Kinh tế

Nông nghiệp

Hợp tác xã nông nghiệp: Khẳng định vị thế trong nền kinh tế Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Kết nối sản xuất giữa các hộ dân thông qua mô hình hợp tác xã (HTX) nhằm xây dựng chuỗi giá trị cho mặt hàng nông sản trong bối cảnh thị trường hiện nay đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Cầu nối liên kết sản xuất và tiêu thụ
Trong xu thế phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, HTX nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, nhất là việc thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhờ HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với hộ nông dân nên việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được thuận lợi, từ đó khuyến khích nông dân tham gia làm thành viên HTX.
Ông Lê Tất Đỗ-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cho biết: “Hợp tác xã Tâm Thành thành lập năm 2016 trên cơ sở nguyện vọng của bà con với ngành nghề sản xuất cà phê và kinh doanh phân bón. Hợp tác xã đã làm cầu nối với doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp để giúp các thành viên mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đảm bảo chất lượng, giá thấp hơn so với thị trường. Bên cạnh đó, để đảm bảo đầu ra cho nông dân, HTX đã liên kết với Công ty TNHH một thành viên Sơn Huyền Phát sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C. Người dân thấy được lợi ích khi tham gia HTX nên đã tự nguyện xin vào. Do đó, từ 100 thành viên ban đầu, sau hơn 2 năm hoạt động, HTX đã phát triển lên 150 thành viên với diện tích 285 ha cà phê”.
 Cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: V.T
Cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: V.T
Về phía chính quyền địa phương, theo ông Phan Trung Tường-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, hiện nay, giá cả các loại nông sản chủ lực như: cao su, điều, hồ tiêu, cà phê đang xuống thấp nên thu nhập của người dân trên một đơn vị diện tích giảm. Huyện đang rà soát để chuyển đổi một phần diện tích cây trồng gắn với chuỗi giá trị, mà trong đó HTX sẽ là đầu mối liên kết với các công ty xuất khẩu, công ty chế biến nhằm ổn định lâu dài đầu ra cho nông dân trên địa bàn cũng như nâng cao giá trị mặt hàng nông sản thế mạnh của địa phương.
Nói về lợi ích của việc liên kết trong sản xuất, TS. Trần Minh Hải-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế hợp tác thuộc Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT II (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, hiện nay, nông sản Việt Nam đang quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường này ngày càng siết chặt chất lượng nông sản. Do đó, nông dân phải liên kết lại thông qua HTX để có quy mô sản xuất lớn, hiệu quả cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Những HTX này sẽ làm cầu nối hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp. Hợp tác xã sẽ đại diện cho thành viên dưới hình thức mua chung (cùng mua vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất với số lượng lớn), bán chung (cùng bán sản phẩm), tiếp nhận hỗ trợ, đại diện ký hợp đồng để mang lại quyền lợi cao nhất cho thành viên tham gia.
Ông Nguyễn Văn Tiếp-Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh-cho biết: “Việc liên kết đảm bảo đầu ra là quan trọng nhất để các HTX nông nghiệp phát triển. Hiện chúng ta đã xây dựng được chuỗi giá trị ở HTX Nông-Lâm nghiệp và Vận tải Yang Nam (huyện Kông Chro), HTX Nông nghiệp Tân Tiến (huyện Ia Pa) và đang khảo sát lựa chọn HTX Nông nghiệp và Dược liệu Quang Vinh (huyện Kbang) để Liên minh HTX Việt Nam xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong năm 2019”. 
Nâng cao vai trò HTX nông nghiệp
 
Kết nối sản xuất giữa các hộ dân thông qua mô hình hợp tác xã (HTX) nhằm xây dựng chuỗi giá trị cho mặt hàng nông sản trong bối cảnh thị trường hiện nay đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Tính đến hết quý I-2019, toàn tỉnh có 155 HTX nông nghiệp đang hoạt động (32 HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và 123 HTX thành lập mới) với gần 7.500 thành viên. Bộ máy quản lý của các HTX đã được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn; hoạt động của các HTX theo hướng thiết thực hơn, gắn liền với lợi ích của thành viên. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 26% HTX nông nghiệp được đánh giá là hoạt động hiệu quả, 74% hoạt động chưa hiệu quả.
Thời gian qua, công tác thành lập mới và củng cố hoạt động các HTX nông nghiệp nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương; vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể được nâng cao. Các HTX nông nghiệp đã thể hiện được vai trò tích cực, quan trọng trong việc hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân và góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; phát huy vai trò tập hợp, vận động nông dân ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất; từng bước thực hiện việc liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản cho thành viên và nông dân.
Tuy nhiên, hiện nay, quy mô sản xuất của một số HTX nông nghiệp còn nhỏ, chủ yếu theo địa giới hành chính thôn, xã. Nguồn vốn và cơ sở vật chất của các HTX còn thiếu, khả năng huy động vốn từ thành viên còn hạn chế, việc vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Các HTX chưa tạo được sự liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa, sức cạnh tranh thấp. Hầu hết các HTX nông nghiệp chưa xây dựng được chiến lược sản xuất kinh doanh dịch vụ theo hướng đa ngành mà chủ yếu đang tập trung thực hiện một số dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Tiếp, hiện nay, chính sách ưu đãi cho HTX thì nhiều nhưng đa phần HTX chưa tiếp cận được. Liên minh HTX tỉnh đang xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nhằm hỗ trợ các HTX nâng cao hiệu quả hoạt động để có bước tiến mới trong xu thế hội nhập. Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh ta phấn đấu có 145 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả; tiếp tục thành lập mới 25 HTX nông nghiệp để có trên 80 HTX thành lập mới giai đoạn 2018-2020; phấn đấu có trên 36 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 36 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực.         
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm