Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Hương Tết xưa qua thư pháp Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Năm mới, nhiều người Việt vẫn lưu giữ cho mình “phong vị” Tết xưa qua những bức thư pháp chúc xuân ý nghĩa, những câu đối đỏ uyển chuyển, mềm mại, rực rỡ sắc màu… Nhiều gia đình lựa chọn thư pháp làm quà tặng người thân, bạn bè cho một năm mới nghênh đón nhiều tài lộc, bình an.

Ngày nay, thư pháp vẫn luôn được người Việt xem như một phần trang trọng trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Hình ảnh mực tàu giấy đỏ vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về đã trở thành nét đẹp văn hóa trang nhã, thanh cao trong lòng mỗi người dân Việt.

Anh Lê Trọng Hậu (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Gia Lai) tất bật với công việc “cho chữ” đầu năm. Ảnh: Mai Ka

Anh Lê Trọng Hậu (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Gia Lai) tất bật với công việc “cho chữ” đầu năm. Ảnh: Mai Ka

Năm nay, “ông đồ” Lê Trọng Hậu (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Gia Lai) lại tất bật với công việc “cho chữ” với mong muốn giới thiệu vẻ đẹp của thư pháp đến những người yêu phong vị truyền thống. Anh Hậu cho hay: Tết đến, nhiều người tới đây “xin chữ”. Khi “cho chữ”, mình cũng mong sao ước nguyện của những người “xin chữ” trở thành hiện thực. Tôi có hơn 12 năm trong nghề nên cũng tích cóp được ít nhiều kinh nghiệm và sáng tạo trong cách thể hiện thư pháp. Mỗi bức thư pháp tôi hoàn thành trong khoảng 15 đến 30 phút”.

Bên cạnh phong tục tục xông đất, lì xì, khai bút đầu năm thì “xin chữ” cũng là nét đẹp được nhiều người dân phố núi Pleiku quan tâm, coi trọng. Ảnh: Mai Ka

Bên cạnh phong tục tục xông đất, lì xì, khai bút đầu năm thì “xin chữ” cũng là nét đẹp được nhiều người dân phố núi Pleiku quan tâm, coi trọng. Ảnh: Mai Ka

Theo anh Hậu, những bức thư pháp chúc xuân không chỉ xuất hiện trên giấy như thời xưa nữa mà đã được chuyển hóa trên nhiều vật liệu khác như: mành dệt, giấy mỹ thuật, tre nứa… Ngày Tết, mọi người thường “xin chữ” là những lời chúc an lành, những câu đối nghĩa tình. Mỗi người có thể chọn cho mình những nét chữ như “phượng múa rồng bay” và cũng có thể chọn cho mình những kiểu chơi chữ lý thú, những câu ý nghĩa để tặng gia đình, bạn bè hay để treo trong nhà nhân dịp năm mới. Hầu hết mọi người chọn chữ: Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Tâm, An, Nhẫn, Hiếu, Cha, Mẹ… Không chỉ viết chữ, anh còn tạo nên những bức tranh thiên nhiên có hồn, hình tượng đặc trưng và nhẹ nhàng như: rồng, phụng, hoa mai, hoa đào đi cùng với dòng chữ thư pháp ý nghĩa để phù hợp với dịp Tết cổ truyền.

Bên cạnh phong tục tục xông đất, lì xì, khai bút đầu năm thì “xin chữ” cũng là nét đẹp được nhiều người Việt quan tâm, coi trọng. Chính vì vậy, Tết Nguyên đán năm nay, bạn trẻ Tuệ Trúc (thôn 2, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) lại “khăn gói” lên chùa “cho chữ”.

Cô gái Tuệ Trúc (thôn 2, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) vui vẻ "cho chữ" ngày đầu năm. Ảnh: Mai Ka

Cô gái Tuệ Trúc (thôn 2, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) vui vẻ "cho chữ" ngày đầu năm. Ảnh: Mai Ka

Tuệ Trúc là một cô gái vừa tròn 20 tuổi nhưng có đam mê đặc biệt với thư pháp. Trúc chia sẻ: “Thư pháp đã hiện hữu rất lâu trong những ký ức tuổi thơ của tôi. Hình ảnh ông đồ tặng chữ đã trở nên quen thuộc mỗi khi mẹ dắt đi “xin chữ” vào mỗi dịp đầu năm mới. Nó đã tạo động lực cho tôi học và viết thành thạo thư pháp. Năm nay, tôi lên chùa cho chữ những ai cần. Tôi thấy việc làm này rất ý nghĩa. Hầu hết mọi người đều thích những lời chúc như: Chúc mừng năm mới, mã đáo thành công, phúc lộc song hoàn, an khang thịnh vượng…”

Cứ vào dịp đầu Xuân năm mới, ai nấy lại rủ nhau đi "xin chữ" về treo trong nhà để cầu mong những điều tốt đẹp. Chị Tống Hoài An (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho biết: “Tết nào tôi cũng đi xin chữ lấy lộc đầu năm. Tôi thường xin chữ “An” và chữ “Lộc” với mong muốn mang đến bình an và tài lộc cho gia đình. Khi đứng xem “thầy đồ” tài hoa đưa các nét cọ điêu luyện, uyển chuyển viết ra chữ thư pháp, tôi cảm giác như mình đang được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật truyền thống, giàu sáng tạo”.

Nhiều gia đình ưa chuộng câu đối đỏ cho ngày Tết. Ảnh Mai Ka

Nhiều gia đình ưa chuộng câu đối đỏ cho ngày Tết. Ảnh Mai Ka

Hầu hết người “xin chữ” đều mong ước một năm mới tốt đẹp, bình an và tâm niệm coi trọng chữ nghĩa. Anh Nguyễn Văn Trọng (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cho hay: “Bố tôi vốn là thầy giáo và ông rất yêu chữ. Mỗi năm vào sáng mùng 1 Tết, tôi mang tới tặng bố một bức tranh thư pháp có dòng chữ ý nghĩa. Tết năm nay, tôi tặng bố chữ “Hiếu”, thể hiện sự biết ơn về công sinh thành, dưỡng dục”.

Có thể bạn quan tâm