Xã hội

Giai đoạn 2021-2023, Gia Lai có gần 2.800 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 6-6, tại TP. Pleiku, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Gia Lai tiến hành giám sát việc thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh hàng năm về số lao động được tạo việc làm mới và tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động đi làm việc ởnước ngoài giai đoạn 2021-2023.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh-Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn giám sát. Tham gia đoàn giám sát có các thành viên của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh và đại diện một số sở, ban, ngành liên quan, Trường Cao đẳng Gia Lai và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: Đinh Yến

Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: Đinh Yến

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên toàn tỉnh hiện có 929.693 người, chiếm 58,43% dân số, trong đó lao động nữ là 456.019 người, chiếm 49,05%. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 2 trường cao đẳng nghề, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện, 4 trung tâm GDNN và 2 doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Tỉnh có 1 Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý; chưa có đơn vị, doanh nghiệp tư nhân nào được cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm.

Cũng theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo được khoảng hơn 40.000 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 5% cuối năm 2021 lên 61,8% năm 2023.

Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng trên 78.000 lao động, trong đó đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2.785 lao động. Để đạt được kết quả này, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm cho lao động nông thôn. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn, giới thiệu cho 41.459 lao động, thông qua 134 phiên giao dịch việc làm và các buổi tư vấn giới thiệu việc làm, thu hút 237 lượt doanh nghiệp tham gia, giúp cho 809 lao động được giải quyết việc làm sau khi phỏng vấn.

Tuy nhiên, những năm qua, một số cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm triển khai thường xuyên; chưa thực sự tích cực phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động dẫn đến hiệu quả không cao. Nhận thức của người dân về học nghề để nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động, tăng giá trị thu nhập, học nghề để tự tìm việc làm và tự tạo việc làm còn chưa đầy đủ. Công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS và THPT hiệu quả còn thấp. Cơ chế chính sách về tự chủ, xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, chưa thu hút được doanh nghiệp và các nhà đầu tư quan tâm. Các chính sách hỗ trợ cho lao động tham gia học nghề còn thấp. Chính sách hỗ trợ vay vốn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ áp dụng cho các đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng, nhiều lao động không thuộc đối tượng trên không đủ điều kiện vay vốn đi xuất khẩu lao động...

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Trần Thanh Hải (đứng) báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: Đinh Yến

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Trần Thanh Hải (đứng) báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: Đinh Yến

Trên cơ sở đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung quy định trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện là đối tượng được thụ hưởng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho lao động nông thôn học nghề từ 30.000 đồng/người/ngày lên 50.000 đồng/người/ngày. Đề nghị Bộ hướng dẫn cụ thể để xác định đối tượng “người lao động có thu nhập thấp” làm cơ sở hỗ trợ các nội dung thuộc dự án tại các chương trình mục tiêu quốc gia. Kiến nghị UBND tỉnh ưu tiên các chính sách để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các khu công nghệp để phát triển kinh tế và giải quyết việc làm tại chỗ. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã thành phố đẩy mạnh triển khai các dự án, hoạt động sử dụng vốn Nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục cấp vốn theo chương trình mục tiêu dạy nghề, việc làm hàng năm để tăng cường đầu tư thiết bị dạy nghề cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên.

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt đoàn công tác, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Trường Cao đẳng Gia Lai, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh xem xét lại số liệu để có con số chính xác về đào tạo nghề và giải quyết việc làm của tỉnh trong thời gian qua; bổ sung số liệu về chỉ tiêu lao động được đào tạo, lao động được tạo việc làm hàng năm trong tỉnh, trên cơ sở đó mới đánh giá được kết quả thực hiện. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cần đánh giá sự phù hợp, hiệu quả của công tác đào tạo nghề đối với nhu cầu người lao động, giải quyết việc làm thực tế tại các địa phương để công tác này mang tính bền vững. Cùng với đó, các đơn vị thanh, kiểm tra đánh giá, kiểm soát, tham mưu UBND tỉnh có những giải pháp đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động dân tộc thiểu số. Tăng cường sử dụng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần vào giảm nghèo nhanh và bền vững.

Có thể bạn quan tâm