Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Hương lúa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Con đường nhỏ dẫn về nhà tôi hôm nay thoang thoảng hương lúa mới. A! Đã đến mùa gặt. Tôi khẽ reo lên và đưa mắt nhìn hai bên vệ đường, mong thấy những cọng rơm mới vừa vương lại đây bởi những cú nảy của bánh xe lăn qua ổ gà trên con đường cũ kỹ. Con đường như được ướp hương. Hương của ấm no và hạnh phúc.
Tôi đưa tay vơ lấy một nắm rơm vàng óng, thoảng vài vệt xanh dần ngả vàng, còn vương vấn mùi bùn ngai ngái. Hương rơm mới tinh khiết, man mát, làm dịu cả cái nắng vừa xộc lên sau cơn mưa bất chợt. Mang theo nắm rơm nhỏ về nhà, hương đồng ruộng tỏa ra khắp gian phòng. Tôi khẽ nhắm mắt, buông trôi mọi suy nghĩ, mường tượng mình đang dạo bước trên cánh đồng lúa chín. Nơi tôi sinh ra và lớn lên, cánh đồng nằm lọt thỏm trong lòng thung được chở che bởi núi. Những ô ruộng nối nhau trông như những dòng sông thay đổi sắc màu theo thời gian, chu kỳ sinh trưởng của lúa. Khi cơn gió ào qua, cánh đồng lao xao gợn thành những con sóng nhỏ. Mùa lúa làm đòng, ngọn nào ngọn nấy tròn căng, mọng sữa.
Mùa gặt đến, cả cánh đồng rộn ràng tiếng cười nói, tiếng máy nổ. Chân ai cũng vội, mắt ánh lên nụ cười lấp ló dưới vành nón. Bọn trẻ chúng tôi nhảy nhót, hò hét đuổi nhau trên cánh đồng. Lũ chim sà xuống nhặt vội những hạt lúa rồi bay vút lên vì tiếng bước chân, tiếng cười nói của mọi người. Mùa gặt kết thúc, tôi theo mẹ lội ruộng bắt cua đồng, chúng vàng ươm béo ngậy. Món canh cua, rồi bún riêu cua và cả món tương cua mẹ làm ăn dần trong năm đã nuôi tôi lớn. Giờ đây, công việc khiến tôi không còn trở lại với đồng ruộng thường xuyên nữa. Nhưng đồng ruộng luôn là nơi cho tôi nương náu ký ức tuổi thơ êm đềm và cả nơi tôi tìm về mỗi khi mệt mỏi với ồn ào, vội vã.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Trong tiết cuối thu, tôi dạo bước trên cánh đồng còn trơ gốc rạ. Nước còn xâm xấp, mùi rơm rạ quyện với chút se lạnh ve vuốt như vòng tay mẹ. Tôi nhớ mùi hương này vương trên áo. Những người nông dân đang vừa cười đùa vừa làm việc. Người nhanh tay cắt lúa, người điều khiển máy tuốt lúa, người vác những bao lúa nặng xếp lên xe công nông. Trẻ con hớn hở, lăng xăng chạy qua chạy lại rối rít. Cánh đồng đang vào hội. Lúa như vòng tay mẹ ôm ấp những mảnh đời. Từ bùn lớn lên xanh tươi rồi cho ra những hạt vàng, hạt ngọc. Khi bưng bát cơm mà nhớ người cày cấy. Lúa lặng lẽ tận hiến cho con người những bữa cơm đầm ấm, đi bên người qua bao gian khó.
Những ngày này, từng đoàn xe nối dài của những người con miền đất đỏ từ thành phố trở về vì dịch bệnh. Về thôi, ở nhà dẫu gì cũng có cây lúa, ngọn rau, cây trái tự trồng, quả trứng con gà tự nuôi giúp ta qua những ngày khốn khó. Những mảnh vườn giờ xanh mát với đủ cây trái và luống rau xanh mơn mởn chờ tay người hái. Chuồng gà được sửa chữa, tiếng gà mẹ gọi con, gà trống gáy sáng lại râm ran. Rồi một ngày kia, khi dịch bệnh được kiểm soát, con lại đi bởi công việc, bởi ước mơ và cả khát vọng ở tương lai.  
Đời lúa ngắn ngủi nhưng đủ dài để nuôi sống bao con người, bao thế hệ. Đủ mạnh mẽ dìu con trải qua bão giông. Đủ kiên nhẫn chiu chắt từ bùn đen những tinh khiết gửi gắm vào từng hạt gạo cho mỗi bữa cơm đầy tiếng cười. Đủ bao dung để thứ tha những lỗi lầm con trẻ. Nâng bước con trên đường dài cuộc sống. Vậy đấy, dẫu bàn chân con có mỏi bởi cơm áo, gạo tiền ở bất cứ đâu thì nơi mảnh đất đỏ, những hạt lúa vẫn nảy mầm từ mùa này qua mùa khác, đời này nối tiếp đời kia. Với tôi ở đâu có lúa ở đấy có mẹ. Mà nơi nào có mẹ thì đó là quê hương. Nơi ấy sẽ bình an và con luôn muốn trở về.
TRẦN HỒNG VÂN

Có thể bạn quan tâm