Kinh tế

Giá cả thị trường

Hồn cốt dân tộc trong hàng việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong tâm trí người tiêu dùng Việt từ lâu nặng lòng với nhiều hàng Việt mang hồn cốt Việt, như đồ gốm Bát Tràng, cao su Sao Vàng, xe đạp Thống Nhất, giày Thượng Đình, thuốc lá Thăng Long…
Đến nay, những chiếc mặt nạ giấy bồi hình Ông Địa, Thị Nở rồi hình đầu trâu, mặt ngựa, hổ - báo… không chỉ là đồ chơi ưa thích của con trẻ cho đêm trung thu mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước
Đậm nét Việt
Những nơi sản xuất chúng còn trở thành địa chỉ văn hóa để du khách nước ngoài đến trải nghiệm, là địa chỉ tìm đến của người yêu nghề, có tâm với nghề và mong truyền dạy lại nghề, giữ lại một nét văn hóa truyền thống cho các thế hệ mai sau.
 
Khách hàng mua sắm tại chương trình “Tự hào hàng Việt” ở Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu ( TP HCM). Ảnh: Hoàng Triều
Hơn nữa, không chỉ người Việt, khách nước ngoài cũng đánh giá cao món phở Việt và nem Việt. Nhiều sản phẩm mây, tre đan và thổ cẩm, thậm chí những căn nhà và vật dụng sinh hoạt hoàn toàn bằng tre, trúc, lá cọ… cũng chinh phục được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài bởi mang hồn cốt Việt không thể nhầm lẫn.
Đặc biệt, những tấm áo dài Việt Nam ngày càng đa dạng về màu sắc, chất liệu, luôn đậm đà bản sắc dân tộc, đang và sẽ tiếp tục đủ sức chinh phục bao nhiêu thế hệ thiếu nữ Việt dù đang sinh sống ở trong nước hay xa Tổ quốc đã lâu, thậm chí luôn là hành trang tối thiểu vô giá của họ khi về nhà chồng ở xứ người.
Ngoài ra, không thể không kể đến dòng tranh dân gian Đông Hồ thể hiện những truyền thuyết, truyện ngụ ngôn mang tính triết lý, những bức thông điệp đầy màu sắc về đạo đức, luân lý và tín ngưỡng sâu sắc hay một thông điệp từ hàng ngàn năm trước của cha ông và giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Hàng Việt mang hồn Việt phải là hàng được sản xuất ở Việt Nam, chủ yếu bằng nguyên liệu, chất liệu và công nghệ Việt truyền thống, phản ánh tâm tư, tình cảm và nét nghĩ, tâm hồn Việt; phản ánh và đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân Việt Nam nhưng cũng đủ sức chinh phục những đam mê sưu tầm, khám phá, thưởng thức của du khách khu vực và quốc tế.
Hàng Việt mang hồn Việt là những sản phẩm tiện ích đời thường, nhấn mạnh sự độc đáo, cái riêng cách nghĩ, cách làm, mỹ cảm và triết lý cuộc đời của người Việt trong sinh hoạt và cả trong hoạt động kinh tế; tiếp tục nghiên cứu, chế tác và tô đậm thêm dòng sản phẩm này cũng là cách để chúng ta khai thác các tiềm năng văn hóa dân tộc, biến văn hóa thành nguồn lực, mang văn hóa bản địa ra hội nhập cùng văn hóa thế giới, hội nhập với kinh tế thị trường, mà không sợ bị hòa tan, mất gốc.
Không yêu nước chung chung
Thực tiễn cho thấy nhiều mặt hàng hiện đại sản xuất tại Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao đã, đang và sẽ tiếp tục chinh phục lòng tin của người tiêu dùng Việt, tiêu biểu là cộng đồng gồm 588 doanh nghiệp (DN) năm 2017 và hàng trăm DN năm 2019 đã chính thức đạt nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao được người tiêu dùng bình chọn ngẫu nhiên và khách quan. Việt Nam hiện có khoảng 158 thương hiệu may mặc lớn với 3 mặt hàng chiến lược chủ lực (may mặc các loại; phụ liệu; ngành công nghiệp hỗ trợ) được sản xuất và xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Năm 2018 toàn ngành đạt tỉ lệ sản xuất trong nước khoảng 70% các sản phẩm sợi, vải, phụ liệu, chỉ may và các hệ thống bao bì, đóng gói… và đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 35 tỉ USD. Mục tiêu ngành may là đến năm 2020-2025 sẽ chủ động được toàn diện phần cung nguyên phụ liệu thiếu hụt…
Thực tế cho thấy động lực hấp dẫn thật sự để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt không chỉ là tinh thần yêu nước chung chung mà chính là sự quan tâm bảo đảm và ngày càng cải thiện chất lượng, giá cả và thông tin về hàng Việt trong so sánh cần thiết với các hàng ngoại nhập.
Lâu nay, trong nhận thức và hành xử với thị trường trong nước của không ít DN còn mang tính áp đặt, tùy tiện, chưa quan tâm nghiên cứu thị trường, nhu cầu, thị hiếu người Việt, chỉ quen "bán cái mình có", thậm chí chỉ bán hàng loại 2, loại 3, làm dối kiểu "hàng chợ"; còn hàng tốt, hạng nhất thì ưu tiên xuất khẩu.
Hơn nữa, không chỉ thiếu hàng có chất lượng cao và giá cạnh tranh mà việc thông tin, quảng bá hàng Việt của DN cũng còn bị coi nhẹ, khá thô sơ và thiếu chuyên nghiệp, chưa xuất phát từ góc nhìn kinh tế và sự trân trọng lợi ích của người tiêu dùng. Chính xu hướng này khiến người tiêu dùng Việt gặp khó khăn khi muốn mua hàng nội tốt, thậm chí hình thành mặc cảm định kiến kéo dài về chất lượng hàng nội, tăng tâm lý sính hàng ngoại.
Cùng với sự phát triển đất nước, cải thiện thu nhập và nâng cao dần trình độ nhận thức, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng "thông thái" hơn và coi trọng hơn nhu cầu dùng hàng sạch, chất lượng và độ tin cậy cao. Hàng Việt Nam sẽ chinh phục người tiêu dùng Việt Nam tốt hơn khi được sản xuất và tổ chức phân phối đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu nghiêm ngặt nhất về vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và dịch vụ hậu mãi… theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Việc xây dựng những thương hiệu hàng Việt mạnh chính là sự khẳng định và phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc và xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần được tiếp sức và nâng cấp thành “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.

TS. Nguyễn Minh Phong (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm