Kinh tế

Nông nghiệp

Hướng đến nông nghiệp thông minh cho nông dân Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cây hồ tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt đang diễn biến đáng lo ngại trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng này, sự xuất hiện của dự án trồng hồ tiêu bằng công nghệ nông nghiệp thông minh đang hứa hẹn một hướng đi tích cực cho hồ tiêu Gia Lai.

Vừa qua, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh về Dự án trồng rừng xen trồng cây hồ tiêu và kết hợp chăn nuôi tại địa bàn xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc áp dụng công nghệ nông nghiệp thông minh cho việc trồng và chăm sóc hồ tiêu của công ty này.

Sẽ trồng trên 200 ha hồ tiêu sạch

Thời gian qua, một bộ phận lớn người nông dân trên địa bàn tỉnh bất chấp rủi ro lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để thâm canh khai thác tối đa năng suất; tự phát canh tác ồ ạt hồ tiêu kể cả vùng đất không phù hợp với loại cây trồng này dẫn đến tiêu chết hàng loạt không thể kiểm soát được. Nhận thấy việc sản xuất hồ tiêu kiểu “truyền thống” này của nông dân không phù hợp, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh đã xây dựng Dự án trồng rừng xen trồng cây hồ tiêu và kết hợp chăn nuôi. Theo đó, dự án được phê duyệt với tổng diện tích 697,54ha. Trong năm 2017, công ty đã trồng được 50 ha hồ tiêu giống Vĩnh Linh. Dự kiến tới cuối năm 2019 tổng diện tích hồ tiêu công ty sẽ trồng trong dự án là 201ha với công nghệ nông nghiệp thông minh.

“Nông nghiệp thông minh là nền nông nghiệp có thể điều chỉnh phân bón, nước tưới, thuốc trừ sâu bệnh, lượng hạt giống gieo trồng theo nhu cầu của cây trồng... qua các thiết bị và phần mềm thông minh, được con người điều khiển từ xa. Ứng dụng nông nghiệp thông minh đã giúp nhiều quốc gia thu hiệu quả sản xuất và kinh tế cao. Và tôi tin, dự án này cũng sẽ thành công khi ứng dụng công nghệ này”- ông Lingai VelusWamy (đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh) cho biết.

hai giống tiêu nội địa là Lộc Ninh và Vĩnh Linh rất phù hợp với điều kiện ở Gia Lai. Ảnh: Trần Dung
Hai giống tiêu nội địa là Lộc Ninh và Vĩnh Linh rất phù hợp với điều kiện ở Gia Lai. Ảnh: Trần Dung

Cũng theo ông Lingai, các chuyên gia của công ty đã kết hợp các loại giống phù hợp, đồng thời khảo sát đất, nước và khí hậu một cách kỹ lưỡng nhất. Giống hồ tiêu được nhân giống mắt đơn trực tiếp tại nhà kính và nhà kính được sử dụng công nghệ cao Israe. “Trong năm 2017, chúng tôi đã trồng được 50ha giống tiêu Vĩnh Linh và hiện nay chúng đang phát triển rất tốt. Chúng tôi nhận thấy rằng, hai giống tiêu nội địa là Lộc Ninh và Vĩnh Linh rất phù hợp với điều kiện ở địa phương này. Chúng tôi sẽ dành ra 60% diện tích để trồng giống tiêu Vĩnh Linh. Còn lại sẽ thử nghiệm các loại giống khác. Sau khi dự án thành công, chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ cho người dân. Chúng tôi dự định sẽ mở nhà máy chế biến tiêu sạch ở đây khi người dân tiếp thu và tạo ra nhiều sản lượng tiêu sạch”- ông Lingai VelusWamy khẳng định.

Ứng dụng nông nghiệp thông minh cho người dân Gia Lai

Đó là cam kết của ông Lingai VelusWamy (đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh) với Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang và đoàn công tác tại buổi làm việc và tham quan mô hình trồng hồ tiêu bằng công nghệ nông nghiệp thông minh của Công ty. “Theo ông Lingai thì hồ tiêu Gia Lai sẽ tồn tại những vườn tiêu có tuổi thọ 15 đến 20 năm (chứ không phải chỉ 5 tới 8 năm như hiện nay) nếu áp dụng theo các bước nông nghiệp thông minh như: hệ thống tưới tiêu, nhà kính, trạm thời tiết DAVIS, kiểm tra độ ẩm, pH… và sau khi dự án hoàn thành, Công ty sẽ trực tiếp chuyển giao công nghệ nông nghiệp thông minh đối với cây hồ tiêu cho nông dân ở Gia Lai. Chúng tôi hi vọng điều đó sẽ nhanh chóng được thực hiện”- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh.

Ông
Ông Lingai VelusWamy (đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh) cam kết sẽ chuyển giao công nghệ nông nghiệp thông minh cho nông dân Gia Lai. Ảnh: Trần Dung

Nói về dự án này, ông Phan Công Thành (Phó Giám đốc sở Kế hoạch-Đầu tư) cho rằng đây là dự án phù hợp với địa phương bởi nó sẽ cải thiện được tình hình phát triển hồ tiêu của Gia Lai. Nếu được áp dụng nông nghiệp thông minh thì chắc chắn hồ tiêu Gia Lai sẽ có chỗ đứng vững vàng hơn. Còn về phía huyện Chư Pưh-địa phương Công ty đứng chân trên địa bàn thì: “Chúng tôi mong muốn ngoài việc phát triển cây hồ tiêu bền vững phía Công ty cần phối hợp với chính quyền vận động, đối thoại với những hộ dân chưa đồng thuận giao đất cho công ty thực hiện dự án. Ngoài ra, Công ty hãy bỏ ra một số kinh phí nhất định để động viên người dân trả đất”- Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Lê Quang Thái nêu rõ.

Trả lời về việc làm thế nào để chuyển giao nông nghiệp thông minh cho người dân, trong khi nhân lực của Công ty thì hạn chế mà nhu cầu trồng hồ tiêu của người dân rất cao của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, phía đại diện Công ty thắng thẳn chia sẻ: Công ty sẽ trực tiếp mở các lớp đào tạo cho người dân. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh cần khá nhiều kinh phí nên bước đầu chỉ có thể áp dụng với những nông trường hồ tiêu lớn, những diện tích hồ tiêu lớn.

Bí thư Tỉnh ủy mong muốn dự án nhanh chóng hoàn thành và cho hiệu quả cao
Bí thư Tỉnh ủy mong muốn dự án nhanh chóng hoàn thành và cho hiệu quả cao. Ảnh: Trần Dung

Sau khi cùng đoàn công tác đã đi thăm mô hình trồng tiêu của dự án, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn dự án nhanh chóng hoàn thành và cho hiệu quả cao, để từ đó, nông dân Gia Lai có thể tiếp thu được nông nghiệp thông minh. “Tôi hi vọng Công ty cam kết thực hiện theo đúng quy định, đồng thời triển khai xây dựng các vườn ươm, trung tâm giống tiêu đầu dòng, tiến đến đầu tư chế biến sâu trong lĩnh vực hồ tiêu tại Gia Lai”- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang bày tỏ.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm