TN - Đất & Người

Hướng đi mới giúp người dân huyện biên giới Tây Nguyên thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc đang dần trở thành một phương án khả thi góp phần giảm nghèo bền vững cho khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo cao.
Người lao động tại Đắk Lắk tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Với đặc thù vùng biên giới, đời sống của người dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, hệ thống thủy lợi còn hạn chế, hạn hán, lũ lụt, giá cả các mặt hàng nông sản biến động thất thường...

Trong bối cảnh đó, việc đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc đang dần trở thành một phương án khả thi góp phần giảm nghèo bền vững cho khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo cao.

Cơ hội nâng cao thu nhập

Tại huyện Ea Súp, chương trình đưa lao động làm việc thời vụ sang Hàn Quốc đã mở ra một hướng đi mới, mang lại thu nhập ổn định giúp cải thiện đời sống người dân.

Anh Hà Văn Hương (dân tộc Thái, ở xã Ea Rvê, huyện Ea Súp) vừa trở về sau khi tham gia lao động thời vụ tại Hàn Quốc trong 3 tháng chia sẻ gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, có 2 hecta đất trồng cây mỳ (sắn), nhưng do khí hậu vùng biên khắc nghiệt, thường xuyên hạn hán nên cây trồng không đạt hiệu quả. Sau khi được địa phương giới thiệu chương trình đưa lao động sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, anh đã đăng ký tham gia.

Đến nay, anh Hương đã đi lao động được 3 đợt. Mỗi đợt, sau khi trừ chi phí, anh mang về cho gia đình khoảng 70-80 triệu đồng. Số tiền tích cóp được này, anh đã sửa lại nhà, đầu tư trồng thêm cây sắn.

“Công việc bên đó của tôi chủ yếu là trồng và thu hoạch khoai lang. Mỗi ngày tôi làm từ 9-10 giờ. So với làm nông, công việc cũng không quá vất vả. Qua đây làm việc, tôi học hỏi thêm được rất nhiều. Nông nghiệp ở Hàn Quốc hiện đại hơn, từ đó tôi có thể áp dụng được nhiều vào việc sản xuất sau này. Hy vọng chương trình đưa lao động đi làm việc thời vụ sẽ kéo dài, giúp người dân nghèo có việc làm, thêm thu nhập, ổn định cuộc sống,” anh Hương chia sẻ.

Tương tự, anh Phan Bá Tý (tại thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) cũng đi lao động thời vụ tại Hàn Quốc được 3 đợt. Chị Vũ Thị Dinh (vợ anh Tý) cho biết đợt này, chồng chị đi lao động thời vụ từ tháng 8/2024.

Quá trình lao động ở thành phố Iksan, tỉnh Jeollabuk, anh làm việc tại một nông trại trồng khoai lang với thu nhập bình quân khoảng 30 triệu đồng/tháng, chưa tính tăng ca.

Sau 2 đợt sang Hàn Quốc làm việc, anh đã tích góp đem về được 170 triệu đồng. Với số tiền này, vợ chồng anh chị dùng để sửa nhà, đầu tư trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Nhờ đó, cuộc sống ổn định hơn so với trước.

Theo bà Hoàng Thị Kiều Oanh, Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ea Súp, chương trình đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc rất hữu ích và được sự ủng hộ của người dân trên địa bàn, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động, giúp tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của gia đình họ đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Bên cạnh đó, thời gian người lao động thời vụ 3 tháng/đợt phù hợp với điều kiện để về chăm lo cho gia đình, người thân...

Lao động thời vụ tại Hàn Quốc hầu như là những người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Thu nhập của người lao động sau khi trừ chi phí dao động từ 70-90 triệu đồng/người/đợt. Số tiền này được sử dụng để trả nợ ngân hàng, đầu tư vào phát triển chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống của gia đình người lao động.

Lao động thời vụ ở nước ngoài có thu nhập cao hơn nhiều lần so với việc làm trong nước, trong khi vốn đầu tư ít nhưng mang lại lợi ích kinh tế cao.

Mặt khác, trong quá trình làm việc tại nước ngoài, người lao động được học hỏi thêm về ngoại ngữ, tiếp cận với các phương pháp làm việc tiên tiến, tiếp thu công nghệ mới, có điều kiện nâng cao tay nghề... mà không phải trả tiền chi phí đào tạo. Chính điều này sẽ tạo cơ hội cho người lao động sau khi về nước có thể lập nghiệp.

Hướng đi mới triển vọng

Được sự quan tâm của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Sở Ngoại vụ tỉnh, tháng 2/2023, Ủy ban Nhân dân huyện Ea Súp đã tổ chức ký kết “Thỏa thuận hợp tác về phái cử và tiếp nhận lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc" giữa Ủy ban Nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk và chính quyền huyện Iksan, tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong số đó, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số.

Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đắk Lắk vấn việc làm cho lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Sau gần 2 năm thực hiện, đến nay, Ủy ban Nhân dân huyện Ea Súp đã tổ chức tuyển dụng và đưa 327 lượt người đi lao động thời vụ tại Hàn Quốc.

Trong các đợt, trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng của chính quyền thành phố Iksan, Ủy ban Nhân dân huyện Ea Súp đã tiến hành tuyển dụng, ký kết hợp đồng với người lao động; chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện liên hệ các đơn vị chức năng tổ chức giáo dục định hướng, học tiếng Hàn; hướng dẫn, giúp người lao động đăng ký cấp hộ và hoàn thiện hồ sơ, các thủ tục khác theo quy định.

Đồng thời, Phòng tổ chức đưa người lao động sang Hàn Quốc bàn giao và đón người lao động sau khi kết thúc hợp đồng. Người lao động chỉ phải bỏ ra chi phí xuất cảnh khoảng 20 triệu đồng/người.

Bà Hoàng Thị Kiều Oanh, Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Ea Súp, cho biết sau khi sang Hàn Quốc, người lao động được chia thành các nhóm và được bố trí làm việc ở các nông trại; được người sử dụng lao động đảm bảo về việc làm, bố trí nhà ở an toàn, thoáng mát. Chi phí về nhà ở và tiền ăn do người lao động chi trả.

Tuy nhiên, việc triển khai “Thỏa thuận hợp tác về phái cử và tiếp nhận lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc” còn gặp khó khăn như có một số cá nhân vì lợi ích trước mắt, lợi dụng việc tham gia lao động thời vụ để bỏ trốn khỏi nơi làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc...

Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, cho biết theo khảo sát tại các địa phương, nhiều người dân có nhu cầu đi lao động thời vụ, đặc biệt là tại thị trường Hàn Quốc. Qua 2 năm thực hiện thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc), đã có 3 huyện là Ea Súp, Krông Năng và Ea H’Leo ký kết "Thỏa thuận hợp tác về phái cử và tiếp nhận lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc".

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có huyện Ea Súp đưa lao động đi làm việc thời vụ. Lao động Đắk Lắk khi tham gia làm việc được đánh giá cao. Đây là một trong những cơ hội giúp người lao động có hướng làm việc thời gian tới.

Chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Ea Súp là một phần của chiến lược tổng thể giảm nghèo bền vững, kết hợp cùng các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, cải thiện hạ tầng và dịch vụ y tế, giáo dục cho người dân địa phương.

Các hoạt động kết nối đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tạo động lực mạnh mẽ, giúp lao động địa phương từng bước thoát nghèo và ổn định cuộc sống, thể hiện quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của huyện biên giới này.

Theo Nguyên Dung (TTXVN/Vietnam+)

vietnamplus.vn Xem link nguồn

Có thể bạn quan tâm