Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Hồn cát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xóm nhỏ quê tôi có tên là xóm Cát. Nơi đây toàn là cát trắng, sạch bong!
Con người sinh sống trên cát. Còn bé thì bò lê, chập chững trên sân cát, có ngã cũng không sao. Lớn lên đi trên những con đường đầy cát, đôi chân rất dẻo dai. Chỗ đất canh tác, làm lụng đều gắn với chữ “cát”: ruộng cát, soi cát, gò cát, bãi cát. Trên cát trắng, hoa màu, cây trái vẫn xanh ngát bốn mùa. Buôn bán thì đến “chợ Cát”!
Nơi có nước chảy là mương cát, suối cát, bến cát. Nước chảy trên cát trong veo. Khi nước rút, cát trắng sạch rất mát. Nằm ngửa trên đó ngắm trời xanh mây trắng, nghe chim hót xung quanh mới cảm nhận được vẻ đẹp bình dị của xứ cát!
Nước mạch từ suối cát trong vắt, ngọt lịm. Người lớn đi làm, trẻ con chăn bò khát nước chỉ cần dùng tay moi một lỗ như cái nón, trong giây lát nước mạch tuôn ra, uống một hơi thật đã khát.
 Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Thời khắc qua đi mỗi ngày sẽ khoác lên cát những mảng màu khác nhau. Nắng sớm mai cát hồng nhạt như ruột dưa hấu chín háp. Buổi trưa hè, trên cát như có ngàn con đom đóm nhấp nháy. Lúc mặt trời sắp lặn, cát ánh vàng lóng lánh. Những đêm không trăng bóng tối cũng không đen đặc mà đục loãng lờ lờ. Đẹp nhất là những đêm trăng sáng.
Mùa trăng nơi cát trắng đêm rất ngắn. Trăng đã kéo ngày dài ra và thêm vào sự mát mẻ. Lũ trẻ vui chơi say sưa dưới trăng. Có những đêm trời nóng, cả bầy lăn ra bãi cát ngủ luôn. Sáng dậy phủi phủi vài cái là người sạch trơn.
Vui nhất là cảnh bọn trẻ đua nhau đi lượm “kim cương” dưới trăng. Rìa xóm có bãi Cát Tiên nghiêng nghiêng bên mương cát, hạt cát to và có cánh, sạch trắng nhất vùng. Những đêm rằm, dưới ánh trăng tầm nửa buổi đầu hôm, cát óng ánh như kim cương. Điều quan trọng là khoảnh khắc ấy rất ngắn ngủi. Còn khi trăng lên cao hơn một chút thì cát cũng hết phát sáng. Cho nên lũ nhỏ phải nhanh chân chạy đến đó đúng lúc để kịp nghịch “kim cương”. Những hạt cát lớn trắng tinh lấp lánh như kim cương hút hồn đám trẻ!
Thêm một điều lạ nữa là lúc cát nằm trên bãi thì lóe sáng, còn khi chúng tôi hốt tung lên cao thì không sáng. Lũ nhỏ cũng chẳng thắc mắc bởi trong đầu chúng đã in dấu một niềm tin cổ tích từ tên gọi của bãi cát: “Cát Tiên”! Có câu chuyện kể rằng ngày xưa nơi đây chưa có người thì bãi cát này là chỗ mấy tiên nữ hạ trần vui chơi ca hát. Rồi một hôm, bất chợt thấy có con người xuất hiện, các nàng tiên vội bay đi, làm rơi chuỗi hạt trang sức. Qua thời gian, chuỗi hạt ấy hóa thành cát. Vì là “cát tiên” nên khi người trần chạm vào thì cát không thể sáng được! Còn thời điểm cát sáng là ứng với khoảng thời gian trước đây các tiên nữ hạ trần ca múa.
Niềm tin cổ tích ấy theo chúng tôi đi vào đời, óng ánh.
Sau này lớn lên, tôi hiểu câu chuyện còn có một ý nghĩa khác cũng rất đẹp, gần với cuộc đời hơn: Các cá thể chỉ rực sáng khi có sự tương hỗ của cộng đồng và phải ở trong một hoàn cảnh, một môi trường thích hợp.
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm