Kinh tế

Nông nghiệp

Hợp tác xã Nông-lâm nghiệp Quyết Tiến: Tìm hướng đi phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 24 năm hoạt động, Hợp tác xã (HTX) Nông-lâm nghiệp Quyết Tiến (xã Ayun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã từng bước đa dạng hóa ngành nghề để tìm hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên và người dân trên địa bàn.

Năm 1998, HTX Nông-lâm nghiệp Quyết Tiến được thành lập với ngành nghề làm dịch vụ nông-lâm nghiệp. Những năm đầu, HTX gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, HTX tiến hành đại hội chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và huy động thành viên tham gia. Ngoài nguồn vốn tự có, HTX đứng ra kêu gọi các thành viên và cổ đông bên ngoài góp vốn đầu tư mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh; đồng thời tìm được hướng đi mới với đa ngành nghề trên các lĩnh vực như: khai thác khoáng sản, xây dựng, mua bán vật liệu xây dựng, chế biến nông-lâm sản, tham gia các chuỗi liên kết sản xuất lúa, bắp sinh khối, sả chanh; trồng thử nghiệm giống mì NA1, KM140, lúa Đài Thơm 8.

 Những năm gần đây, HTX Nông-lâm nghiệp Quyết Tiến đã huy động các thành viên tham gia chế biến nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ảnh: Vũ Thảo
Những năm gần đây, HTX Nông-lâm nghiệp Quyết Tiến đã huy động các thành viên tham gia chế biến nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ảnh: Vũ Thảo


Ông Kơm (làng Bông, xã Ayun) cho hay: Tôi được HTX cấp giống lúa Đài Thơm 8 để trồng thử nghiệm trên diện tích 2 sào. Ngoài ra, tôi còn được hướng dẫn từ khâu cải tạo đất, ủ giống, bón phân nên năng suất lúa đạt cao hơn rất nhiều so với trước đây. “Ngày trước, 1 sào lúa chỉ thu khoảng 3,5-4 tạ, giờ thu đến 7 tạ. Không những vậy, lúa thu hoạch xong được HTX thu mua với giá 5-6 ngàn đồng/kg, cao hơn giá thị trường”-ông Kơm dẫn chứng.
 


Ông Võ Văn Vinh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang: “Qua 5 năm chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX Nông-lâm nghiệp Quyết Tiến đạt hiệu quả bước đầu. Ngoài làm dịch vụ và liên kết sản xuất, HTX còn đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP, tạo điều kiện sáng tạo cho thành viên, giúp tạo ra các sản phẩm mới từ chính những mặt hàng nông-lâm sản của địa phương”.

Trong 3 năm qua, HTX Nông-lâm nghiệp Quyết Tiến còn tham gia chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện HTX đang là chủ thể dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Mang Yang với 6 sản phẩm. Ông Bùi Ngọc Thúc-Giám đốc HTX-cho biết: “Chúng tôi chọn lựa nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như: măng le, sả chanh, màng tang, đinh lăng để chế biến thành những sản phẩm mang nét đặc trưng. Năm 2019, sản phẩm măng le sấy khô của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2020, HTX có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: tinh dầu màng tang nguyên chất, tinh dầu màng tang xịt phòng, muối sả. Năm 2021, HTX có thêm 2 sản phẩm OCOP là cao đinh lăng toàn tính, cao đinh lăng thân lá. Nhìn chung, các sản phẩm OCOP của HTX đưa ra thị trường được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận. Chương trình OCOP đã tạo điều kiện cho HTX làm ra những sản phẩm mới, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên. Năm nay, HTX tiếp tục đăng ký xây dựng sản phẩm trà đinh lăng và đánh giá lại sản phẩm măng le sấy khô sau chu kỳ 3 năm được công nhận sản phẩm OCOP”.

Là thành viên tham gia chế biến và xây dựng sản phẩm OCOP, ông Vũ Ngọc Hanh (tổ 4, thị trấn Kon Dơng) cho hay: “Trước giờ, tôi trồng đinh lăng để bán xô. Cuối năm 2020, tôi được HTX vận động chuyển hướng sang chế biến cao đinh lăng toàn tính. Sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Khi tham gia HTX, tôi được hướng dẫn các thủ tục để hoàn thiện sản phẩm, được quảng bá giới thiệu trong các chương trình xúc tiến thương mại. Nhờ đó, chúng tôi có cơ hội mở rộng thị trường”.

Với hướng đi mới, HTX Nông-lâm nghiệp Quyết Tiến hoạt động ngày càng hiệu quả. Đến nay, HTX đã có 76 thành viên, chủ yếu là người dân các xã: Ayun, Đak Jơ Ta, Đak Yă và thị trấn Kon Dơng. Mỗi năm, doanh thu của HTX đạt hơn 1 tỷ đồng, tạo thêm việc làm cho thành viên và người lao động.

Nói về định hướng trong thời gian tới, ông Bùi Ngọc Thúc cho biết: Đối với hoạt động sản xuất, HTX sẽ thực hiện 4 chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm gồm: lúa chất lượng cao, bắp sinh khối, cây màng tang, măng tây với tổng diện tích khoảng 100 ha. Bên cạnh đó, HTX tiếp tục phát triển các ngành nghề khai thác cát sỏi xây dựng, mua bán vật liệu xây dựng, xây dựng dân dụng nông thôn nhằm tạo việc làm cho người dân địa phương và tăng doanh thu. Đồng thời, tiếp tục củng cố để phát triển mạnh các dịch vụ như vệ sinh môi trường, thủy lợi, khuyến nông, khuyến công. Để nâng cao giá trị hàng nông sản, góp phần quảng bá thương hiệu đặc sản của địa phương, HTX phấn đấu đến năm 2026 có ít nhất 9 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên.

 

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm