Kinh tế

Giá cả thị trường

Hợp sức chống hạn cho vùng hạ lưu sông Mê Kông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế (MRC) vừa phát đi thông cáo cho biết từ nay tới tháng 1-2020, các quốc gia ở hạ lưu sông Mê Kông sẽ đối diện với hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Thái Lan và Campuchia là 2 quốc gia có thể bị hạn nghiêm trọng nhất.

Phân tích sơ bộ dữ liệu của MRC cho thấy, mùa mưa năm nay, khu vực hạ nguồn sông Mê Kông có lượng mưa thấp hơn các năm trước. Nếu thông thường, mùa mưa sẽ bắt đầu từ cuối tháng 5 và kết thúc vào tháng 10, song năm nay, mưa lại đến muộn gần 2 tuần và dứt sớm trước khoảng 3 tuần. Cùng với đó là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, làm nhiệt độ tăng cao bất thường, nước bốc hơi nhanh với lượng lớn. Kết quả phân tích này cho thấy khu vực hạ lưu sông Mê Kông có thể phải đối mặt với hạn hán, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp do không khí nóng lên bất thường và cây trồng thiếu nước tưới.

Cảnh khô hạn tại đoạn sông Mê Kông qua tỉnh Chiang Rai, phía bắc Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post
Cảnh khô hạn tại đoạn sông Mê Kông qua tỉnh Chiang Rai, phía bắc Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post

Trên thực tế, hạn hán năm 2019 đã khiến mực nước sông Mê Kông xuống mức thấp nhất trong gần 60 năm qua. Hầu hết các khu vực tại lưu vực đã ghi nhận lưu lượng dòng chảy cực kỳ thấp kể từ tháng 6. Các chuyên gia của MRC cho rằng có ba lý do dẫn tới mực nước thấp chưa từng có ở lưu vực sông Mê Kông là lượng mưa giảm, đập Cảnh Hồng ở Trung Quốc giảm mức xả để “bảo trì lưới điện” và tình trạng thời tiết khô nóng hơn bình thường ở nhiều quốc gia Đông Nam Á trong tháng 7.

“Năm nay, điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài có thể tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp và mùa vụ. Nếu hạn hán vẫn tiếp tục, tình trạng thiếu nước tiêu dùng có thể xảy ra”-Tiến sỹ Lâm Hùng Sơn-Giám đốc Trung tâm Quản lý Lũ lụt và Hạn hán Khu vực của Ban Thư ký MRC-cho hay.

Dự kiến, từ tháng 12-2019 đến đầu tháng 1-2020, nhiều diện tích ở hạ lưu sông Mê Kông sẽ bị ảnh hưởng nghiệm trọng bởi hạn hán vì mưa sẽ ít hoặc không có mưa. Các khu vực phía Bắc và Đông Bắc của Thái Lan (gồm Chiang Mai, Loei, Nongbua Lamphu, Udon Thani, Khon Kaen, Chaiyaphum, Sakon Nakhon, Nakhon Ratchasima, Buriram, Maha Sarakham, Surin, Sisaket) và khu vực Đông Bắc của Campuchia (gồm Oddar Meanchey, Preah Vihear và Siêm Reap) có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Một phần của Trung và Bắc Lào (gồm Viên Chăn, Xaysomboun, Xayaburi và Luang Prabang) cũng sẽ chịu tác đọng của hạn hán. Tình trạng này cũng sẽ ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam khi mặn xâm nhập, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng hạn hán được dự báo sẽ dần được cải thiện từ tuần thứ hai của tháng 1 năm sau bởi lượng mưa sẽ tương đối hơn.

Nông dân Thái Lan cố cứu một mảnh ruộng cạn ở tỉnh Kalasin. Ảnh: Bangkok Post
Nông dân Thái Lan cố cứu một mảnh ruộng cạn ở tỉnh Kalasin. Ảnh: Bangkok Post

Cuối tháng 11 vừa qua, tại cuộc họp thường niên diễn ra ở thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia), Hội đồng MRC đã thảo luận sôi nổi về vấn đề hạn hán và phê duyệt Chiến lược quản lý hạn hán giai đoạn 2020-2025 nhằm xác định các biện pháp giảm nhẹ cần thiết nhất và các cơ chế chia sẻ, phổ biến thông tin về hạn hán, từ đó hỗ trợ các nước thành viên chống lại tình trạng hạn hán hiện nay và trong tương lai.

Theo đó, 5 vấn đề ưu tiên trong Chiến lược bao gồm: giám sát các dấu hiệu hạn hán như mặt đất, độ ẩm đất, cây trồng; dự báo và cảnh báo sớm hạn hán; nâng cao khả năng đánh giá và lập kế hoạch đối phó hạn hán; đưa ra các biện pháp giảm thiểu thiệt hại và phát triển hệ thống chia sẻ thông tin. Các quốc gia thành viên MRC và những đối tác phát triển sẽ tài trợ cho việc thực hiện chiến lược này. Hội đồng MRC, gồm Bộ trưởng của các nước thành viên, cũng đã phê chuẩn kế hoạch hành động thường niên giai đoạn 2020-2021 với ngân sách khoảng 13 triệu USD. Tất cả các nước sẽ cùng nhau đối phó hạn hán theo chiến lược đã được MRC phê duyệt.

Các nhà máy thủy điện tăng lưu lượng xả nước vào sông Mê Kông để giảm hạn. Ảnh internet
Các nhà máy thủy điện tăng lưu lượng xả nước vào sông Mê Kông để giảm hạn. Ảnh: internet

Trước đó, Chính phủ các nước thành viên trong lưu vực cũng đã từng không ít lần chỉ đạo các nhà máy thủy điện tăng lưu lượng xả nước vào sông Mê Kông. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp người dân các nước láng giềng, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, giải quyết được vấn nạn hạn hán và xâm nhập mặn.

M.T (t/h)

Có thể bạn quan tâm