Kinh tế

Nông nghiệp

Hương nếp Đak Sơ Mei

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 11, khi dã quỳ dệt thảm vàng trên những triền đồi cũng là lúc lúa nếp nương của bà con Bahnar ở xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vào mùa thu hoạch. 6 tháng uống trọn nước trời, hít bầu không khí trong lành nơi lưng đồi cao, lúa nếp nương Đak Sơ Mei được kết tinh từ những tinh túy nhất mà thiên nhiên ban tặng.
Mùa nếp nương
Đồng bào Bahnar ở Đak Sơ Mei hiện còn lưu giữ giống lúa quý: lúa nếp nương. Tiếng Bahnar, giống lúa này có tên gọi là Bar Tơh, nghĩa là nếp than hay nếp đen. Hạt nếp nương to mẩy; ngay cả thân cây, lá hay hạt thóc cũng đều tỏa ra mùi thơm nhẹ.
Người Đak Sơ Mei coi nếp nương là giống cây quý, bởi không chỉ dùng làm cốm, nấu cơm lam mà còn được ủ thành món rượu cần thơm ngon. Bởi vậy, gia đình nào cũng phải có ít gạo Bar Tơh và dành phần đất nhất định để trồng và lưu giữ giống lúa quý này. Năm nào cũng vậy, gia đình ông Rao (làng Tul Đoa) cũng dành 1 mảnh rẫy nằm lọt thỏm giữa đám mì, bắp trên đồi cao để trồng nếp nương. Ông cho biết: Gieo trồng tách biệt như thế để giữ cho giống nếp nương không bị lai tạp. Năm nay, mưa đầu mùa ít nên lúa ít bông; hơn 1 sào chỉ thu được 4 bao thóc.
Còn bà Hyơih (làng Tul Đoa) thì chia sẻ: Năm nay, gia đình bà dành một vạt đất lớn để trồng nếp nương; đợt rồi, thu hoạch được 20 bao thóc. Nhà neo người và kinh tế khó khăn nên bà Hyơih coi đây là quà để dành tặng dịp năm mới cho anh em, họ hàng và người thân quý trong làng. “Mình trồng ở trên cánh đồng Đak Klong, cách làng 2 giờ đi bộ. Năng suất lúa tuy thấp nhưng thơm ngon, nấu được nhiều món ăn phục vụ lễ, Tết nên năm nào nhà mình cũng trồng”-bà Hyơih nói. 
Bà Hyơih (làng Tul Đoa, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa) sẩy nếp nương trước khi cất trữ. Ảnh: Lê Hòa
Bà Hyơih (làng Tul Đoa, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa) sẩy nếp nương trước khi cất trữ. Ảnh: Lê Hòa
Giữ gìn giống lúa quý
Để giữ được giống lúa thuần chủng, người dân đã áp dụng phương thức canh tác cách biệt trên những triền đồi nơi không có các loại lúa khác. Tháng 3, tháng 4, khi trời còn nắng cháy là lúc đồng bào Bahnar ở Đak Sơ Mei chuẩn bị đất. Tháng 5, khi xuất hiện những trận mưa đầu mùa là thời điểm phù hợp nhất để giống lúa nếp nương nảy mầm. “Từ lúc trồng đến thu hoạch, bà con chỉ bỏ công làm 2 đợt cỏ. Khi nhổ cỏ bà con thường vo thành từng búi nhỏ và tủ quanh gốc, để đến hoai mục sẽ cung cấp nguồn dưỡng chất cho lúa”-bà Hyơih cho hay.
Ngày nay, dù đã có máy móc hỗ trợ canh tác nhưng bởi gieo trồng trên đồi cao, bề mặt đất không bằng phẳng nên người Bahnar vẫn duy trì cách làm cũ: dùng một cây le nhỏ vót nhọn một đầu để chọc lỗ, sau đó nhón hạt giống thả xuống và lấp lên đó một lớp đất mỏng. Các nghi lễ như: báo cáo thần cai quản nương rẫy trước khi tra hạt, cúng lúa mới cũng dần được bãi bỏ hoặc đơn giản hóa để bớt rườm rà, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đak Sơ Mei: “Nhận thức được giá trị của giống lúa nếp nương, vài năm gần đây, Hội đứng ra vận động chị em phụ nữ đưa loại gạo này đến trưng bày và bán tại Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số gắn với du lịch đồi cỏ hồng và phiên chợ hàng nông sản của huyện, Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh)... Chúng tôi hy vọng, giống lúa này sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng đem lại thu nhập cho người dân”.

Lúa nếp nương thơm ngon nhưng năng suất thấp nên hầu như bà con Bahnar ở Đak Sơ Mei chỉ trồng đủ ăn và để duy trì giống lúa quý, chưa sản xuất theo quy mô hàng hóa. Bởi vậy, ngay giữa mùa thu hoạch, lúa cất trong kho, có người hỏi mua cũng rất ít gia đình chịu đem ra bán. Nhưng nếu bạn được dân làng yêu mến, họ sẵn lòng tặng một ít gạo đem về nấu lên thưởng thức…

LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm