Kinh tế

Nông nghiệp

Hợp tác xã chuyển đổi số để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bên cạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã bắt đầu tận dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, xây dựng website bán hàng hay tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, tìm kiếm thị trường, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất.

Thời gian qua, ngoài các kênh bán hàng truyền thống, HTX mật ong Phương Di Ia Grai (xã Ia Dêr) đã thích ứng nhanh với công nghệ số khi thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, các kênh bán hàng online như Shopee, Lazada hay xây dựng website để lan tỏa thương hiệu. Bà Trần Thị Hoàng Anh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX-cho hay: Nhằm tạo ấn tượng đối với người tiêu dùng cả về chất lượng và hình ảnh, đơn vị còn đăng tải các bài viết liên quan đến sản phẩm trên website, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến khách hàng, cộng tác viên và đối tác.

 Nhiều HTX trên địa bàn huyện Ia Grai thích ứng nhanh với công nghệ số khi thông qua các trang mạng xã hội, các kênh bán hàng online hay xây dựng website để quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Minh Nguyễn
Nhiều HTX trên địa bàn huyện Ia Grai thích ứng nhanh với công nghệ số khi thông qua các trang mạng xã hội, các kênh bán hàng online hay xây dựng website để quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Minh Nguyễn


Với việc đa dạng hóa phương thức tiếp cận thị trường thông qua chuyển đổi số, HTX mật ong Phương Di Ia Grai đã từng bước vượt khó và thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội như hiện nay. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX cho hay: “Việc thay đổi phương thức kinh doanh từ bán hàng truyền thống sang trực tuyến đã góp phần mở rộng đối tượng khách hàng của HTX. Qua đó, số lượng hàng hóa tiêu thụ cũng tăng đáng kể. Chúng tôi tích cực sử dụng Facebook, Zalo, website của đơn vị đăng tải hình ảnh giới thiệu, thông tin về nguồn gốc, công dụng sản phẩm tới khách hàng để tìm kiếm, mở rộng thị trường. Do vậy, dù gặp nhiều khó khăn bởi tác động của dịch bệnh nhưng các sản phẩm của HTX vẫn đều đặn xuất ra thị trường. Bên cạnh đó, sản phẩm của HTX còn từng bước phủ sóng ở hơn 20 cửa hàng, đại lý khắp cả nước, vào kệ trưng bày của Siêu thị Co.op Mart Pleiku hay các gian hàng sản phẩm OCOP của tỉnh”.

Cũng nhờ nhanh nhạy chuyển đổi số, bà Nguyễn Thị Thảo (thị trấn Ia Kha)-thành viên HTX sản xuất kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành-không những xây dựng được thương hiệu “Cà phê sạch Thảo Hiên” mà còn đưa tên tuổi của HTX vươn xa. Tham gia sản xuất cà phê chất lượng theo tiêu chuẩn 4C, bà đầu tư máy móc, nhà xưởng để chế biến, tạo ra các sản phẩm sạch từ những hạt cà phê do HTX sản xuất. Đặc biệt, từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà đã nhạy bén tìm kiếm, mở rộng thị trường thông qua mạng internet. Bên cạnh tiếp cận khách hàng trực tiếp qua hệ thống cửa hàng, siêu thị, bà còn đẩy mạnh kinh doanh trên các website, mạng xã hội Facebook, Zalo. “Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của chúng tôi được nhiều khách hàng biết đến. Mỗi ngày có đến hàng ngàn lượt khách hàng theo dõi sản phẩm của chúng tôi thông qua website và mạng xã hội. Tuy thời điểm này lượng sản phẩm bán ra còn chưa nhiều nhưng chắc chắn tới đây sẽ kết nối được với nhiều khách hàng hơn, lượng hàng tiêu thụ theo đó cũng tăng lên”-bà Thảo tin tưởng.

Theo bà Thảo, việc ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, mở rộng thị trường giúp các sản phẩm của HTX tiêu thụ thuận lợi hơn và nâng cao giá trị. Tuy nhiên, do các thành viên HTX đa số là nông dân nên việc tiếp cận công nghệ số còn chưa thật hiệu quả. “Theo tôi, cần tổ chức những khóa đào tạo để giúp các thành viên thích ứng dần với nông nghiệp thông minh ở tất cả các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm hay tương tác với người tiêu dùng”-bà Thảo nói.

Trao đổi với P.V, ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-thông tin: Đến nay, trên địa bàn huyện có 16 HTX nông nghiệp với hơn 2.165 thành viên; doanh thu trung bình của mỗi HTX đạt trên 2,3 tỷ đồng/năm. Trong số này, nhiều HTX, hộ kinh doanh cá thể cũng bắt đầu ứng dụng công nghệ số, chuyển từ nông nghiệp thủ công sang nông nghiệp thông minh. Bước đầu, nhiều HTX đã áp dụng các trang mạng xã hội để tập hợp thành viên, cập nhật tình hình thời tiết, thiên tai giúp bà con chủ động hơn trong sản xuất. Xa hơn nữa là ứng dụng phần mềm quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chủ động xây dựng website, tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trực tuyến trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho biết thêm: Thời gian đến, Phòng sẽ tham mưu giúp UBND huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân đã khó, nay ứng dụng công nghệ vào sản xuất lại càng khó hơn, cần có sự phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, từng bước “cầm tay chỉ việc” giúp bà con tiếp cận dần với nông nghiệp thông minh, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Đồng thời, chúng tôi sẽ khảo sát, lựa chọn một số HTX để xây dựng các điển hình về chuyển đổi số, sau đó tổ chức tập huấn nhân rộng mô hình hiệu quả”-ông Thắm khẳng định.

 

 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm