguyên Đắk Lắk (ở phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk).
Bên cạnh đó, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn gắn với chương trình OCOP. Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn hợp lý theo hướng gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ - du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Theo An Nhiên (Dân Việt)
https://danviet.vn/hon-10-nam-xay-dung-nong-thon-moi-o-thi-xa-buon-ho-cua-dak-lak-pho-xa-khang-trang-lang-que-tru-phu-20221101000913657.htm

Có thể bạn quan tâm