Kinh tế

Nông nghiệp

Hướng đến thương hiệu rau an toàn: Cần một đòn bẩy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong khi doanh nghiệp đang loay hoay tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm thì người nông dân trồng rau an toàn cũng phải chịu không ít tổn thất cho nhiều tiêu chuẩn khắt khe lẫn vấn đề sản lượng tiêu thụ bị giảm sút.

[links()

Mở rộng liên kết

Trước nghịch lý cung-cầu về rau an toàn, theo ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản, đáp án chính là phải “làm thế nào để người tiêu dùng hiểu rõ tác hại của thực phẩm không an toàn và lợi ích của thực phẩm an toàn. Từ đó, người tiêu dùng sẽ tìm mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ và có nhiều cơ hội an toàn nhất. Lúc ấy, người sản xuất rau an toàn mới sống được và sẽ có cơ hội lấn át thị phần của sản phẩm rau không an toàn”.

 

Ông Võ Ngọc Thanh thu hoạch cà chua được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: M.N
Ông Võ Ngọc Thanh thu hoạch cà chua được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: M.N

Trên thực tế đã có nhiều mô hình, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn xuất hiện tại một số địa phương trong tỉnh. Tuy quy mô còn khiêm tốn, nhỏ lẻ nhưng các cơ sở sản xuất này cũng đã và đang nỗ lực trong hành trình củng cố niềm tin nơi người tiêu dùng. Tại phường An Bình (thị xã An Khê) đã hình thành vùng sản xuất rau tập trung với hơn 520 ha. Tuy nhiên, quá trình sản xuất rau của bà con nơi đây chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả kinh tế thấp, chất lượng chưa đảm bảo.

Trước thực trạng đó, năm 2016, UBND phường An Bình đã xây dựng mô hình “Duy trì và mở rộng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP” với diện tích 8 ha (12 hộ tham gia) trên 15 chủng loại rau. Năm 2017, đơn vị tiếp tục xây dựng thêm mô hình này trên 11 chủng loại rau mới với diện tích 4,6 ha. Từ một mô hình chỉ có nhóm hộ gia đình, phường An Bình đã phát triển lên thành Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn An Bình, trở thành địa chỉ tin cậy của bà con trồng rau tại địa phương.

Ông Trần An Đình-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX, chia sẻ: Khi tham gia sản xuất rau an toàn, người dân đã tuân thủ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng thời gian cách ly theo quy định. Dù năng suất so với sản xuất rau theo kiểu truyền thống là như nhau nhưng giá bán ra cao hơn 20%. Hợp tác xã còn làm đầu mối liên hệ tiêu thụ sản phẩm thông qua việc ký hợp đồng với Công ty Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Tâm Nguyên (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) và HTX Rau an toàn Hòa Vang (TP. Đà Nẵng). Đến nay, có 3.540 kg rau VietGAP ở phường An Bình được xuất bán tại các địa phương trên; 2 cửa hàng ở phường Tây Sơn và phường An Phú cũng được mở rộng nhằm đẩy mạnh tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn.

Còn tại thị xã Ayun Pa, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, địa phương này đã triển khai một số mô hình sản xuất rau an toàn tại các phường: Đoàn Kết, Hòa Bình, Cheo Reo... Ông Lê Đức Liệu (tổ dân phố 10, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) cho hay: “Từ khi tham gia mô hình sản xuất rau an toàn, tôi được hướng dẫn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học ít độc hại, hạn chế sử dụng phân bón hóa học. Chi phí giảm hơn 20% so với trước đây, sản phẩm làm ra cũng dễ bán hơn, lợi nhuận tăng lên đáng kể. Với 2 sào rau, sau khi trừ chi phí, mỗi vụ tôi thu được khoảng 30-40 triệu đồng”.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu

 

Thị trường đang rất cần một “cú hích” để xây dựng một thương hiệu rau sạch trong toàn tỉnh, tạo đà lấn át các loại rau thiếu an toàn.Ảnh M.N
Thị trường đang rất cần một “cú hích” để xây dựng một thương hiệu rau sạch trong toàn tỉnh, tạo đà lấn át các loại rau thiếu an toàn. Ảnh M.N

Đẩy lùi rau không an toàn và đưa sản phẩm rau sạch đến người tiêu dùng không phải là vấn đề đơn giản, nhất là việc xác định nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng mong muốn sản phẩm rau an toàn phải được kiểm soát chất lượng từ gốc (khâu chọn giống), quá trình sản xuất, bảo quản cho đến tận bàn ăn. Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp sản xuất rau an toàn với quy mô lớn phải quản lý tốt từ trang trại đến cửa hàng, điểm bán, nơi phân phối... Và đương nhiên, việc khẳng định thương hiệu và nhận diện thương hiệu là điều vô cùng cần thiết.

Sau nhiều năm vất vả xây dựng, thương hiệu rau sạch Hương Đất An Phú bắt đầu có được chỗ đứng trên thị trường. Để sản phẩm được đưa vào Siêu thị Co.op Mart, Vinmart… Giám đốc Công ty này cho biết đã lên kế hoạch dài hạn ròng rã nhiều năm trời để tự khẳng định mình.Và mới đây, sự nỗ lực ấy đã đem về “trái ngọt”: Công ty là đơn vị duy nhất của tỉnh được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực sản xuất rau an toàn.

Không chỉ doanh nghiệp, các hộ dân tham gia sản xuất rau an toàn cũng nỗ lực chẳng kém vì những lợi ích rõ rệt mà mô hình này mang lại. Ông Võ Ngọc Thanh (tổ dân phố 5, phường An Bình, thị xã An Khê)-thành viên của HTX Rau an toàn An Bình, cho rằng, từ khi sản phẩm rau an toàn do gia đình sản xuất được công nhận và “gắn mác” VietGAP, ông không còn lo thương lái ép giá vì đã có đầu ra ổn định. Sản phẩm rau an toàn của HTX này đã được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lâm Đồng) cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy An Khê, cho hay: Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng trong sản xuất và tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, hàng năm, thị xã bố trí khoảng 200 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến nông để đầu tư cho cây rau và hoa công nghệ cao trên địa bàn. Bên cạnh tích cực xây dựng nhãn hiệu tập thể rau An Khê, hiện nay, thị xã đang hoàn tất các thủ tục, thuê công ty tư vấn đánh giá các tiêu chí, đồng thời đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ giúp đỡ về mặt chuyên môn để gửi ra Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận thương hiệu rau an toàn An Khê. Sắp tới, ngoài phường An Bình, thị xã sẽ mở rộng khu vực trồng rau an toàn ra các phường: An Phú, Ngô Mây và An Phước. VietGAP chỉ là bước đi ban đầu, còn sản xuất rau hữu cơ mới là cái đích lâu dài mà thị xã hướng đến.

Nhóm phóng viên

Có thể bạn quan tâm