Theo đó, tổng số vốn được giao đợt này là 82,667 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách địa phương 6,4 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương 76,267 tỷ đồng (vốn trong nước 40 tỷ đồng, vốn nước ngoài 36,267 tỷ đồng).
Gia Lai phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2024 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao. Ảnh: Hà Duy |
Theo quyết định này, 6,4 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương sẽ được bố trí để đối ứng các chương trình mục tiêu quốc gia (dự án chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn tỉnh). Đối với nguồn ngân sách trung ương, vốn trong nước sẽ bố trí cho 2 dự án khởi công mới năm 2024 là hồ chứa nước Ia Prat, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh (20 tỷ đồng) và dự án hạ tầng Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ (20 tỷ đồng); vốn nước ngoài bố trí cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn tỉnh (36,267 tỷ đồng).
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các cá nhân, đơn vị được giao với tiến độ thực hiện giải ngân của từng dự án.
Chỉnh trang đô thị để đón Xuân Giáp Thìn 2024 tại TP. Pleiku. Ảnh: Hà Duy |
Kịp thời thay thế, điều chuyển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, để trì trệ, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn, không đáp ứng được yêu cầu công việc được giao; phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2024 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao; tỷ lệ giải ngân là một tiêu chí quan trọng để xem xét đánh giá, xếp loại cuối năm đối với cán bộ, công chức.